CHÍ THỊNH -
Tới thời điểm này, lượng xăng sinh học (xăng E5) tiêu thụ tại TPHCM mới chỉ đạt khoảng 3% trong tổng mức xăng tiêu thụ trong mấy tháng đầu năm. Hơn nữa, số lượng cửa hàng bán xăng E5 tại thành phố cũng chưa phát triển đúng theo kế hoạch triển khai từ cuối năm ngoái.
Số lượng khiêm tốn
Theo báo cáo mới nhất của Sở Công Thương với UBND TPHCM, lượng xăng sinh học tiêu thụ tại TPHCM mới chỉ đạt 2,8% so với tổng mức tiêu thụ xăng dầu ở thành phố. Tới thời điểm này, số lượng cửa hàng bán xăng E5 cũng đang dừng lại ở con số 55, giảm ba cửa hàng so với thời điểm đầu tháng 12 năm ngoái khi thành phố phát động chương trình phân phối xăng sinh học E5.
Tại cuộc họp báo cáo về lộ trình phân phối xăng E5 diễn ra tại UBND TPHCM ngày 4-7 vừa qua, bà Lê Thị Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết do giá xăng E5 chưa đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng nên sức mua loại xăng này ở các cửa hàng vẫn còn thấp.
Hiện tại, giá xăng E5 thấp hơn xăng thông thường khoảng 330 đồng/lít. Đồng thời, các doanh nghiệp đầu mối và tổng đại lý xăng dầu cũng đang gặp một số khó khăn trong việc mở rộng số cửa hàng bán xăng E5.
Nếu xét chung ở phạm vi tám tỉnh thành đã triển khai phân phối xăng E5, mức tiêu thụ loại xăng này hiện đang dừng ở mức 3%. Tám địa phương phân phối xăng E5 theo lộ trình gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Cần Thơ và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, do giá xăng E5 RON 92 không thấp hơn nhiều so với xăng Mogas 92 nên loại xăng sinh học này chưa hấp dẫn người tiêu dùng. Đồng thời, họ lo ngại rằng loại xăng này nếu có mức tiêu thụ thấp, hàng tồn kho lâu sẽ phát sinh hao hụt, giảm lợi nhuận…
Một số doanh nghiệp đầu mối cho rằng, việc kinh doanh hai loại xăng (Mogas 92 và E5) ở TPHCM đã khiến cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn. Trong khi đó, hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam đã chuyển sang bán một loại xăng E5.
Nếu tính trên tổng số 514 cửa hàng xăng dầu thì TPHCM mới đạt được tỷ lệ 10% cửa hàng kinh doanh xăng E5. Tỷ lệ này ở các tỉnh thành khác như Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng mới đạt được khoảng 7-24%. Riêng ba địa phương là Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng mới có tỷ lệ cửa hàng bán xăng E5 ở mức cao.
Cân nhắc bán một loại xăng
Các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý xăng dầu ở TPHCM cho rằng hệ thống phân phối đang vướng mắc do phải bán đồng thời hai loại xăng. Nếu tiếp tục bán xăng Mogas 92 thì hầu hết người tiêu dùng chưa quen với xăng E5 sẽ chuyển qua trụ bơm Mogas 92 đổ xăng.
Ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Công ty Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), khẳng định các cửa hàng xăng dầu nếu cứ bán hai loại xăng Mogas 92 và E5 RON 92 sẽ gặp khó khăn trong kinh doanh như bố trí bồn chứa xăng, trụ bơm xăng E5, mức tiêu thụ thấp do người tiêu dùng chưa quen với loại xăng mới… Do vậy, thành phố phải dứt khoát yêu cầu các cửa hàng xăng dầu chỉ bán xăng E5 RON 92, không bán cùng lúc với xăng Mogas 92.
Đại diện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho rằng TPHCM cần đưa ra lộ trình rõ ràng nhằm thúc đẩy việc phân phối xăng E5, không nên kinh doanh cùng lúc hai loại xăng Mogas 92 và E5 như hiện nay. Tại các tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam, chính quyền địa phương ngay từ đầu đã quyết liệt yêu cầu các cửa hàng xăng dầu chuyển hẳn sang bán xăng E5. Nếu TPHCM không quyết liệt thì cho đến năm 2016, lộ trình phân phối xăng E5 cũng khó mà phát triển thuận lợi.
Thực tế cho thấy, do số lượng cửa hàng kinh doanh xăng E5 chưa nhiều nên người tiêu dùng cũng gặp khó khăn khi đổ xăng E5. Thậm chí, có cửa hàng tuy có bán xăng E5 nhưng tại trụ bơm xăng E5 lại không có người phục vụ hoặc khi khách hàng muốn đổ xăng E5 thì nhân viên phục vụ lại chỉ qua trụ bơm xăng Mogas 92!
Những người trong ngành cho rằng, để thúc đẩy phân phối xăng E5, Nhà nước cần quyết liệt hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tăng nhanh số cửa hàng bán xăng E5. Một trong những giải pháp vừa được nhắc tới là trước mắt các loại xe công của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tại TPHCM có sử dụng ngân sách nhà nước sẽ phải sử dụng xăng E5.
Ông Tất Thành Cang, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết sắp tới thành phố sẽ tính đến việc yêu cầu chủ sở hữu các loại xe công thuộc cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tại TPHCM đang sử dụng ngân sách nhà nước phải sử dụng xăng E5. Sở Công Thương sẽ phối hợp cùng Sở Tài chính để tính toán kế hoạch này. Có như vậy mới có thể kêu gọi, vận động người dân chuyển qua sử dụng xăng E5.
[box type="bio"] Tại cuộc họp sơ kết sáu tháng thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống vừa qua tại Hà Nội, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo về việc đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học.
Theo văn bản số 200/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ vừa đưa ra, các bộ, ngành, địa phương, và doanh nghiệp đầu mối về xăng dầu phải tích cực tham gia tuyên truyền, mở rộng mạng lưới kinh doanh xăng sinh học E5. Cụ thể, đến cuối tháng 11-2015, các doanh nghiệp đầu mối về xăng dầu sẽ phải đạt được tỷ lệ tối thiểu 50% số cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình có bán xăng sinh học E5 tại bảy tỉnh, thành phố nằm trong lộ trình phân phối nhiên liệu sinh học. Bộ Công Thương sẽ phải tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối xăng E5 của các doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn.[/box]