Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với phát triển thị trường

Thùy Dung-Ánh Minh-

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp kết hợp với phát triển thị trường lao động, việc làm. Tổng kinh phí thực hiện chương trình đến năm 2020 dự kiến khoảng 14.000 tỉ đồng.

Theo Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016-2020, trong tổng kinh phí dự kiến là 14.024 tỉ đồng cho chương trình, ngân sách trung ương chiếm khoảng 8.559 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 3.300 tỉ đồng. Phần vốn còn lại sẽ từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và huy động từ các nguồn khác.

 

Nâng cao chất lượng

Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nói trên gồm ba dự án thành phần. Dự án thứ 1 là “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”, tiếp đó là “Phát triển thị trường lao động và việc làm” và dự án thứ 3 là “Tăng cường an toàn, vệ sinh lao động”.

Mục tiêu tổng quát của chương trình nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, nâng cao hiệu quả kết nối cung-cầu lao động. Bên cạnh đó là tạo việc làm, tăng cường xuất khẩu lao động, an toàn, vệ sinh lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy việc làm bền vững gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và phòng ngừa tai nạn lao động.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2020 hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường nghề theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Sự hỗ trợ này cũng đến với 30 ngôi trường chuyên biệt đủ điều kiện đào tạo cho một số nghề trọng điểm để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế biển và các đối tượng là người dân tộc thiểu số học nội trú, người khuyết tật. Chương trình có kinh phí đầu tư đồng bộ cho 100 nghề trọng điểm theo quyết định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Đồng thời, chương trình hỗ trợ việc đào tạo khoảng 8.800 người lao động có trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ và ngành nghề đặc thù, từ đó đưa 6.200 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Chương trình cũng sẽ thực hiện việc tư vấn chính sách việc làm và học nghề, trong đó 45-50% số người lao động đến các trung tâm dịch vụ việc làm được giới thiệu việc làm và 70% trong số đó có kết nối việc làm thành công.

 giaoduc-nghenghiepĐổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là một mục tiêu lớn của ngành dạy nghề.  Ảnh: Thùy Dung

Đổi mới giáo dục nghề nghiệp

Bên cạnh mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, Việt Nam cũng hướng tới việc đổi mới cơ chế trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đây là một trong những chủ đề được trao đổi tại cuộc hội nghị Mạng lưới đối tác phát triển trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Đại sứ quán Đức tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 21-6 vừa qua.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết hội nghị ngoài việc cập nhật tình hình phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trao đổi thông tin giữa các đối tác hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn nhằm chia sẻ các ý tưởng mới trong hợp tác cũng như tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Tổng cục Dạy nghề và các đối tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Đến nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Giáo dục, Đào tạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia Việt Nam tương thích với ASEAN, xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo theo tiêu chuẩn đầu ra. Đây sẽ là cơ sở cho việc quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, công nhận lẫn nhau về kỹ năng nghề giữa các nước trong khu vực.

Theo ông Trần Quốc Huy, Chánh văn phòng Tổng cục Dạy nghề, hiện tổ chức này đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các văn bản pháp luật để vận hành hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo để có thể đào tạo nhân lực cho nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm chính là “chìa khóa” trong công cuộc đổi mới giáo dục nghề nghiệp, giúp giải quyết các vấn đề trong hệ thống này hiện nay cũng như trong tương lai nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới đào tạo gắn với nhu cầu thực tế của nền kinh tế.

Tổng cục Dạy nghề đang xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tiến tới cơ bản theo phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.

[box] Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Những quy định mới này sẽ đi vào cuộc sống từ ngày 24-7 sắp tới và được áp dụng đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị, cá nhân có liên quan. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng tiêu chí, tiêu chuẩn làm công cụ để tự đánh giá các hoạt động nhằm đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giải trình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người học và xã hội về chất lượng đào tạo của cơ sở mình. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp sử dụng tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn hoặc không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các tổ chức, cá nhân khác có cơ sở để nhận định, đánh giá và tham gia phản biện xã hội đối với chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà họ quan tâm.

N. Ánh [/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối