(SGTT) - Khoảng 300kg pin cũ đã được mang đổi lấy cây xanh thông qua hoạt động “Đổi rác lấy cây” trong “Ngày hội sống xanh cùng Gen G” tại nhà Nhà văn hóa thanh niên (TPHCM), diễn ra vào tối 24-2.
- Đổi pin cũ độc hại cho môi trường lấy cây xanh
- Nhà máy pin 2 tỉ đô la ở Mỹ đặt cược lớn vào tương lai xe tải điện
Nhằm khuyến khích người dân phân loại pin cũ một cách đúng đắn, tập đoàn Panasonic phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hoạt động “Đổi rác lấy cây” trong “Ngày hội sống xanh cùng Gen G” tại Nhà văn hóa thanh niên (TPHCM).
Theo đó, từ 5 viên pin cũ trở lên, người tham gia có thể đổi được 1 cây sen đá. Hoạt động này đã thu hút đông đảo người dân lấy pin cũ đổi cây.
“Pin cũ sau khi thu gom sẽ được mang đến nhà máy ở quận Bình Tân, TPHCM để xử lý đúng cách. Bên cạnh pin, hoạt động còn thu gom chai nhựa và mang đến nhà máy xử lý, sản xuất thành các sản phẩm tái chế khác”, chị Hoàng Mỹ Anh, đại diện Tổ chức Nhà nhiều lá (đơn vị thu pin cũ trong ngày hội), chia sẻ.
Ngoài trạm đổi rác lấy cây, người tham gia có thể mang chai, lọ đựng để được đổ đầy miễn phí các sản phẩm như nước rửa tay, nước lau sàn… bằng các nguyên liệu sinh học, thân thiện với môi trường.
Hơn nữa, người dân và các bạn học sinh, sinh viên có thể tham quan các “trạm xanh” để tìm hiểu quy trình tái chế chai nhựa thành sản phẩm hữu ích trong đời sống.
“Chúng tôi tin rằng người dân, giới trẻ đã được truyền cảm hứng, hiểu thêm về vai trò quan trọng của họ khi đồng hành với chính phủ và doanh nghiệp trong hành trình giải quyết các vấn đề môi trường”, ông Oka Hiroyuki, Giám đốc Việt Nam Panasonic, chia sẻ.
Bên cạnh đó, “trạm tái chế rác thải” cũng thu hút đông đảo người trẻ tham gia. Từ những chiếc quần, áo cũ được nhiều người trẻ tự khâu thành chiếc túi vải với nhiều màu sắc, kiểu dáng khác nhau.
“Mình nghĩ quần áo cũ vẫn có thể tái chế thành những chiếc túi đựng đồ có ích. Mình được bổ sung kiến thức về sống xanh, lối sống không rác thải rất nhiều thông qua ngày hội”, chị Võ Trần Hồng Ngọc, ngụ quận Tân Phú, TPHCM nói.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, tổng lượng khí thải carbon ở Việt Nam vào năm 2021 là 300 triệu tấn, tương đương 0,82% trên toàn cầu. Việt Nam cam kết thực hiện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.Thời gian gần đây, nhiều người dân và bạn trẻ đã bắt đầu thực hành lối sống xanh từ những hành động, thói quen nhỏ như không vứt bỏ mà để dành pin cũ và đem đến nơi xử lý đúng cách, hạn chế sử dụng túi nilon hay tái chế quần áo cũ thành vật dụng có ích, góp phần lan toả được ý thức bảo vệ môi trường.