Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Ghi chép của shipper: Sài Gòn chống dịch hơn chống giặc

(SGTT) - Không nghi ngờ gì nữa, Covid-19 và các biến thể là kẻ thù tinh quái, nguy hiểm nhất của nhân loại hiện nay. Không chỉ hủy hoại kinh tế, nhân lực toàn cầu, đảo lộn trật tự thế giới mà nó còn xé toạc nếp nghĩ từng người.

Không thể đoán trước được điều gì và phải chuẩn bị nhiều phương án đối đầu trong mọi tình huống. Dịch bùng phát, nhiều người nghĩ, chỉ năm, bảy tháng là quét sạch. Dịch tái bùng đợt 4, không ít người suy đoán chu kỳ “3 lặng 2 bùng” (3 tháng co cụm, 2 tháng bùng phát rồi thoái trào). Tới giờ, khi mỗi ngày số ca nhiễm của thành phố vẫn cao, số người nguy hiểm tính mạng vẫn có thì quả thật kẻ thù nguy hiểm hơn ta tưởng.

Mong người dân lượng thứ

Tại hội nghị trực tuyến BCH Đảng bộ TPHCM lần thứ 7, ngày 25-7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá: "Thành phố đang trải qua những ngày khó khăn, chưa từng có tiền lệ". Ông bày tỏ sự tri ân với đội ngũ y bác sĩ, đội ngũ tuyến đầu cũng như các tổ chức, cá nhân thiện nguyện và người dân đã chung sức chống dịch.

"Tình hình phức tạp càng kéo dài càng làm căng kép cả hệ thống chính trị và hệ thống y tế, làm tất cả chúng ta bị xuống sức, không thể tránh khỏi những bị động, lúng túng, hạn chế cả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và ý thức chấp hành các quy định giãn cách của người dân. Đã có lúc có nơi thực hiện không nghiêm làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống dịch", ông Nên chia sẻ thêm.

Ngoài ra, ông còn chỉ đạo các địa phương cần tổ chức nhu yếu phẩm thiết yếu đến các hộ dân khó khăn. Những chia sẻ của ông càng củng cố thêm tinh thần "quyết chiến, quyết thắng" của người dân thành phố.

Chống dịch hơn chống giặc

Khi tôi viết những dòng này, đồng hồ chỉ 1:45 ngày 27-7; Ngày Thương binh Liệt sĩ. Tôi giật mình vì sự khác lạ của thành phố. Sài Gòn chưa bao giờ ngủ. Lúc nào cũng ì ầm xe chạy. Nhìn xuống ban công chung cư, ngã tư Nguyễn Thị Thập – Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 mà lặng lẽ đến nao lòng. Sau chỉ đạo mới từ 18:00 ngày 26-7, đường phố vắng bóng xe. Cứ tưởng thành phố ngủ nhưng không phải, Sài Gòn vẫn thức và chỉ là nằm im trong kế hoạch chống Covid-19 mới.

Vòng quanh Sài Gòn, đâu cũng thấy không khí “chiến đấu”. Xe cộ giảm hẳn, người đi lại hạn chế. Nhiều dịch vụ, hoạt động tạm dừng và mọi người tối giản nhu cầu cuộc sống. Khổ nhất là những người ở nhà trọ, làm ăn công nhật. Góc đường nào cũng có chốt và người trực chiến hay chỗ nào cũng giăng dây. Những chuyện bình thường bỗng trở thành ước mơ, cùng hẹn nhau “mai này hết dịch, tha hồ…”.

Có người tếu táo sửa lời thơ của Kahlil Gibran, Mỹ (1883 – 1931; Nguyễn Nhật Ánh dịch) “Cám ơn đời mỗi sơm mai thức đậy/ Ngõ nhà mình chưa thấy bị giăng dây”.

Tôi chưa có dịp vào bệnh viện dã chiến nhưng có ship hàng đến mấy cơ quan cấp phường; từ ủy ban, y tế đến công an, phường đội; chỗ nào cũng làm việc thâu đêm. Khẩn trương, hối hả, có mệt mỏi nhưng không thấy hoang mang. Gặp gỡ người dân cũng vậy. Người Sài Gòn bình tĩnh và kiên cường.

