(SGTT) - Không chỉ thu hút du khách bởi Bến Ninh Kiều thơ mộng, chợ nổi Cái Răng nhộn nhịp, những công trình kiến trúc trăm năm tuổi như nhà cổ Bình Thủy, chùa Nam Nhã hay chùa Ông đã góp phần làm nên ‘tên tuổi’ cho du lịch ‘xứ Tây Đô’.
- Kiến trúc độc đáo của những ngôi chùa Khmer ở Tịnh Biên, An Giang
- ‘Điểm danh’ những công trình kiến trúc độc đáo qua đề cử ‘Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022’
Được xem là ngôi nhà cổ đẹp bậc nhất miền Tây, nhà cổ Bình Thủy, hay còn gọi là Nhà thờ họ Dương có dấu ấn kiến trúc đặc sắc, là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với “xứ Tây Đô”.
Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1870, đến đây, du khách dễ nhận thấy sự giao thoa của hai nền văn hóa Đông – Tây trong kiến trúc.
Theo đó, ngôi nhà bên ngoài có hình thức phương Tây nhưng cấu trúc và nội thất lại đậm màu sắc phương Đông. Bước qua lớp cổng rào, bên trong có một cổng phụ dạng như cổng chào với lối kiến trúc cổ Á Đông, khung gỗ mái ngói.
Đây từng là bối cảnh của nhiều bộ phim như: Chân trời nơi ấy, Cây tre trăm đốt, Con nhà nghèo, Người đẹp Tây Đô, Những nẻo đường phù sa… và đặc biệt là bộ phim nổi tiếng “Người tình” của đạo diễn người Pháp Jean Jacques Annaud.
Nhà cổ Bình Thủy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia vào năm 2009.
Địa chỉ: 142-144 đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Giá vé tham quan: 20.000 đồng/lượt/người.
Cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 7km, chùa Nhã Nam được xây vào năm 1895. Nơi đây nổi tiếng không chỉ về vẻ đẹp kiến trúc, mà còn bởi lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với phong trào cách mạng của nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chùa được xây cất trên một khoảnh đất lớn, cổng chùa xây bằng gạch cổ, lợp ngói ta, vững chãi bề thế. Sân chùa được bao quanh bởi một khu vườn rộng, trải dài ra tận bờ sông Bình Thủy.
Giữa sân chùa là hòn non bộ cao trên 2m, khuôn viên chùa trồng nhiều cây tùng, cây trắc và các cây cổ thụ khác. Đan xen dưới những gốc cây này là những cây kiểng quý giá, tuổi ngót trăm năm được cắt uốn công phu.
Địa chỉ: đường Bùi Hữu Nghĩa phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ (ngay gần dưới chân cầu Bình Thủy, rẽ phải là đến)
Một công trình kiến trúc trên trăm tuổi khác ở TP Cần Thơ là miếu thờ Quan Đế, hay còn gọi là chùa Ông.
Theo các tư liệu hiện có, chùa Ông bắt đầu xây dựng vào năm 1894, đến năm 1896 hoàn thành.
Ngôi chùa có bố cục kiến trúc hình chữ Quốc, mái lợp ngói âm dương. Các gờ bó mái bằng gốm tráng men xanh lẫn với sắc rêu phủ, tạo nên một vẻ cổ kính.
Chùa Ông tiêu biểu cho lối kiến trúc đền miếu của người Hoa, với đôi lân chầu hai bên cửa chính gợi ý nghĩa thái bình, thịnh vượng.
Nổi bật nhất trong nghệ thuật điêu khắc ở chùa Ông có lẽ là phù điêu, chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong trang trí. Phù điêu hiện diện khắp nơi từ các liễn đối, xà ngang... bằng nghệ thuật chạm nổi tinh xảo.
Chùa Ông được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1993.
Địa chỉ: số 32 đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Trải qua quá trình tồn tại hơn 100 năm, chợ cổ Cần Thơ nép bên dòng sông Hậu thơ mộng đã trở thành biểu tượng của ‘xứ Tây Đô’, được nhiều du khách tìm đến check-in.
Đó không chỉ thể hiện giá trị lịch sử, văn hóa của cư dân vùng sông nước mà còn là linh hồn của đô thị. Chợ mang nét đẹp kiến trúc Pháp đặc sắc, minh chứng cho quá trình phát triển của vùng đất này.
Chợ cổ Cần Thơ được xây dựng khoảng năm 1915, cùng thời với chợ Bến Thành và chợ Bình Tây, được xem là một trong những ngôi chợ đẹp bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, chợ đã được trùng tu khá khang trang và khôi phục gần như nguyên trạng với trần cong hình xương cá, mái ngói lợp kiểu âm dương, không gian mở rộng, thoáng đãng.
Địa chỉ: đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Nguyễn Phong