Đến hẹn lại lên, những ngày cận tết là thời điểm các "chợ đổi tiền" mệnh giá nhỏ trở nên sôi động hơn dù cơ quan quản lý vẫn "siết chặt" vấn đề này.
- Tiền mới; Chuyện không mới
- Ngân sách tiết kiệm được hơn 3.500 tỉ đồng nhờ hạn chế in tiền lẻ dịp Tết Nguyên đán
Dịch vụ đổi tiền từ mạng đến chùa
Chỉ với thao tác tra từ khóa "đổi tiền tết" trên Google, người tìm kiếm sẽ nhận được hơn 90 triệu kết quả liên quan. Trong đó, có hàng trăm kết quả là các trang web nhận đổi tiền với thông tin cụ thể như số điện thoại, địa chỉ giao dịch.
Theo quảng cáo từ các trang này, với tờ tiền độ mới 100%, tùy mệnh giá tiền cần đổi mà người dùng sẽ tốn các mức phí khác nhau. Cụ thể, mệnh giá 1.000-2.000 đồng sẽ tốn phí từ 13%-15%; mệnh giá 10.000-20.000 đồng là 6%-8% và 3%-5% phí cho mệnh giá 50.000-100.000 đồng. Nếu khách hàng chọn tiền có độ mới còn khoảng 80%-90% thì mức phí trung bình chỉ từ 2%-3%.
Ngoài các "chợ đổi tiền online" thì tại một số ngôi chùa ở Hà Nội vẫn có dịch vụ đổi tiền mệnh giá nhỏ tuy có mức phí cao hơn online nhưng hoạt động kín đáo hơn.
Theo bài viết trên TTXVN, chủ một điểm bán sớ, sách tử vi tại vỉa hè phố Quán Sứ cho biết: “Muốn đổi tiền lẻ mới mệnh giá nhỏ 1.000-2.000 đồng thì người cần đổi phải trả phí 30%, nghĩa là muốn có 100.000 đồng tiền mệnh giá thấp thì họ chỉ nhận được 70.000 đồng ở mệnh giá cần đổi. Với một số mệnh giá tiền khan hiếm hàng như 500 đồng hay mệnh giá cao như 50.000 đồng thì phí đổi có khi lại cao hơn nhiều lần".
Ở khía cạnh người dân, chị Lan Anh (Hà Nội), chia sẻ với TTXVN rằng mình cũng tìm đến ngân hàng để đổi tiền với tâm lý là khách hàng gửi tiết kiệm cả năm nhưng kết quả nhân viên thông báo không có tiền mới. Một số chi nhánh thì báo là có tiền mệnh giá thấp nhưng độ mới tiền chỉ còn khoảng 80%-90%.
Được biết, về phía cơ quan quản lý, từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trương không phát hành tiền lẻ, mệnh giá thấp gồm tờ tiền các mệnh giá 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng vào dịp tết. Thay vào đó, cơ quan điều hành sẽ chủ động cung tiền mệnh giá nhỏ gồm cả tiền cũ và tiền mới đã in và phát hành vào các thời điểm trong năm, trước tết Nguyên đán.
Xử lý nghiêm vi phạm đổi tiền trong dịp tết
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng vừa ban hành văn bản số 684 đề nghị các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Theo đó, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống; chỉ đạo thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh ngoại hối và dịch vụ đổi tiền không đúng quy định pháp luật. NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm không đúng quy định pháp luật.
NHNN cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07 ngày 11-10-2017 về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138/CP tại văn bản số 4225/BCĐ ngày 07-12-2020 về việc phối hợp thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và các chỉ đạo liên quan của UBND các tỉnh, thành phố (nếu có).
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, TTXVN