(SGTT) - Gia Lai được thiên ưu đãi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên như sông, suối, thác ghềnh, hồ, núi lửa, rừng nguyên sinh. Gia Lai có nhiều lợi thế và tiềm năng du lịch đặc thù riêng mà có nhiều địa phương khác không có. Vấn đề của tỉnh cao nguyên này là cần phát huy lợi thế ấy như thế nào?
- [Tọa đàm trực tuyến] Doanh nghiệp tìm giải pháp để thu hút khách đến Gia Lai sau dịch
- Tạo lợi thế để hút khách về Gia Lai sau dịch
- Hàng thông trăm tuổi thu hút lữ khách ở Gia Lai
Gia Lai có nét văn hóa bản địa đặc sắc, có lễ hội cồng chiêng, có di chỉ khảo cổ học; con người Gia Lai hồn hậu, hiếu khách và ẩm thực phong phú, độc đáo. Đặc biệt, Gia Lai nắm giữ vị trí quan trọng trong tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và là một trong những tỉnh trung tâm của 13 địa phương thuộc khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Từ lâu, Gia Lai là một điểm đến ưa thích của khách quốc tế và vài năm gần đây với nỗ lực quảng bá của các cấp chính quyền tỉnh và các sở ban ngành cùng các doanh nghiệp du lịch của địa phương, Gia Lai đã bắt đầu thu hút được du khách Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 gây nhiều thiệt hại cho ngành du lịch toàn cầu, nhưng trong rủi ro, Gia Lai và khu vực Tây Nguyên lại có cơ hội trở thành điểm đến xanh và an toàn thu hút du khách sau dịch.
Trở về với thiên nhiên và tìm lại các giá trị văn hóa bền vững và thậm chí nhu cầu tham quan và nghỉ dưỡng ở khu vực không quá đông đúc, không quá nổi tiếng vốn dành cho lượng khách du lịch đại trà sẽ là xu hướng “hot” sau dịch bệnh với thông điệp 5K có lẽ vẫn phải duy trì một thời gian dài.
Ngành du lịch Gia Lai cần xác định được thế mạnh để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với xu thế phát triển của thị trường du lịch, không thể làm theo cách truyền thống là ngồi đợi đơn đặt hàng của các doanh nghiệp du lịch địa phương khác được nữa, mà cần chủ động khai thác và làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của tỉnh.
Các khu rừng nguyên sinh Kon Ka Kinh và Kon Ja Răng và đồi thông Đăk Pơ … là nguồn tài nguyên quý giá giúp cân bằng hệ sinh thái sẽ thu hút du khách yêu thích loại hình du lịch sinh thái, nghiên cứu, hệ động thực vật của miền nhiệt đới.
Gia Lai hoàn toàn có thể xây dựng các tour du lịch núi lửa … mang tên “Gia Lai, xứ sở của các núi lửa cổ xưa” với hơn 30 miệng núi lửa tồn tại ở dạng cổ âm và cổ dương được phát hiện trong quá trình khảo sát.
Du khách khi khám phá tàn tích núi lửa - kho báu di sản địa chất có thể tìm hiểu lịch sử kiến tạo địa chất của lớp vỏ trái đất in dấu qua những miệng núi lửa cổ xưa nhất trên vùng Tây Nguyên.
Hai hình thái núi lửa âm và dương đặc trưng nhất là núi lửa Chư Đang Ya và Biển Hồ. Các nhà thiết kế tour có thể tận dụng hình ảnh Biển Hồ luôn được du khách trẻ Việt Nam chọn là Top 5 các hồ tự nhiên thơ mộng nhất Việt Nam và việc núi lửa Chư Đang Ya được tạp chí về du lịch của Anh (Dailymail) xếp vào danh sách những ngọn núi lửa có cảnh quan kỳ vĩ, ấn tượng nhất trên thế giới còn được con người canh tác hoa màu sau hàng triệu năm nguội tắt.
Địa hình đồi núi, nhiều thác ghềnh đã mang lại cho Gia Lai rất nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú đặc biệt là những thác nước hùng vĩ như: thác Phú Cường, thác Lồ Ồ, thác Chín Tầng, thác Yama-Yang Rung… cùng những hồ nước xanh thẳm: hồ Ayun Hạ, hồ Ialy và Biển Hồ… thích hợp cho du lịch xanh khám phá.
Các mùa hoa dã quỳ, hoa chuối rừng, hoa xuyến chi, mùa cỏ hồng hay những rừng thông, vườn cà phê, trái cây bạt ngàn là các nguyên liệu tuyệt vời để thiết kế các sản phẩm du lịch “check-in các mùa hoa”, photo tour thu hút giới trẻ nhất là các bạn trẻ Việt Nam.
Ngoài các hành trình tour truyền thống như: tham quan thủy điện Ialy - một công trình mang tầm quốc gia và là công trình thể hiện sức mạnh của con người Tây Nguyên đã chiến thắng thiên nhiên; khám phá lễ hội và không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; tìm hiểu kho tàng sử thi đồ sộ người Bahnar… Gia Lai hoàn toàn có thể tự tin với ẩm thực phong phú của mình.
Anh Trần Minh Hội, chủ quán Nhà Tôi nổi tiếng của Pleiku, đã chia sẻ: “Sau dịch bệnh, các món ăn xanh, sạch, an toàn sẽ là nhu cầu tất yếu và sẽ trở thành chi tiết quan trọng của chương trình của du khách”, anh nói.
Tây Nguyên và Gia Lai mênh mông các món ngon mời bạn đến thưởng thức từ món gỏi Lá với các lá rừng và lá trồng thảo dược tốt cho sức khỏe; các loại đặc sản chấm với các loại muối nổi tiếng mang hương vị núi rừng như muối kiến, muối cỏ ; lá mì cà đắng của ngừời đồng bào đến các món đã quá quen thuộc như phở khô Gia Lai, bún cua thối, cơm lam gà sa lửa, rượu cần…
Ngay từ bây giờ, nếu Gia Lai kịp thời đánh thức các tiềm năng, thế mạnh về du lịch với những sản phẩm du lịch đặc trưng của miền đất Tây nguyên kỳ vĩ, lan tỏa “tiếng gọi của đại ngàn” mời gọi du khách thì chắc chắn Gia Lai sẽ có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch ở khu vực Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.
Phan Yến Ly