Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Game mobile giúp trẻ phát triển tư duy

Ngọc Thanh

Nhiều bậc phụ huynh thường cho con cái cầm chiếc smartphone để chơi trò chơi điện tử, đơn giản chỉ để trẻ bớt chạy nhảy, quấy phá. Tại sao không tận dụng chiếc điện thoại thông minh và hướng con trẻ vào việc giải trí thiết thực với những trò chơi giúp trẻ phát triển tư duy?

Phát triển tính tự giác, khả năng ngôn ngữ

Trẻ nhỏ thường ít có ý thức tự giác trong việc vệ sinh cá nhân và các nhu cầu thiết yếu thường ngày như tắm, ngủ, ăn… Hãy khai thác giá trị thực của các trò chơi trên điện thoại để dạy cho con mình tính tự giác cũng như khả năng biểu đạt ngôn ngữ.

Ví dụ như game Talking Tom hoặc My Talking Angela. Với hai chú mèo dễ thương, bọn trẻ sẽ phá lên cười khi chúng lặp lại lời của mình bằng chất giọng ngộ nghĩnh.

Nhưng dưới sự tác động của cha mẹ, trẻ con sẽ hiểu cách chăm sóc, nâng niu vật cưng của mình. Chẳng hạn, khi mèo Angela đói hãy cho mèo ăn, lúc mèo còn nhỏ thì nên cho uống sữa, ăn bánh quy; mèo lớn rồi mới cho ăn thịt, cá. Trẻ con cũng thế, còn nhỏ thì uống sữa nhiều, lớn lên thì ăn món khác. Ăn xong thì phải đánh răng, chú mèo trong trò chơi được nhân cách hóa với hàm răng trắng tinh, bóng loáng sẽ khiến trẻ dễ liên tưởng đến hàm răng của mình và cũng muốn tự giác đánh răng như vậy.

Ngoài ra, nếu cha mẹ biết tận dụng khả năng lặp lại lời nói của mèo Tom/Angela, sẽ giúp trẻ phát triển khả năng tư duy ngôn ngữ nhiều hơn. Chị Trần Thị Minh Tâm, giáo viên tiếng Hàn ở quận Tân Bình, chia sẻ: “Lúc mới sinh đứa con đầu, tôi chưa biết đến những trò chơi này, chỉ cho con xem ti vi, cũng ít nói chuyện với con nên cháu có phần chậm chạp. Nhưng đứa thứ hai chơi game Talking Tom, thì mới ba tuổi mà mồm miệng nhanh nhảu lắm”.

Screenshot_2015-04-23-15-36-53

Screenshot_2015-04-23-15-37-17

Chơi mà học

Với trẻ tầm tám tuổi trở lên, sự khao khát tìm hiểu vạn vật xung quanh rất mạnh mẽ. Trò chơi Doddle Alchemy, cùng với sự hỗ trợ của cha mẹ sẽ giúp trẻ từng bước khám phá sự hình thành của thế giới.

Trò chơi có giao diện tiếng Anh, bước đầu tiên sẽ cho bé bốn nguyên tố land-water-air-fire (đất-nước-không khí-lửa). Nhiệm vụ của bé là kết hợp từng đôi nguyên tố với nhau để tạo ra nguyên tố mới. Nhiệm vụ của cha mẹ là giải thích sự kết hợp thành công đó cho bé hiểu. Ví dụ, lửa + đất sẽ ra dung nham (lava), dung nham + nước sẽ ra đá (stone)… cha mẹ sẽ giải thích cho trẻ vì sao xảy ra điều đó. Trẻ sẽ nhớ kỹ và có một nền tảng về kiến thức cho tương lai. Vì có giao diện tiếng Anh nên trò chơi này còn giúp trẻ luyện tập và ghi nhớ từ vựng một cách có hiệu quả.

Với ứng dụng Brain Games, trẻ sẽ được rèn luyện khả năng tập trung, gia tăng trí nhớ, cách tính nhẩm những bài toán đơn giản… bằng những trò chơi nho nhỏ có cấp độ từ dễ, trung bình đến khó. Các trò chơi tuy nhỏ nhưng không kém phần hấp dẫn như nhớ thứ tự số từ bé đến lớn: trẻ sẽ được nhìn thấy ba ô số ở ba vị trí bất kỳ trên màn hình trong hai giây. Sau hai giây, các ô tự che mất số và trẻ sẽ phải chọn từng ô theo thứ tự từ nhỏ đến lớn.

Bà Phan Thị Tuyết, tiểu thương ở chợ Bình Điền, TPHCM cho biết: “Tôi có đứa cháu ngoại sáu tuổi, sắp vô lớp một nhưng không chịu học. Gần đây thấy mẹ nó hay cho nó chơi mấy trò giống thế này, vừa học vừa chơi nên nó thích lắm”.

Nhưng điều kiện tiên quyết để các trò chơi phát huy tác dụng, chính là cha mẹ phải cùng tham gia với con để các bé không bị bỡ ngỡ trước những câu hỏi hoặc những yêu cầu bằng tiếng Anh của trò chơi. Và dĩ nhiên, phải biết tiết chế thời gian chơi của trẻ để có thể phát triển toàn diện về trí não lẫn hình thể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối