(SGTT) - Ở tuổi 65, chị Dương Minh Phượng, hiện là hướng dẫn viên du lịch tiếng Nhật, chọn gắn bó với chiếc xe đạp touring cũ xuyên Việt sau dịp Tết Nguyên Đán 2023 vừa qua. Hành trình dù qua ngày nắng gắt hay mưa gió, người phụ nữ ở tuổi "bà" vẫn kiên trì đến ngày đặt chân đến điểm cực Nam tổ quốc.
- U70 lọt top loạt giải chạy marathon, từng đồng hành cùng Sea Games 31
- TPHCM: Hàng trăm người cùng đạp xe cổ vũ phát triển xanh
34 ngày chinh phục 2.700 cây số
Ngay sau Tết Nguyên Đán, chị Phượng chọn xuất hành trong đêm ra Hà Nội và di chuyển đến Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để bắt đầu hành trình lăn bánh của mình. Trong chuyến đi, đoàn có bốn người cũng là đồng đạp với độ tuổi khác nhau, nhưng xuyên suốt chặng đường, chị cùng tham gia với một người bạn đồng hành duy nhất kém chị 20 tuổi. Chọn cung đường đi từ Đền Hùng, Phú Thọ xuôi về Đất Mũi, Cà Mau, từ Bắc vào Nam, chị Phượng tiết lộ đây là mong muốn hiện thực hóa dự định được đặt chân tại cội nguồn rồi xuôi theo hướng gió về đến điểm cuối cùng của tổ quốc.
Khoảng 450km từ Nghệ An đến Quảng Trị chị Phượng chọn men theo đường Trường Sơn để ngắm nhìn khung cảnh hiện lên đầy kì vĩ từ núi rừng, biển cả. Với tổng hành trình kéo dài 34 ngày đạp xe trên đường, trung bình một ngày hoàn thành 100km, chị cùng người bạn đã chạm đích thành công với tổng quãng đường 2.700km. Đây là một cột mốc tuổi 65 của chị khi niềm đam mê xê dịch, du lịch bằng xe đạp ngày một lớn dần, chị tâm sự.
Dù là một hướng dẫn viên lâu năm trong nghề, chị Dương Minh Phượng tỏ ra hứng thú trước nhiều cảnh đẹp hiện ra trước mắt. Đi du lịch bằng xe đạp là một trải nghiệm đặc biệt khác đi theo đoàn, đi bằng ô tô, xe máy. “Chúng tôi được len vào từng ngóc ngách các điểm đến bằng tất cả sức lực từ đôi chân. Tôi cũng đi với mục đích được thăm thú, bổ sung vào kiến thức du lịch thay vì lập thành tích. Nếu có dịp, tôi mong mình được đi hết trong nước bằng xe đạp trước đã”, chị nói thêm.
Trước chuyến đi, chị cho biết mình chuẩn bị mọi thứ tối giản nhất có thể từ hành lý chỉ vài bộ quần áo, dụng cụ sửa xe phòng trường hợp hư hỏng tự xử lý. Với sức khỏe dẻo dai may mắn tốt hơn những người bạn cùng lứa tuổi, chị Phượng tự tin thể lực đủ đi đường dài mỗi ngày mà không lo lắng quá nhiều. Theo chị, lịch trình tập luyện của mình vẫn duy trì như bình thường. Con cái, gia đình ủng hộ đã cho chị thêm động lực bắt đầu chương mới cùng người bạn hai bánh.
Vượt nắng gió, mưa lạnh buốt tay
Dùng một chiếc xe đạp touring dạng “xoàng” đã cũ, chị vượt qua nhiều loại địa hình từ đèo dốc đến quốc lộ cùng thời tiết thay đổi thất thường, mưa gió ở phía Bắc kèm nắng bụi dần về hướng miền Trung mỗi ngày. Chị kể đoàn đi dọc xuyên Việt gồm ba nữ, một nam, tuy chỉ có hai người xuyên suốt từ đầu đến cuối chặng nhưng đoàn đều bắt đầu đạp từ 5 giờ sáng dù thời tiết không được thuận lợi.