Trừ số ít trục lợi, đa phần đều ý thức được sự an nguy của tính mạng cá nhân và đất nước. Covid-19 và các biến thể nguy hiểm gấp mấy lần kẻ thù xâm lược vì không rõ tung tích, không thể thấy bằng mắt thường, ẩn hiện mọi nơi mọi lúc. Cuộc chiến không có tiếng nổ, tiếng ồn (trừ tiếng còi xe cấp cứu); không thấy đổ máu nhưng rất ác liệt. Chiến đấu với kẻ thù vô hình khó khăn gấp bội. Do vậy phải chống dịch hơn chống giặc, bất cứ là giặc gì.

Trăm dâu đổ đầu... phường

Người dân được kêu gọi “ai ở nhà nấy”, tránh ra đường và hạn chế tiếp xúc với người khác. Quanh quẩn trong nhà, lắm người than vãn, ao ước; thậm chí tìm cách “xé rào” ra ngoài. Ngược lại, rất nhiều người, vì nhiệm vụ, phải ra ngoài; chỉ cầu mong bớt dịch để được về nhà.

Ngành y được xem là lực lượng “đặc biệt tinh nhuệ” của cuộc chiến Covid. Gian nan, vất vả, khỏi phải kể hay lao động 24/24 mỗi ngày, mặc bộ đồ bảo hộ nóng như áo mưa. Không ít người ngất xỉu vì kiệt sức.

Còn lực lượng công an, cảnh sát giao thông, dân phòng… phải ra đứng chốt giữa trưa nắng bỏng tai, trong cơn mưa tầm tã, gió quật liên hồi rát cả mặt. Những ai đang than vãn vì phải ru rú trong nhà êm ấm, xin mời ra, tham gia đứng chốt rõ sẽ hay.

Bề ngoài có vẻ đỡ hơn nhưng các lãnh đạo, nhân viên cấp phường cũng vất vả không kém. Mới giãn cách, cường độ làm việc nhiều hơn nhưng vẫn về nhà, mang theo cơm đi làm. Khi thực hiện tăng cường chỉ thị 16, tình hình càng căng thẳng. Hầu hết mọi người chọn phương án 3 tại chỗ “làm việc – ăn – ngủ tại cơ quan”. Một phần vì không có thời gian nhưng chủ yếu là sợ lây bệnh cho người nhà.

Anh Hồ Xuân Bắc, Chủ tịch phường 1, quận 5, tâm sự: “Ngày nào chúng tôi cũng chỉ ngủ 5 – 6 tiếng độ lại. Nào kiểm tra, báo cáo tình hình dịch bệnh. Nào rà soát, xét duyệt danh sách tiêm chủng. Nào giải quyết những việc phát sinh, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn. Nào lo vận động, tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ và ăn uống thì có gì dùng nấy. Cơm từ thiện, tự nấu hay nhà gởi vào…”.

Anh Ngũ Nam, Chủ tịch phường 6, quận 11, cho biết: “Thỉnh thoảng cũng tranh thủ ghé nhà tắm rửa nhưng phải chờ mọi người đã đi ngủ. Không tiếp xúc với người thân để tránh lây nhiễm vì có khi mình mang mầm bệnh mà không biết. Chỉ cầu mong bớt dịch để cuộc sống trở lại bình thường. Không ai muốn gần nhà nhưng phải cách ly như hiện nay”.

Covid thử đủ thứ

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Covid-19 và các biến thể thử đủ thứ. Covid 19 bắt nhân loại nhìn lại mình, ngộ ra nhiều thứ để thích nghi trong điều kiện mới. Có lẽ, ai cũng thấy mình vô tâm, hời hợt với bản thân và những người thân, dù gần hay xa.

Lẽ thường, chỉ khi bị bệnh, mới biết quý sức khỏe. Đối diện cái chết mới càng thiết tha yêu cuộc sống. Nhờ Covid mọi người biết quý trọng đồng tiền, tiêu xài tiết kiệm và quan tâm đến nhau hơn.

