Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Gặp người ‘hồi sinh’ cho sách cũ suốt 40 năm ở Sài Gòn

Nhịp đập thị trườngĐời sốngGặp người ‘hồi sinh’ cho sách cũ suốt 40 năm ở Sài...
(SGTT) - Tiệm đóng sách của ông Võ Văn Rạng, 64 tuổi, dường như quá quen thuộc với những người đam mê sách cũ ở TPHCM. Khác với những nơi đóng sách theo kiểu công nghiệp, tiệm đóng sách của ông Rạng vẫn giữ kiểu làm thủ công ở tất cả các công đoạn.
Nằm cuối con hẻm 152, đường Lý Chính Thắng, quận 3, TPHCM có một căn nhà ngập tràn mùi sách cũ. Đây vừa là nơi ở, vừa là nơi làm việc của ông Võ Văn Rạng, 64 tuổi, người kiên trì với nghề phục chế sách cũ suốt bốn thập kỷ qua. Ảnh: Thúy Hường
Tiệm đóng sách của ông Rạng không lớn, chỉ vừa đủ một số vật dụng trong nhà, bàn làm việc và chiếc máy cắt giấy đã theo ông suốt 40 năm làm nghề. Trong ảnh là chiếc máy cắt giấy đã nhuốm màu thời gian. Ảnh: Thúy Hường
“Đồ nghề” của ông Rạng đơn giản, gồm kéo cắt chỉ, bút, hột quẹt… Theo lời chia sẻ, ngày xưa ông Rạng muốn theo nghề giáo, nhưng do di chứng của cơn sốt bại liệt lúc 2 tuổi khiến đôi chân ông không bình thường, đi lại khó khăn. Sức khỏe không cho phép, ông đành phải gác lại niềm đam mê dạy học của mình. Ảnh: Thúy Hường
Không theo được nghề giáo, nhưng lại bén duyên với nghề sửa chữa sách cũ, ngày ngày tiếp xúc với sách. Ông cho rằng, đó là vì mình có duyên với con chữ. Ảnh: Thúy Hường
Ông Rạng vẫn nhớ rõ vào trước những năm 1975, văn hóa đọc sách giấy phổ biến, từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng đọc sách. Có những thời điểm, các hiệu sách phổ biến và nhiều không đếm xuể ở đất Sài Gòn. Kế bên mỗi trường học đều có một nhà sách để học sinh và thầy cô ghé mua. Sửa sách vì thế cũng trở nên thịnh hành. Ảnh: Thúy Hường
Song, đến đầu thế kỷ 21, công nghệ thông tin phát triển, thay vì phải ra tiệm tìm mua sách về đọc, độc giả dần chuyển sang đọc sách qua mạng. Ngành in ấn, xuất bản cũng phát triển với chất lượng sách tốt hơn, đẹp hơn, giá cả phải chăng, vì thế những quyển sách cũ dần nhường chỗ cho sách mới. Ảnh: Thúy Hường
Để “hồi sinh” những cuốn sách đã “bị thương” là cả một quá trình, đòi hỏi sự tỉ mỉ, hiểu sách, hiểu nghề và phải có tình yêu với sách. Ông chia sẻ, khi tiếp nhận một quyển sách xưa, ông phải cẩn thận lật giở từng trang xem chất liệu giấy, khâu theo kiểu gì, mức độ hư hỏng… để quyết định phương án xử lý. Ảnh: Thúy Hường
Công đoạn đầu tiên, mà theo ông Rạng cũng là công đoạn khó nhất đó là tháo sách. Giấy sách lâu năm rất dễ bị rách, nếu người thợ không cẩn thận sẽ làm giấy bị nát, sách bung ra, từng trang gãy nát. Ảnh: Thúy Hường
Tiếp đến là sắp xếp lại các trang giấy đã được khâu theo thứ tự, rồi dùng chỉ may lại từng trang một. Ông Rạng cho biết, có 4-5 kỹ thuật may, mỗi cuốn sách khác nhau sẽ được ông xem xét rồi lựa chọn kỹ thuật may phù hợp. Và sau cùng là dùng hồ dán những trang vào bìa. Vậy là “hồi sinh” một quyển sách cũ. Ảnh: Thúy Hường
Hơn 40 năm qua, ông Rạng vẫn chỉ dùng phương pháp thủ công để sửa sách, từ khâu, cắt và ép bìa. Ngay cả phần keo để dán sách cũng do ông tự làm theo công thức riêng để đảm bảo những quyển sách được sửa hoàn thiện nhất. Ảnh: Thúy Hường
Mỗi ngày, ông Rạng sẽ nhận từ 2-3 cuốn sách, mức thu nhập khoảng 100.000 đồng. Tùy độ dày mà thời gian hoàn thiện sẽ khác nhau, có khách đến yêu cầu sửa sách lấy liền, ông từ chối khéo. Phần là vì các công đoạn được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên thời gian sẽ lâu, phần vì khách nào đến trước ông sẽ làm trước, đến sau thì làm sau. Ảnh: Thúy Hường
Đôi tay đã in hằn dấu vết của thời gian vẫn tỉ mẩn sửa lại những trang sách cũ để đạt được độ hoàn thiện cao nhất. Đó cũng chính là một trong những bí quyết giúp ông Rạng giữ được “thương hiệu” của mình. Ảnh: Thúy Hường
Thúy Hường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây