Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Gặp người có kinh nghiệm 30 năm đi rừng, leo núi, vượt thác

(SGTTO) - Có một người từ thời sinh viên có sở thích chỉ đặt chân đến những nơi có thiên nhiên hoang dã. Đó là anh Lê Ngọc Sơn, sinh năm 1974 tại Cao Bằng, đang sống ở Hà Nội. Hơn 30 năm qua, anh vẫn tiếp tục niềm đam mê của mình, trở lại những nơi đã đi và khám phá những vùng đất mới.

Anh Lê Ngọc Sơn ở dãy Hoàng Liên Sơn (Lào Cai). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ thời sinh viên, anh Lê Ngọc Sơn thường cùng bạn bè tổ chức những chuyến khám phá địa danh lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh vào ngày cuối tuần, dịp hè hay các ngày lễ. Bắt đầu là những địa danh tại Ninh Bình như Vườn quốc gia Cúc Phương, Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư, nhà thờ đá Kim Sơn - Phát Diệm...

Ngoài ra, mỗi khi cùng những người bạn về quê họ chơi, anh cũng tranh thủ khám phá phong cảnh ở các địa phương như Thái Nguyên, Lào Cai, Hà Tĩnh...

Bước chân của anh không dừng lại ở đó mà vẫn tiếp tục đi cho đến tận bây giờ, đã hơn 30 năm, anh không còn nhớ chính xác đã đi tổng cộng bao nhiêu nơi.

Bộ sưu tập những chuyến đi

Anh Lê Ngọc Sơn chỉ thích đến những nơi có phong cảnh đẹp, thiên nhiên hoang sơ, ít có bàn tay can thiệp của con người.

Dù hiện tại không thể nhớ hết những nơi anh đi qua và đã quay lại bao nhiêu lần nhưng các địa danh mà anh có thể kể lại vẫn khiến những người mê xê dịch thán phục. Anh Ngọc Sơn chia sẻ: "Tôi đã đi rất nhiều nơi rồi, không thể nhớ hết. Nhưng tổng kết lại tôi thích khám phá vườn quốc gia, các hang động, ngọn núi, thác nước và những địa danh có trầm tích văn hóa như chùa Keo (Thái Bình), chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình)".

Anh Lê Ngọc Sơn trong chuyến khám phá Bạch Mộc Lương Tử (Lào Cai). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những vườn quốc gia mà anh từng khám phá là: Cúc Phương (Ninh Bình), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Nội), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai), Phia Oắc - Phia Đén (Cao Bằng), Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Xuân Sơn (Phú Thọ), Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu), Ba Bể (Bắc Kạn), Xuân Thủy (Nam Định), Bến En (Thanh Hóa), Pù Mát (Nghệ An), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình)...

Đáng chú ý là chuyến đi khám phá hang động Ngườm Ngao (Cao Bằng) mà anh thực hiện từ hồi học phổ thông vào khoảng năm 1990, sau này vẫn tiếp tục trở lại cũng khoảng vài chục lần. Ngoài ra, anh còn trải nghiệm ở động Phong Nha - hang Tối - động Thiên Đường (Quảng Bình), hang Sửng Sốt (Quảng Ninh), Đầu Gỗ (Quảng Ninh), hang Phượng Hoàng (Thái Nguyên). Gần đây, anh vừa tham gia 2 tour khám phá mạo hiểm tại động Thiên Đường 7 km và Hang Va - hang Nước Nứt nằm trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tại Quảng Bình.

"Tôi sẽ quay lại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để khám phá thêm nhiều hang động nữa. Đặc biệt là sắp tới đây, tôi đã đăng ký chuyến thám hiểm hang Én và động Sơn Đoòng ở Quảng Bình", anh cho biết.

Anh Ngọc Sơn tại đảo Thổ Chu, Kiên Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài sở thích khám phá hang động, anh Ngọc Sơn còn đam mê leo núi. Anh đã từng chinh phục những đỉnh núi như Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Lùng Cúng, Tà Chì Nhù (Yên Bái), Ngũ Chỉ Sơn, Nhìu Cồ San, Bạch Mộc Lương Tử, Fansipan, Lảo Thẩn, Cú Nhù San (Lào Cai), Tả Liên Sơn (Lai Châu).

Anh kể: "Tôi rất yêu rừng nên đặc biệt thích những ngọn núi nằm giữa những cánh rừng nguyên sinh còn giữ được hệ động thực vật phong phú. Mục tiêu của tôi là sẽ chinh phục đủ 15 ngọn núi cao nhất Việt Nam".