Đoàn cứ đi, mệt ở đâu nghỉ ở đó, ăn uống đơn giản từ những hàng quán ven đường, tối đặt lưng tại quán trọ, nhà nghỉ, tranh thủ giặt sấy để có quần áo đi tiếp vào ngày hôm sau. “Có những hôm không có chỗ giặt sấy, đồ không kịp khô vì mưa tầm tã, chúng tôi vẫn vui vẻ đem theo vào ngày hôm sau. Nhờ sự hiếu khách thơm thảo của người dân địa phương, những đồng đạp, người yêu du lịch trên đường cũng cho những cuộc gặp gỡ thân tình và nhiều cảm xúc. Chúng tôi cố gắng gói ghém chi tiêu một ngày khoảng 500.000 đồng/người, hết hành trình tốn khoảng 17 triệu đồng/người”, chị Phượng chia sẻ.
Những ngày đầu đạp xe ở các tỉnh phía Bắc mưa lạnh liên tục, chị Phượng cùng mọi người vẫn tiếp tục đi khiến cơ thể bị cảm lạnh. Chị nhấn mạnh thêm, có lẽ ý chí chinh phục vẫn là liều thuốc mạnh mẽ nhất khiến mọi người không dừng lại hay cần sự hỗ trợ nào từ bên ngoài. Cứ đi thì cung đường đèo dốc, núi rừng hùng vĩ hiện ra sống động ngay trước mắt cho chị những ấn tượng không quên.
Một trong những trải nghiệm đó là đạp xe đổ đèo không thấy đường vì màn sương dày đặc chắn tầm nhìn, đạp ngược gió ở đoạn đường đê sông Hồng, đạp xe ban đêm trong rừng chỉ le lói ánh đèn chiếu ra từ đèn pin cá nhân dưới màn mưa tầm tã. Mọi người tìm cách khắc phục bằng việc đạp nhanh trong tâm thế bình tĩnh, không biết trước điều gì. “Vẫn phải kể đến khoảnh khắc chúng tôi dốc sức đạp dưới cơn mưa tầm tã trắng xóa kèm không khí lạnh, tay cứng ngắc trong đoạn đường lên xuống đèo dài 20km. Cuối cùng, mọi người hoàn thành với cảm xúc vỡ òa, hạnh phúc”, chị nhớ lại kể.
Cùng đồng hành với nhóm từ đoạn Phú Thọ về Hội An, anh Phạm Thế Anh tỏ ra ngưỡng mộ tinh thần của nữ hướng dẫn viên tuổi 65, đồng đạp Dương Minh Phượng. Anh nói mình hiếm thấy U70 nào có ý chí và tinh thần bền bỉ như chị, chị luôn kiên trì hoàn thành chặng đường mình đã đặt ra. Với chị, sức khỏe tinh thần và thể chất là minh chứng cho hình ảnh tự cường của người phụ nữ Việt Nam hiện đại. “Điều quan trọng hơn hết vẫn là những người đồng đội đồng lòng, có cùng ý chí mới có thể hoàn thành từng cung đường không hề hấn gì”, anh Thế Anh bộc bạch.
Theo chị Phượng, để giữ an toàn trên đường dài, chị đạp duy trì tốc độ 20km/h, giữ sức bằng cách đạp khoảng 80% năng lượng đang có. Trở về nhà sau 34 ngày, chị thấy làn da mình đen hơn, giảm được 3kg và quan trọng là sức khỏe dẻo dai không còn sợ đèo dốc cao như trước nữa. Chị tự nhủ hành trình xuyên Việt thường ít nữ lớn tuổi dám làm nên khi đã hoàn thành giấc mơ của mình, chị cũng muốn được chia sẻ đến nhiều người và đặt quyết tâm cao độ hơn để tiếp tục đạp qua nước bạn Campuchia.
An Phú