TUỆ NHÃ -
Từ khi có cái gọi là “xã hội hóa” hơn 10 năm về trước, truyền hình giải trí ở Việt Nam đã đi qua nhiều trào lưu: ca nhạc, nhảy múa, thời trang, hài...
Gameshow lên ngôi
Hẳn khán giả không thể quên thời kỳ “gameshow hóa” của truyền hình Việt Nam khoảng thời gian những năm 2003-2007. Trên truyền hình lúc ấy, vài chục gameshow được phát sóng mỗi tuần như Rồng vàng, Siêu thị may mắn, Đường lên đỉnh Olympia, Đấu trường 100, Chung sức, Hãy chọn giá đúng, Ai là triệu phú, Đuổi hình bắt chữ, Kim tự tháp, Theo dòng lịch sử, Hội ngộ bất ngờ, Tam sao thất bản, Hát với ngôi sao, Trò chơi âm nhạc, Chiếc nón kỳ diệu, Nhịp sống sôi động, Ở nhà Chủ nhật, Hành trình văn hóa…
Điểm chung của các cuộc chơi vẫn là trả lời các câu hỏi về kiến thức phổ thông để giành lấy tiền thưởng. Những chương trình về sản phẩm như Siêu thị may mắn, Hãy chọn giá đúng… thực sự biến thành “những con gà đẻ trứng vàng” cho các công ty sản xuất (như Công ty Cát Tiên Sa) khi vài chục sản phẩm quảng cáo xuất hiện trong chương trình (mỗi lần giơ bảng, đọc quảng cáo là vài chục triệu đồng chi phí).
Nở rộ như thế, nhưng “tuổi thọ” của các gameshow lại không kéo dài. Trung bình qua khoảng ba mùa, các gameshow phải chấm dứt nếu rating (thước đo người xem chương trình) rớt và không tìm được tài trợ. Vài gameshow có sức sống bền bỉ vẫn tồn tại đến nay như Đường lên đỉnh Olympia, Chiếc nón kỳ diệu, Chung sức, Đấu trường 100, Trò chơi âm nhạc, Ai là triệu phú… nhưng cũng giảm bớt sức nóng, bị mất giờ đẹp phát sóng, phải chuyển sang kênh ít quan trọng hơn hoặc tăng tiền thưởng, thay đổi người dẫn chương trình.
Truyền hình thực tế âm nhạc xuất hiện
Bước ngoặt xuất hiện vào năm 2007 khi Pop Idol được Công ty BHD mua bản quyền về Việt Nam với tên gọi Thần tượng âm nhạc. Đây có thể coi là sự mở màn cho truyền hình thực tế ở Việt Nam. Chương trình âm nhạc nhiều đến nỗi mùa 2008, Vietnam Idol lúc đầu không được cấp phép với lý do có quá nhiều cuộc thi ca nhạc. Thời điểm đó, mở ti vi ra chỉ thấy ca nhạc với Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn, Tiếng hát truyền hình (sau đó Công ty Cát Tiên Sa đổi tên thành Ngôi sao tiếng hát truyền hình), Bài hát Việt, Tiếng ca học đường (dành cho học sinh)…
Gần 10 năm sau, mở ti vi ra vẫn thấy ca nhạc nhưng những cuộc thi âm nhạc Việt Nam như Sao Mai, Tiếng hát truyền hình, Bài hát Việt, Bài hát yêu thích, Tiếng hát mãi xanh… đã hoàn toàn lép vế với các chương trình mua kịch bản ngoại như Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Nhân tố bí ẩn (X Factor), Cặp đôi hoàn hảo, Hòa âm & Ánh sáng (Cát Tiên Sa thực hiện), Tìm kiếm tài năng Việt (Vietnam’s Got Talent), Tìm kiếm tài năng châu Á, Thần tượng âm nhạc (BHD tổ chức), Tôi là người chiến thắng, Tuyệt đỉnh tranh tài (Đông Tây tổ chức), Gương mặt thân quen, Gương mặt thân quen nhí (Sóng Vàng tổ chức)…
Có thể nói ca nhạc là loại hình giải trí có sức sống bền bỉ nhất và dễ kiếm tài trợ nhất trong các loại gameshow truyền hình dù vẫn có những chương trình “đoản thọ” như Hợp ca tranh tài, Song ca cùng thần tượng…
Một trào lưu khác rất rầm rộ nhưng “bạo phát bạo tàn” là truyền hình về nhảy múa. Khởi đầu với thành công giòn giã của Bước nhảy hoàn vũ 2010 (phiên bản của Dancing with the Stars nổi tiếng – Ngô Thanh Vân đăng quang), Bước nhảy hoàn vũ nhí, Vũ điệu đam mê (Got to dance) tiếp nối nhưng rating không khả quan. Sau các mùa nổi bật của Thử thách cùng bước nhảy (So you think you can dance) thì những câu chuyện “câu nước mắt khán giả” cũng đang giảm dần sức hút.