Không có Covid-19, con người sẽ ngạo mạn biết chừng nào. Trí tuệ con người chẳng là gì so với tạo hóa. Đến loài kiến bé tẹo cũng có xã hội văn minh đến kinh ngạc. Thiên nhiên ngày càng bị bạc đãi tàn nhẫn. Cuộc sống ngày mỗi quay cuồng, giành giật, mệt mỏi. Nhờ Covid 19, cuộc sống tự nhiên chậm lại. Ai cũng được nghỉ ngơi, dưỡng sức, dưỡng tâm. Đây là dịp để chiêm nghiệm, chuộc lỗi với bản thân, gia đình và xã hội.

Vài đề nghị thực tế

Trong bài viết ngày 22-7 trên Sài Gòn Tiếp Thị về Để việc phòng chống dịch hiệu quả hơn dưới góc nhìn của một người giao hàng, tôi đã đề nghị mấy việc và nay bổ sung thêm.

  • Thành phố đang tuyển hàng chục ngàn tình nguyện viên chống dịch. Đây là cơ hội tốt với hướng dẫn viên, nhân viên ngành du lịch và những ai đang thất nghiệp. Vừa giúp ích cho cộng đồng, vừa có thêm thu nhập.
  • Có một số người lấy cớ mua thuốc để ra ngoài, rất khó kiểm tra. Nên khuyến khích các nhà thuốc tây tại chỗ bán online. Mỗi ngày gom hàng và giao vài đợt. Việc làm này vừa tiết kiệm sức, thời gian, xăng xe; vừa hạn chế tiếp xúc lây bệnh.
  • Ưu tiên lưu thông thực phẩm thiết yếu gồm gạo, rau, cá, thịt, nước chấm. Hàng nội phải là lựa chọn hàng đầu. Không tích trữ nhưng cũng không mua ăn từng bữa để hạn chế thời gian ship hàng. Đang dịch, tối giản các nhu cầu cuộc sống.
  • Một số hàng thiết yếu như tủ lạnh, quạt, bóng đèn…; nếu hư, vẫn được mua hàng online và vận chuyển. Việc kiểm tra thực tế cũng đơn giản. Các chành gạo chủ yếu ở quận 6 nên việc quy định shipper chỉ hành nghề trong quận chưa hợp lý. Việc nhận diện shipper thiệt hay giả cũng không khó.
  • Công nhận liệt sĩ đối với các thành viên tham gia chống dịch tử vong khi đang làm nhiệm vụ. Tổ chức dịch vụ tiêm chủng theo yêu cầu, vừa đáp ứng nguyện vọng người dân, thay vì phải ra nước ngoài; vừa có thêm nguồn thu cho Nhà nước.
  • Quan tâm hơn các đối tượng có đóng góp lớn cho xã hội, vừa rồi, hỏi thăm một kiến trúc sư từng là thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và một doanh nhân đang âm thầm thực hiện các dự án “Trồng một triệu cây xanh”, “Cứu chợ nổi Cái Bè”… về việc tiêm chủng. Cả hai đang chờ, chưa biết bao giờ tới lượt. Nổi tiếng cả nước nhưng nhiều khi phường không hay biết. Các hội nghề cũng chẳng giúp được gì. Qua đây mới thấy, việc sinh họat, gắn bó với địa phương là cần thiết.
  • Áp dụng kỷ luật thời chiến với các tội đầu cơ, trục lợi, bán hàng giả…; đặc biệt là sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Ở nhà, không biết làm gì thì đọc sách, học ngoại ngữ, ôn lại kỹ năng nghề, tập nấu ăn… riêng hoặc theo nhóm. Thiếu gì việc để làm, nếu muốn.

Chưa bao giờ mọi người phải đồng lòng hợp lực như bây giờ. Thời chiến có khẩu hiệu hành động “Tất cả cho tiền tuyến”; còn hôm nay là “Tất cả để chống dịch”. Ngành Y và Nhà nước đang nỗ lực tối đa. Trong cuộc chiến mất còn đầy cam go; mỗi người dân là một chiến sĩ; chiến đầu bằng ý thức và hành động của mình.

Tất cả vì sự an nguy của bản thân, gia đình và đất nước. Tất cả để chiến thắng.

Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối