Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Giá giảm, ngành mía đường than khó

Trung Chánh-

Giá rớt, năng suất giảm cộng với chi phí nhân công tăng đã khiến lợi nhuận thu được từ cây mía của nông dân “teo tóp” dần. Trước áp lực cạnh tranh từ thị trường các nước trong khu vực, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) muốn Chính phủ xem xét duy trì hạn ngạch nhập khẩu đến năm 2022.

Lợi nhuận “teo dần”

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Văn Nên, một thương lái chuyên thu mua mía tại xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết so với năm ngoái, giá mía được nhà máy đường Phụng Hiệp mua vào ở thời điểm hiện tại đang giảm khá mạnh.

Cụ thể, vào thời điểm này năm ngoái, mía đạt 10 chữ đường (10 CCS) có giá 1.120 đồng/kg, nhưng hiện nay gái chỉ còn 930 đồng/kg, tức đã giảm 190 đồng/10 CCS. Năm ngoái, một ghe mía có khối lượng 50 tấn bán được 56 triệu đồng, nhưng năm nay chỉ bán được 46,5 triệu đồng, tức đã giảm 9,5 triệu đồng

Ông Nên cho biết, với loại mía đạt từ 11 CCS trở lên, mỗi CCS sẽ được cộng thêm 100 đồng. Còn trường hợp thấp hơn 10 CCS, mỗi CCS sẽ bị trừ 70 đồng. “Từ cơ sở như vậy, chúng ta sẽ tính toán được giá bán của mỗi ghe mía”, ông Nên cho biết.

Giá thu mua mía nguyên liệu từ nhà máy sản xuất đường sụt giảm đã khiến giá mía nguyên liệu được thương lái thu mua từ nông dân cũng giảm theo.

Ông Trần Văn Hòa, ngụ ở ấp Bình Xuyên, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, giá mía ROC 16 (loại mía có CCS cao nhất hiện nay tại địa phương) hiện được thương mái mua vào chỉ 1.070 đồng/kg, giảm 230 đồng/kg so với vụ năm ngoái. Còn đối với các giống khác có chữ đường thấp hơn, giá chỉ dao động trong khoảng 800-900 đồng/kg so với mức giá của cùng kỳ năm ngoái là 1.000-1.100 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân khiến giá mía sụt giảm, ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (CASUCO), cho biết ngoài nguyên nhân đường lậu, đường giá rẻ hoành hành, lượng đường tồn kho gối đầu của vụ trước còn nhiều trong khi vụ sản xuất mới đã bắt đầu khiến nguồn hàng tăng thêm. Giá đường bị ảnh hưởng khiến giá mía nguyên liệu sụt giảm theo.

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA, cho biết bên cạnh lý do đường lậu giá rẻ cạnh tranh với đường trong nước, các doanh nghiệp sử dụng đường đang mong việc xóa bỏ hạn ngạch theo cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) kể từ đầu năm 2018 cũng khiến việc tiêu thụ đường chậm lại, dẫn đến giá sụt giảm.

Trong khi giá mía sụt giảm, theo ông Hòa, giá nhân công thu hoạch tăng lên 180.000 đồng/tấn so với mức 150.000 đồng/tấn của vụ năm ngoái. Thêm vào đó, năng suất mía ở vụ thu hoạch này giảm 10-20% so với năm ngoái đã khiến lợi nhuận của nông dân trồng mía teo tóp, chỉ đạt 2-3 triệu đồng/công (1.000 m2) so với 5-6 triệu đồng của năm ngoái.

Điều này có nghĩa, thu nhập hàng tháng trên mỗi công mía của nông dân chỉ đạt 166.000-250.000 đồng vì thời gian từ khi trồng đến thu hoạch phải mất khoảng 12 tháng.

miaduongNông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đang thu hoạch mía.  Ảnh: Trung Chánh

Muốn duy trì hạn ngạch

Trong khi đó, để đối phó với áp lực cạnh tranh của ngành đường từ các nước khu vực ASEAN, mà đặc biệt là đường Thái Lan, VSSA đã kiến nghị với Chính phủ xem xét duy trì hạn ngạch nhập khẩu đến năm 2022.

Tổng thư ký VSSA Nguyễn Hải cho biết, theo ATIGA đã ký từ lâu, lộ trình đến đầu năm 2018 sẽ xóa hạn ngạch nhập khẩu đường. “Hạn ngạch trước đây mình áp dụng theo cam kết của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) (hạn ngạch nhập khẩu năm 2017 là 89.500 tấn). Còn bây giờ theo như cam kết trong ATIGA sẽ không áp dụng hạn ngạch nữa”, ông Hải cho biết. Đây là lý do VSSA đề xuất Chính phủ kéo dài thời gian duy trì hạn ngạch đến năm 2022.

Đề xuất trên của VSSA có nghĩa ngành mía đường muốn Chính phủ tiếp tục khống chế việc nhập khẩu để bảo vệ ngành hàng này ở trong nước. Theo một số doanh nghiệp, sức cạnh tranh của ngành đường trong nước còn yếu trước sức ép đường giá rẻ từ Thái Lan.

Ông Hùng của CASUCO cho biết, bản thân doanh nghiệp và cả người nông dân trồng mía hiện vẫn còn ngỡ ngàng, chưa ý thức vấn đề hội nhập “nên nông dân sẽ rất khó khăn khi xóa hạn ngạch”.

Tuy nhiên, cũng có người băn khoăn rằng nếu Việt Nam kéo dài thời gian duy trì hạn ngạch thì có trái với cám kết đã ký trong đàm phán ATIGA hay không?

Theo ông Hải, điều này không trái với cam kết vì trong tất cả các hiệp định thương mại tự do đều có những điều khoản đàm phán lại được, và trong ATIGA còn có những điều khoản mạnh hơn. “Nếu gặp khó khăn, khủng hoảng khi thực hiện hiệp định thì mình được đề đạt lên hội đồng để điều chỉnh lại những điều khoản cần thiết. Trong ATIGA có những điều khoản đó, huống gì điều này mình chưa áp dụng”, ông Hải cho biết.

Bên cạnh việc kiến nghị Chính phủ về hạn ngạch, VSSA cũng có khuyến cáo các đơn vị thành viên phải tích cực trong vấn đề hội nhập, có những biện pháp riêng của từng đơn vị, từng vùng miền làm sao hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh.

“Vấn đề chủ yếu nhất vẫn là tích cực hỗ trợ nông dân vì sức cạnh tranh yếu là do phía nông nghiệp, nguyên liệu mía, chứ không phải do nhà máy”, ông Hải nhận định. Ông dẫn chứng giá mía Việt Nam tính ra khoảng 50 đô la Mỹ/tấn, trong khi giá mía của Thái Lan chỉ 30 đô la Mỹ/tấn nên sức cạnh tranh yếu hơn.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối