(SGTTO) - Từng làm việc cho nhiều hệ thống bia lớn trên thế giới với mức thu nhập cao nhưng nghệ nhân nấu bia Nguyễn Văn Cường vẫn quyết tâm xây dựng cho riêng mình một thương hiệu bia thủ công đậm chất “tinh túy Việt Nam”.
Với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nấu bia, nghệ nhân Nguyễn Văn Cường cho biết, với anh, bia tương đồng với cuộc sống. "Cuộc sống có nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn thì bia cũng vậy: nhiều màu sắc, nhiều hương vị, nhiều nồng độ và đem lại cảm xúc cho con người”, anh nói. Đó cũng là lý do mà người đàn ông đến từ Hà Nội này đã quyết định gắn bó với công việc nấu bia.
Từ bỏ nhiều thứ để khởi nghiệp từ con số 0
Sau chín năm du học, tốt nghiệp bằng Master Brewer (nghệ nhân nấu bia cao cấp) tại Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 2004, anh Nguyễn Văn Cường làm việc qua nhiều vị trí ở nhiều công ty lớn trên thế giới như Carlsberg, AB Inbev... Và anh nhận ra rằng, bản thân anh mong muốn được làm chủ một loại bia riêng biệt hơn và mang tính Việt Nam hơn.
Chính vì vậy, năm 2015, anh quyết định nghỉ việc và bắt tay xây dựng một thương hiệu bia C-Brewmaster. Anh miêu tả quá trình này như một hành trình không thể dừng lại: từ một xưởng bia rộng 20m vuông trở thành hai nhà máy bia ở hai miền đất nước; từ những mẻ bia vài chục lít được nâng cấp lên thành hệ thống nấu ra hàng ngàn lít bia; từ một mình nấu bia rồi đem bán lẻ nay phát triển thành một đội ngũ với đối tác ở nhiều tỉnh thành và nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Thái Lan, Hàn Quốc…
Bia mang hương vị Việt
Trong quá trình xây dựng thương hiệu bia của riêng mình, anh Nguyễn Văn Cường cho biết anh luôn tìm kiếm và đem chất Việt vào sản phẩm của mình trong nhiều khía cạnh.
C-Brewmaster sử dụng logo hình rùa thần ngậm gươm báu được lấy từ tích vua Lê Lợi trả gươm thần sau khi đánh bại giặc Minh như một cách thể hiện lòng tự tôn dân tộc của thương hiệu. Bên cạnh đó, anh cũng ưu tiên dùng tiếng Việt để đặt tên cho các sản phẩm của mình như Hai Bà Trưng, Hai Lúa, tên của nguyên liệu chính hoặc tên của phố phường Hà Nội…
“Nhà máy đầu tiên nằm tại chính quê nhà Mê Linh – cũng chính là quê hương của Hai Bà Trưng. Để kỷ niệm điều này, tôi đặt tên cho loại bia yêu thích của mình là Hai Bà Trưng. Từ đó, tôi nghĩ rằng tại sao mình không dùng tiếng Việt để đặt tên cho sản phẩm của mình khi chúng được làm từ chính những nguyên liệu Việt Nam nhất”, anh Cường chia sẻ.
Bên cạnh những nguyên liệu cơ bản để nấu bia như lúa mạch, mạch nha, hoa bia… anh còn chủ trương sử dụng thêm những nguyên liệu gần gũi với đời sống của người Việt Nam như nhãn, sơ ri, chanh dây, mật ong… để tăng độ dày cho vị bia và hơn hết là đem đến một trải nghiệm bia thủ công hương vị đậm chất Việt cho khách hàng.
Đặc biệt, C-Brewmaster có một loại bia mang hương vị phở Việt Nam. Theo anh Cường, phở là thứ vô cùng quen thuộc tại Việt Nam đồng thời là một trong những món ăn đem tên tuổi Việt Nam ra thế giới. Vì vậy, việc làm ra bia Phở vừa là điều thú vị vừa là thách thức với anh cùng cộng sự.
"Bia Phở đang là một trong những loại bia bán chạy nhất, bởi mọi khách hàng đều cảm thấy tò mò và muốn thử một lần để biết vị ra sao", anh cho biết.
Trong quá trình sản xuất, để đảm bảo nguồn nguyên liệu thuần Việt và sức khỏe cho người tiêu dùng, anh cùng đội ngũ cộng sự đã xây dựng nhà máy sinh thái với vườn trái cây và thảo dược được chăm bón bằng bã nấu bia để cung cấp nguyên liệu cho quá trình nấu.
Không ngừng "thử nghiệm" để khách hàng được "trải nghiệm"
Đi theo định hướng có phần khác biệt so với nhiều người cùng lĩnh vực, có những lúc anh Cường cũng cảm thấy nản lòng, thậm chí sau khoảng sáu tháng đầu tiên bắt tay làm, anh đã từng có ý định từ bỏ. Đến sau này, khi mọi thứ đã dần ổn định, anh cho biết vẫn gặp nhiều vấn đề “khó khăn đến mất ngủ” về mặt bằng cửa hàng, phân xưởng hay có trường hợp khách hàng biến mất sau khi lấy hàng…
Trong suốt 5 năm qua, anh Cường đã không còn nhớ chính xác mình đã thử nghiệm bao nhiêu loại bia, có những loại được yêu thích cũng có loại phải đổ đi vì không có khách uống như bia thị, bia lá lốt… Tuy nhiên, theo anh, nếu đã có một ý tưởng thì anh luôn thử sản xuất và không ngừng thử nghiệm cho tới khi đạt được hương vị mình mong muốn.
Bên cạnh bia, C-Brewmaster còn cung cấp dịch vụ tham quan nhà máy để khách hàng có thể tham quan khu vực vườn nguyên liệu rộng lớn, giao lưu với đội ngũ nhân sự ngay tại nhà máy và thưởng thức bia tại chỗ. Nói về loại hình này, anh Cường cho biết mô hình này không mới ở nước ngoài nhưng vẫn còn rất mới mẻ tại Việt Nam. Thông qua dịch vụ này, anh mong muốn đem đến cho mọi người một trải nghiệm sinh thái mới mẻ, đặc biệt là trong thời đại công nghệ như hiện nay.
Song song đó, anh còn chủ trương chia sẻ nhiều kiến thức về ủ bia cho cộng đồng thông qua những video clip trên mạng xã hội. “Tôi luôn nỗ lực để có thể đem tới cho cộng đồng những trải nghiệm “tinh túy tâm hồn Việt” nhất có thể vì tôi tin điều đó có thể gắn kết mọi người lại với nhau hơn”, anh tâm huyết.
Nghệ nhân nấu bia Nguyễn Văn Cường chính thức thành lập C-Brewmaster từ năm 2016. Hiện nay, C-Brewmaster có hơn 50 loại bia và 10 loại cider (nước ép trái cây lên men) khác nhau. Trong đó, một số sản phẩm được yêu thích nhất là cider sơ-ri, bia phở, bia mật ong, bia dâu tằm…
Thúy An