Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Gần 30% thí sinh không xét tuyển đại học, tín hiệu vui cho đào tạo nghề

(SGTTO) - Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia, trong đó 279.001 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT chứ không xét tuyển đại học (chiếm khoảng 27,8%).

Năm 2018, số học sinh tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề là 2,1 triệu người. Ảnh: Tư liệu

Theo thông tin của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính riêng ở Nghệ An, có hơn 40% thí sinh không đăng kí xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Như vậy, số lượng lớn học sinh phổ thông trung học không tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng trong năm nay, phải chăng đây là cơ hội cho giáo dục dạy nghề?

Ông Tạ Quang Tùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hướng nghiệp Á Âu, chia sẻ với Sài Gòn Tiếp thị Online rằng việc đào tạo nghề đang được xã hội quan tâm và coi trọng hơn, phần lớn là nhờ công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng tích cực, đặc biệt trong các đợt tuyển sinh nhiều năm qua. Đây không phải là chuyện có thể định hướng được trong 1-2 năm mà đã phải mất rất nhiều năm để học sinh và phụ huynh bắt đầu có những nhìn nhận tích cực và “công bằng” hơn về việc đào tạo nghề. Cũng phải mất nhiều năm, khi xã hội bắt đầu có nhiều tấm gương thành công "không-nhờ-đại-học", niềm tin vào các trường nghề, trường trung cấp cũng như nhiều loại hình đào tạo khác mới có thể tăng cao hơn.

Ông Tùng cho rằng trong thời đại 4.0, phụ huynh Việt Nam - trước đây vốn là nguồn tác động chính yếu đến việc định hướng nghề nghiệp cho con em - cũng đã có góc nhìn cởi mở hơn. Nhờ có Internet, phụ huynh cũng thấy ở Canada, ở Mỹ, trường nghề cũng danh tiếng không kém trường đại học. Phụ huynh cũng kết bạn Facebook với giới trẻ, họ bắt đầu được tiếp nhận những tinh thần tự do, tôn trọng sự khác biệt, làm bạn cùng con… Các bạn trẻ giờ đây cũng phần nào gỡ bỏ được áp lực phải chọn nghề vì gia đình mà biết sống với lựa chọn của chính mình nhiều hơn. Rất nhiều bạn đã từ chối thi đại học ngay từ đầu vì biết có nhiều lối đi khác phù hợp hơn cho tương lai của mình.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics, chia sẻ với Sài Gòn Tiếp thị Online rằng nhân sự trong ngành logistics vẫn chủ yếu đến từ các trường cao đẳng, đại học. Hệ thống đào tạo nghề cho đến thời điểm này chưa đào tạo được nhiều cho ngành logistics. Các vị trí cung cấp được có là từ lao động tương đối đơn giản như lái xe tải, xe nâng. “Con số này tôi cho là rất nhỏ, chỉ vài phần trăm”, ông Khoa nói.

Ông Khoa lý giải, nguyên nhân dẫn đến câu chuyện trên là do cả việc đào tạo nghề chưa được chú trọng lẫn quan niệm của phần đông chưa coi trọng việc học nghề. Tuy nhiên, nếu đào tạo đại học, cao đẳng mà không sát thực tế thì có khi người học ở trường nghề ra trường có thể có việc ngay, thu nhập tốt hơn. “Thực tế, một số doanh nghiệp có lượng nhân viên tốt nghiệp đại học lớn hơn 90%, tôi cho rằng đó là sự lãng phí lớn”, ông Khoa nói.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Hướng nghiệp Á Âu, nhiều người chuộng học đại học hơn học nghề vì tư duy xã hội nói chung hay tư duy hướng nghiệp nói riêng đều phần nào xuất phát từ nền tảng văn hoá. Việt Nam vốn là một nền văn hoá nông nghiệp lúa nước, nên bản thân sự ổn định, an nhàn, ấm no luôn được xem là điều mong mỏi nhất của người dân Việt Nam nói chung. Văn hoá làng xã khiến mọi người luôn phải nhìn trước, ngó sau, phải cho “oai” với người ta. Hơn nữa, vì có một quá khứ chịu nhiều đau thương, tổn thất của chiến tranh, người Việt Nam luôn mong muốn được học cao, thành danh để có được những nghề nghiệp cao quý, nhằm thoát khỏi đói nghèo, thay đổi cuộc sống. Bối cảnh văn hoá và lịch sử như vậy đã hình thành nên tư duy của phần đông người Việt Nam là trọng học thức, cụ thể là“đại học” luôn được xem là bậc học danh giá và cũng gọi là con đường “nhàn hạ” và “oai” để vào đời. Văn hoá thành tích, bằng cấp… ở Việt Nam cũng nở rộ từ đây.

Ông Tùng nói thêm rằng, bước qua các cánh cửa học vấn, các bạn sinh viên rồi cũng phải "chạm mặt" với môi trường việc làm thực tế. Cơ hội việc làm là không thiếu, nhưng rất nhiều sinh viên chỉ giỏi lý thuyết nhưng lại thiếu các kỹ năng năng, nghiệp vụ, không đáp ứng được tiêu chí tuyển dụng. Chưa kể quan niệm “đã học cao phải làm cao”, không ít sinh viên mới ra trường có tâm lý ngại những vị trí nhỏ hay những công việc được cho là tay chân như phục vụ khách hàng, lễ tân… Nhu cầu nhân lực của nhóm ngành đòi hỏi kỹ năng làm nghề như nhà hàng - khách sạn, dịch vụ ẩm thực, kỹ thuật… là rất cao nhưng lại thiếu trầm trọng lao động có tay nghề để làm việc ngay. Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” là vậy. Tuy nhiên, xu hướng này đang có chuyển biến tích cực trong những năm gần đây.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 của Tổng cục Thống kê, giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực trực tiếp trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng đa dạng về loại hình đào tạo và mô hình hoạt động. Hiện nay, cả nước có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 394 trường cao đẳng, 515 trường trung cấp và 1.045 trung tâm giáo dục thường xuyên.

Đào tạo nghề năm 2018 đã tuyển mới được hơn 2,2 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được 545 nghìn người; trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo nghề khác tuyển sinh được 1,67 triệu người, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho 800 nghìn lao động nông thôn học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2018, số học sinh tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề là 2,1 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 440 nghìn người, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 1,66 triệu người.

Đỗ Lan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối