(SGTT) - Đã hơn 12:00 đêm, anh Chu Văn Huân, ngụ quận Gò Vấp mới xong công việc. Sau một ngày dài chuẩn bị phần ăn, trao tận tay cho các cô chú khuyết tật, giờ này anh mới thở phào nhẹ nhõm.
Đều đặn mỗi ngày, căn bếp của mẹ con anh Huân vẫn đỏ lửa. Hàng trăm phần ăn được chuẩn bị chu đáo từ tay người thân, bà con xung quanh, tiếp sức cho biết bao mảnh đời còn nhiều thiếu thốn.
- Thắc mắc mùa dịch: Vượt qua khủng hoảng tâm lý mùa dịch Covid-19
- Đội xe phun khử khuẩn ướt sũng trong mưa
“Lâu lắm rồi mới ăn mì gói”
Chàng vũ công (dancer) sinh năm 1989 cho biết, ban đầu để tìm kiếm được các hộ gia đình rất khó khăn. Từ thông tin có được và nhờ sự hỗ trợ từ mọi người, anh lặn lội từng ngõ ngách trong quận Gò Vấp để trao tặng phần ăn đến tay mọi người.
“Đồ ăn mẹ tôi chế biến sẵn, mỗi phần như vậy cỡ 20.000 đồng. Đối với các cô, chú ở xa thì tôi kèm thêm bánh mì, đồ khô, thực phẩm có khả năng bảo quản được lâu hơn một chút”, anh Huân cho biết.
Anh trải lòng về cơ duyên thôi thúc thực hiện công việc này, “Mẹ tôi là người khiếm thị, cũng may mắn, mẹ có tôi và người thân kề cận. Nhìn ngoài kia, biết bao mảnh đời còn nhiều khiếm khuyết, sống lẻ loi, Chỉ thị 16 thế này, các cô chú đã khó khăn lại càng khó khăn hơn”.
Ban đầu, người thân trong gia đình tự bỏ tiền túi để hỗ trợ. Về sau, thấy hoạt động được nhân rộng đến mọi người, bà con xung quanh góp mỗi người mỗi ít để tiếp sức cho những người khó khăn hơn.
Mỗi một ngày, 300 – 500 phần ăn được tất bật chuẩn bị. Người thổi lửa nấu cơm, người sơ chế rau củ, thịt cá, anh Huân cho biết thêm, cứ đều đặn mỗi ngày bếp vẫn đỏ lửa, trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, việc giao cơm, đồ ăn đến mọi người vẫn phải đảm bảo nguyên tắc 5K.
Anh Huân xúc động khi nhìn thấy hình ảnh mọi người được nhận phần ăn. “Có trường hợp, thấy mình giao thêm mì gói mà chú vui mừng nói, lâu lắm rồi mới ăn lại mì gói. Những nụ cười của cô, chú cũng chính là điều thôi thúc mình và mọi người duy trì bếp ăn mỗi ngày”, anh xúc động kể.
Bếp vẫn đỏ lửa khi còn có thể
Nguyên liệu đang vơi dần, nhưng bằng tình yêu thương, anh Huân vẫn ráng duy trì bếp ăn đến khi không tiếp tục được nữa.
Nhớ lại những ngày đầu tiên thực hiện công việc, anh nghẹn lòng chia sẻ: “Tình hình dịch bệnh khiến mọi người hạn chế tiếp xúc, vậy nên những ngày đầu tiên khi đi tìm địa chỉ và giao phần ăn, các cô chú thấy mình tới cũng lo lắm. Mặc dù họ thiếu thốn, bụng đói cồn cào, nhưng vì sự an toàn của mọi người, cô chú cũng lo lắng và luôn nhắc tôi phải đảm bảo nguyên tắc 5k”.
Anh Huân chia sẻ, lúc đầu không nghĩ sẽ làm lâu dài, nhưng mỗi khi gặp hoàn cảnh của cô chú khó khăn, thấy mọi người chật vật trong bữa ăn những ngày này, anh Huân quyết định sẽ tiếp tục công việc. Anh chia sẻ: “Cũng nhờ có anh, chị em hỗ trợ, chứ nếu bỏ tiền túi thì tôi không có đủ sức”.
Khi hỏi về niềm vui của anh khi thực hiện công việc, anh cười, nói: “Cứ mỗi lần về khuya là thấy vui. Vì mỗi lúc như vậy, tôi đã hoàn thành xong mọi việc, những phần ăn đã giao tận tay cho cô, chú. Vậy là vui lắm rồi”.
Anh cho biết, mỗi một ngày bản thân anh vẫn đang cố gắng để duy trì công việc. Tuy vất vả, nhưng anh thấy vui khi san sẻ phần nào khó khăn cho những mảnh đời còn nhiều khiếm khuyết. Động lực lớn nhất để anh duy trì công việc cũng chính là mẹ của anh.
Hiện tại, những phần ăn đều được mẹ và cô chú nấu và chuẩn bị. “Tuy mẹ tôi không nhìn thấy mọi thứ xung quanh, nhưng mẹ vẫn tìm tòi nấu nhiều món để tôi giao cho mọi người. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của những người khuyết tật, mẹ luôn động viên tôi thực hiện công việc này”, anh Huân chia sẻ.
Đến nay, anh Huân vẫn không nhớ rõ mình đã thực hiện công việc này được bao lâu. Trời mới tờ mờ sáng, anh và mọi người đã thức dậy để chuẩn bị thức ăn cho các cô, chú. “Mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là dịch bệnh sớm ổn định. Đến khi nào còn sức, còn tài chính thì bếp vẫn đỏ lửa để giúp đỡ bà con”. anh nói.
Uyển Cầm