Cùng thời điểm với Bước nhảy hoàn vũ, các chương trình về thời trang, người mẫu cũng được Multimedia JSC mua về Việt Nam. Người mẫu Việt Nam (Vietnam’s Next Top Model) là một chương trình ăn khách so với Nhà thiết kế thời trang Việt Nam (Project Runway VN) và Ngôi sao thiết kế thời trang (chỉ tồn tại được một mùa).
Ở những mảng khác, Vua đầu bếp (Master Chef) và Cuộc đua kỳ thú (The Amazing Race) cũng đạt được một số điểm nhấn nhất định sau khi thu hút những người nổi tiếng tham gia chương trình. Tuy nhiên, những chương trình này chưa bao giờ vươn lên vị trí top 3 về quảng cáo lẫn rating.
Đến thời bùng nổ hài
Hai năm vừa qua, nếu có mảng nào nổi lên như “con gà đẻ trứng vàng” thì đó chính là truyền hình thực tế hài. Dẫn đầu trào lưu là Tập đoàn Đất Việt (công ty mẹ của Đông Tây) với Người bí ẩn, Ơn giời cậu đây rồi!, Bí mật đêm Chủ nhật, Hội ngộ danh hài quy tụ hầu hết các danh hài như Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương, Xuân Bắc, Chí Tài, Đức Hải, Thu Trang…; Thách thức danh hài của Điền Quân Media, Cười là thua, Chết cười của BHD, Bạn có thực tài, Cùng nhau tỏa sáng của KMedia… Ngay cả những chương trình ca nhạc, ẩm thực, gameshow cũng mời Trường Giang, Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành… làm MC hoặc lên ghế “nóng” khiến họ xuất hiện “mòn mặt” trước khán giả và có diễn viên hài tự dưng thành ngôi sao điện ảnh mới.
Vì các nhà sản xuất đều chạy theo hài, nên hài nhảm, hài tục, hài vô duyên, hài “cười không nổi” cũng từ đây mà ra, khiến không ít khán giả phản ứng với các chương trình Chết cười, Thách thức danh hài, Aha!…
Trẻ em hay khỏa thân?
Cơn sốt Giọng hát Việt nhí vừa nguội, sự thành công vượt bậc của Bố ơi mình đi đâu thế hai mùa liên tiếp ngay lập tức đã nối tiếp. “Trẻ em là trung tâm của vũ trụ” nên sau Đồ Rê Mí, các chương trình “hot” đều có phiên bản nhí gồm Bước nhảy hoàn vũ nhí, Vũ điệu tuổi xanh, Gương mặt thân quen nhí… MayQ Media tham gia cuộc chơi này với The Kid Host – một chương trình thuần Việt nhưng chưa mấy thành công thì Người hùng tí hon – phiên bản của Litte Giants – chương trình tài năng ca hát nhảy múa cho trẻ em cũng chuẩn bị lên sóng.
Nếu như ở nước ngoài, các chương trình khỏa thân trở thành một trào lưu nóng bỏng thì ở Việt Nam, vì nguyên nhân “thuần phong mỹ tục”, các chương trình này có lẽ sẽ không xảy ra. Thay vào đó, các chương trình “hot” sẽ tiếp tục được sản xuất (có cải tiến, đổi mới) và “mở rộng” cho các đối tượng người chơi. Đông Tây sản xuất chương trình thi nhảy múa cho người béo phì (mà chắc hẳn sẽ có yếu tố hài), Multimedia JSC tổ chức cuộc thi người mẫu dành cho các bà mẹ trên 30…