ĐẶNG TRUNG THÀNH -
Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, cải lương được xem là một môn nghệ thuật cực kỳ hưng thịnh ở Nam bộ, luôn được mọi người yêu thích. Cải lương không phân biệt già trẻ, gái hay trai, cứ hễ có gánh hát nào đó về làng là y như làng mở hội. Những người già, mừng như trúng số độc đắc khi được nhìn tận mắt “các con” của mình diễn cải lương như nghệ sĩ Minh Vương, Minh Phụng, Lệ Thủy, Mỹ Châu…
Gọi “các con” vì khi ông bà lão trong làng thần tượng một nghệ sĩ nào đó thì xem các nghệ sĩ là con của mình, một đứa con được “công nhận đơn phương” theo cách gọi hài hước của dân Nam bộ. Trai gái yêu nhau cũng phấn khích vì nhân dịp này mời người yêu đi xem hát, mặt khác được chiêm ngưỡng thần tượng và còn có nhiều cơ hội để thổ lộ nỗi lòng của mình với người yêu. Trong khi đó trẻ con chúng tôi xem gánh hát biểu diễn như một trào lưu, ăn theo và vì có được những cái thích thú khác đi kèm.
Mỗi khi gánh hát về diễn ở sân đình, tôi hay rủ đám bạn cùng xóm kéo nhau đến đoàn hát để xem họ dựng rạp và tập tuồng. Khi có những cảnh đánh nhau hay những màn đu bay thích mắt thì tôi ù té chạy ngay về nhà nằng nặc đòi ba mẹ dẫn mình đi xem hát. Nhà nghèo, cái ăn cái mặt còn chật vật nên ba mẹ không màng đến những lời tôi nói. Thấy tôi cứ giậm chân thình thịch xuống đất khóc mãi, mẹ đâm ra bực dọc, vội đi chặt roi tre và bắt tôi nằm cúi xuống đánh đòn. Bà thương cháu nên nhanh tay bế tôi lên và hứa sẽ dẫn tôi đi xem hát. Bà thỏ thẻ bên tai tôi: “Tối nay có Lệ Thủy diễn, nên bà cũng thích xem lắm!”.
Chiều đến, hai bà cháu tắm rửa thật sớm, quần áo tươm tất để chuẩn bị đi xem hát. Thời đó không có ghế ngồi như bây giờ, nên bà chuẩn bị hai cái ghế gỗ mang theo để bà cháu cùng ngồi. Rồi bà đem theo quạt mo cau, cau trầu và những thứ linh tinh khác để dùng khi cần thiết. Đến cổng rạp, bà mở kim tây ở túi áo bà ba lấy ra một gói vải rất dày và bà cẩn trọng mở từng lớp một. Đó là tiền mà bà chắt chiu dành dụm trong một thời gian dài. Bà mua một vé cho bà (trẻ con được vào miễn phí) rồi hai bà cháu dắt nhau vào trong đình. Mặc dù đến rất sớm, trời mới tờ mờ tối và còn rất lâu thì tuồng hát mới bắt đầu nhưng cả một khoảng sân rộng đặc kín người, nói cười ồn ào. Bà dắt tôi len lỏi vào đám đông, chọn ngay hướng cánh gà để nhìn tận mắt “các con” của mình. Biết tính tôi hay tinh nghịch, chạy tới chạy lui, bà sợ lạc nên mua cho tôi vài cây kẹo mạch nha để tôi ngồi yên một chỗ. Tôi không nhớ đêm đó gánh hát biểu diễn tuồng gì, nhưng tôi còn hình dung mang máng là có nhiều cảnh đánh nhau ác liệt, khóc lóc cũng thảm thiết… Bà ngồi dưới ngước lên xem chăm chú, say mê như lạc vào mộng. Bất giác tôi thấy bà khóc ngon lành, bà thương cho cô đào – vai diễn có tình cảnh bi đát.
Đêm hát diễn ra thành công, ông bầu bán hết sạch vé, khán giả vỗ tay rần rần. Bà cháu ra về với vẻ tiếc nuối, suốt dọc đường bà cứ kể mãi về câu chuyện trong vở cải lương với những người hàng xóm đi cùng. Về đến nhà thì tôi và bà đói bụng không thể tả, vì buổi chiều nôn nao đi xem hát mà quên cả ăn uống. Giờ chỉ còn cơm nguội và một ít cá kho, hai bà cháu bưng hai tộ cơm vừa ăn vừa đập muỗi và nhìn nhau cười. Vừa lúc đó ba tôi đi thăm câu về được mấy con cá lóc to, vội đem cá nướng rơm cho tôi và bà ăn. Ba tôi còn trêu bà: “Gánh hát có phước lắm mới được bà nội con bỏ tiền ra mua vé, chứ thường ngày bà tiết kiệm lắm!”.
Nhớ những khi không có tiền nhưng đêm diễn đó có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, bà và tôi hoặc cả gia đình tôi đợi khi gánh hát thả giàn (hát gần hết tuồng và không soát vé nữa) thì ùa vào xem, cốt chỉ để nhìn mặt thần tượng. Cũng có khi ba đội tôi trên vai rồi leo lên một cây to gần rạp hát để chiều lòng tôi. Tuy xa không nhìn rõ, nhưng thấy cảnh đu dây, đấu kiếm, trống đánh thùng thùng… là tôi thích ngay. Thương nhất là những đêm không sao, mưa bất chợt, gánh hát bán không được vé nên hủy buổi biểu diễn, những đêm như vậy một số nghệ sĩ nghèo phải đi soi ếch về nấu cháo dùng.
Những năm sau đó, gánh hát mất dần sự ưa chuộng khi ti vi, công nghệ thông tin và các loại hình nghệ thuật khác mọc lên như nấm sau mưa. Thời hiện đại, người ta chỉ thích xem ca nhạc, hài kịch và những màn trình diễn thời trang hơn là coi cải lương với những tiết tấu chậm, kỹ thuật nghèo nàn, tình huống dài lê thê. Một số nghệ sĩ vì không sống nổi với nghề nên phải chuyển sang ca nhạc, hài kịch hoặc những nghề không dính dáng đến nghệ thuật. Tuy vậy, những thế hệ vàng của cải lương như Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ… vẫn còn yêu nghề, sống được với nghề vì họ được khán giả mến mộ một cách đặc biệt.
Ngày nay, cải lương chỉ diễn ở những thành phố lớn nhưng rất hiếm, thỉnh thoảng mới có một vở ra trò với quy mô lớn nhưng thường không thu hút người xem. Ở thôn quê gánh hát cũng xuất hiện nhưng ở một vai trò mới là tạp kỹ, đại nhạc hội hoặc lô tô… Nhìn những cô ca sĩ cầm micro nhưng miệng không hát (hát nhép), đứng nhún nhảy trong trang phục thiếu vải, tôi chỉ biết thở dài ngao ngán. Chợt nghĩ về những gánh hát thuở thiếu thời, thấy tiếc cho cải lương Nam bộ làm sao!