Bộ sưu tập thiên nhiên hoang dã của anh Ngọc Sơn sẽ không đầy đủ nếu thiếu hành trình khám phá thác nước. Anh thường đến thăm thác Bản Giốc (Cao Bằng) mỗi khi có dịp về quê và đã từng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những ngọn thác như thác Khuổi Nhi bên lòng hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang), thác Hiêu ở rừng Pù Luông, thác Ma Hao ở Lang Chánh (Thanh Hóa)...

Tình yêu thiên nhiên qua những chuyến đi

Mỗi khi đến một địa điểm, anh Ngọc Sơn đều chia sẻ những cảm xúc về chuyến đi và hình ảnh trên facebook cho bạn bè biết đến. Anh không viết qua loa, đại khái mà mô tả rất kỹ hành trình của chuyến đi. Qua đó, vẻ đẹp của thiên nhiên và con người ở từng địa phương hiện lên chân thật, sống động. Có yêu quý thật nhiều những nơi anh đã đặt chân đến mới có thể trải lòng xúc động như vậy.

Anh viết trên facebook về chuyến đi núi Làng Cung (Lùng Cúng) ở Yên Bái: "Đã bao lâu rồi bạn không được hòa mình vào thiên nhiên giữa một khu rừng rậm nguyên sinh, nghe tiếng suối róc rách chảy, tiếng thác đổ gầm gào, ngắm nhìn những tia nắng nhảy múa trên những cành lá bụi cây trong rừng già, nằm nhìn mây trôi lúc hoàng hôn. Những thứ đó bạn sẽ được tận hưởng khi leo ngọn núi này trong một ngày đẹp trời".

Bạch Mộc Lương Tử (Lào Cai). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Qua những nơi đã đi, anh thấy phong cảnh và tài nguyên thiên nhiên ở nước ta rất phong phú để phát triển du lịch như có bãi biển đẹp, món ăn ngon và rẻ. Tuy nhiên, theo anh Ngọc Sơn, cách làm du lịch của một số nơi còn xô bồ, chụp giật, manh mún, sản phẩm du lịch chưa phong phú.

Một điều làm anh cảm thấy vui trong những chuyến đi gần đây là tình trạng xả rác của du khách ở địa điểm du lịch ngày càng được cải thiện. Khách du lịch đã dần có ý thức về bảo vệ môi trường thiên nhiên hơn.

Anh cho biết: "Giờ đã có khá nhiều hội nhóm tổ chức những cuộc leo núi kết hợp thu gom rác. Nhiều hội nhóm như nhóm LPA mà tôi có tham gia đã tổ chức leo núi, mang theo các thùng phân loại rác để tặng và cắm những biển báo bảo vệ môi trường khắp nơi. Điển hình là núi Lùng Cúng mà tôi đã ghé gần đây, mọi nơi rất sạch sẽ là do ý thức của nhứng người làm du lịch như hướng dẫn viên, người hỗ trợ và cả khách du lịch".

Rủi ro gặp phải

Khi đi rừng, bạn sẽ có thể gặp rất nhiều rủi ro như bị ong đốt, vắt cắn, rắn rết, cháy nắng, bị sốc độ cao dẫn đến đau đầu, nôn hoặc bị ngã, trật khớp chân...

Hành trang khi đi rừng, nhất là những người đi tự túc

Đầu tiên phải tìm hiểu thật kỹ những nơi mình sẽ đến để có sự chuẩn bị tốt nhất. Những món đồ thiết yếu mỗi người phải tự mang theo để khi không may lạc đường có thể sinh tồn được: quần áo nhiều lớp phù hợp, áo khoác chống nước, mũ; giày treckking phù hợp để chống trơn, chống nước; gậy leo núi; thức ăn như chocolate, các loại hạt, gel, lương khô; nước uống (mỗi người nên tự mang khoảng 2 lít nước và các viên oresol bù chất điện giải; dao đa năng, la bàn, bật lửa, đèn pin và còi (rất quan trọng khi bị lạc)...

Tuân theo quy định, nguyên tắc của cơ quan quản lý

Ban quản lý rừng quốc gia thường quy định không được xả rác, đốt lửa... Các quy tắc khi đi dã ngoại theo đoàn như không được đi một mình, bỏ đoàn, không được đi trước và đi sau những người dẫn đường, khi lạc phải thổi còi báo hiệu và quay trở lại vị trí cũ để đợi...

Đặc biệt, để là người du lịch có trách nhiệm, bạn cần tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán của cư dân bản địa để hành xử đúng mực, văn minh, tránh gây mâu thuẫn với đồng bào dân tộc. Đây là sai lầm mà nhiều du khách hay phạm phải.

Người đi du lịch luôn tâm niệm "Không mang gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân".

Quỳnh Châu

Nhiều người quan tâm