Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

“Gia cố” xương sao cho chắc khỏe

(SGTTO) - Khi già đi, xương của chúng ta trở nên mỏng hơn và giảm độ dày, đó là hiện thực khó tránh khỏi của cuộc sống. Theo thời gian, chúng ta cũng dễ bị chấn thương hơn. May mắn là chúng ta có thể thực hiện các bước để ngăn chặn xương trở nên “mỏng” hơn, gọi là yếu xương và ngăn ngừa loãng xương.

Trên Cleveland Clinic, các chuyên gia đã khuyên mọi người đừng nên quá lo lắng bởi vì chúng ta có những cách để "gia cố" cho khung xương của mình sao cho rắn chắc. Chỉ có điều là nếu bạn có ý thức làm cho xương chắc khỏe từ khi còn trẻ thì kết quả có được rất đáng kể.

  1. Ăn nhiều rau

Rau là nguồn cung cấp vitamin C tốt nhất, kích thích sản xuất tế bào tạo xương. Một số nghiên cứu cho thấy rau màu xanh và vàng còn giúp ích cho quá trình khoáng hóa xương.

  1. Tập luyện sức mạnh

Tập thể dục rèn luyện sức mạnh đặc biệt quan trọng đối với những người bị những chứng như viêm khớp gối hoặc khớp háng. Đây là những tình trạng có thể khiến họ khó thực hiện những bài tập chịu sức nặng.

Theo một số chuyên gia, việc nâng tạ nhẹ hơn trong thời gian lâu hơn có thể đang khiến xương chúng ta không được hưởng lợi từ những bài tập rèn luyện sức mạnh. Điều quan trọng là cần tìm kiếm lời khuyên của một chuyên gia thể dục trước khi bắt đầu một chương trình rèn luyện sức mạnh nghiêm ngặt.

  1. Bổ sung vitamin D

Để giúp hấp thu canxi, hầu hết người trưởng thành cần 1.000-2.000 IU vitamin D mỗi ngày. Vì thế, việc bổ sung vitamin D là cần thiết nếu việc phơi nắng hoặc ăn uống không giúp bảo đảm con số trên.

  1. Những bài tập chịu sức nặng

Các bài tập thể dục chịu sức nặng giúp ích nhiều trong việc hình thành xương. Dù vậy, những người bị chẩn đoán yếu xương hoặc loãng xương không nên tập với cường độ cao. Một số ví dụ về bài tập chịu sức nặng, như chạy hoặc chạy bộ, thể dục nhịp điệu cường độ cao, leo cầu thang, khiêu vũ, các môn thể thao như quần vợt hoặc bóng rổ. Trước khi bắt tay luyện tập, cần tham vấn với bác sĩ về kế hoạch của mình.

  1. Không hút thuốc, uống rượu bia quá mức

Tin xấu cho thói quen xấu: Sự tổn thất của mật độ khoáng xương có liên quan đến hút thuốc lá và uống rượu quá nhiều. Nếu hút thuốc, hãy tìm kiếm một chương trình giúp bạn cai thuốc lá. Nếu uống rượu, hãy cố gắng uống không quá một ly nhỏ mỗi ngày.

  1. Kiểm tra mật độ khoáng xương

Cuộc kiểm tra đơn giản có tên là DXA dùng để đo mật độ khoáng xương và giúp xác định nguy cơ loãng xương và gãy xương. Phụ nữ được khuyên tiến hành cuộc kiểm này trong vòng hai năm sau khi mãn kinh. Ngoài ra, nam giới và phụ nữ mắc một số bệnh nhất định và những người dùng thuốc làm tăng nguy cơ, như liệu pháp steroid dài hạn, nên kiểm tra sớm mật độ khoáng xương.

  1. Cân nhắc việc dùng thuốc

Phụ nữ sắp hoặc sau mãn kinh có thể xem xét liệu pháp hormone để cải thiện hàm lượng estrogen đang sụt giảm – tình trạng có liên quan đến hiện tượng mất xương. Phụ nữ và nam giới bị chẩn đoán mắc chứng yếu xương hoặc loãng xương có thể dùng nhiều loại thuốc khác nhau để ngăn ngừa xương hông và cột sống bị gãy. Hãy trao đổi với bác sĩ về sự chọn lựa thuốc của mình và nên nhớ rằng thuốc chỉ có tác dụng nếu được hỗ trợ bởi canxi và vitamin D.

Minh Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối