(SGTT) – Giá vé máy bay ở châu Âu và châu Á đang bắt đầu ổn định hoặc giảm, một dấu hiệu cho thấy cơn bùng nổ du lịch thời hậu Covid-19 đang suy yếu. Đó là tin vui đối với hành khách nhưng sẽ đặt ra thách thức cho các hãng hàng không đang vật lộn với chi phí cao hơn và số lượng máy bay hạn chế.
Tình trạng mất cân bằng toàn cầu giữa nguồn cung chuyến bay và nhu cầu dồn nén khi du lịch hàng không mở cửa sau khi đại dịch Covid-19 đã đẩy tăng giá vé máy bay và doanh thu trung bình trên mỗi hành khách (thước đo giá vé trung bình mà mỗi hành khách phải trả cho mỗi dặm bay).
Tuy nhiên, lãnh đạo của các hãng bay, nhà đầu tư và nhà phân tích trong ngành cho biết xu hướng “du lịch bằng mọi giá” đang cân bằng. Một số khách hàng trở nên nhạy cảm hơn với giá cả khi họ chật vật ứng phó chi phí sinh hoạt tăng cao do lạm phát.
Trong tháng này, Michael O’Leary, CEO của hãng hàng không giá rẻ Ryanair (Ireland), cảnh báo giá vé máy bay trong thời gian tới sẽ tăng ít hơn dự kiến của hãng.
“Có một chút bất ngờ là giá vé không hề tăng lên và chúng tôi không chắc liệu đó chỉ là tâm lý của người tiêu dùng hay là do lo ngại suy thoái kinh tế trên khắp châu Âu”, ông nói.
Theo Công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys, trong những tháng đầu năm nay, giá vé máy bay trên toàn châu Âu không tăng so với năm 2023. Dữ liệu của ForwardKeys cho thấy nhu cầu suy giảm rõ ràng hơn ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi giá vé máy bay giảm mạnh nhất, giảm khoảng 16% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuần trước, hãng hàng không quốc gia Singapore (Singapore Airlines) công bố lợi nhuận hàng năm kỷ lục. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận ròng của hãng giảm trong 3 quí gần nhất. Hãng dự báo lượng hành khách sẽ giảm hơn nữa khi các hãng hàng không trong khu vực mở rộng công suất.
So với các khu vực khác, châu Á chậm dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 và tăng cường các chuyến bay đến các điểm đến ở nước ngoài.
“Chúng tôi tin rằng cung và cầu sẽ tự cân bằng. Giá vé máy bay sẽ tiếp tục bình thường hóa trong suốt năm 2024”, Ronald Lam, CEO của hãng hàng không Cathay Pacific (Hồng Kông) nói hồi tháng 3.
Nhu cầu du lịch của khách Trung Quốc đến các thị trường như châu Âu, châu Mỹ, Úc vẫn chưa hồi phục. Nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ và công suất các chuyến bay quốc tế đến và đi từ nước này vẫn ở mức khoảng 70% so với trước đại dịch. Riêng công suất của các đường bay Mỹ-Trung chỉ ở mức 16,5% so với trước đại dịch.
Hãng lữ hành Flight Centre Travel Group cho biết, trong 3 tháng đầu năm, giá vé máy bay quốc tế bán ở Úc giảm 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, giá vé máy bay hiện nay ở châu Á-Thái Bình Dương vẫn cao hơn 7% so với năm 2019.
Các nhà kinh tế nhận thấy tình hình kinh doanh của ngành hàng không chưa quá bi quan. Họ cho biết, du lịch vẫn là ưu tiên chi tiêu của hầu hết người tiêu dùng, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, họ cho rằng giá vé máy bay ở châu Âu rẻ hơn cho thấy thu nhập và tỷ lệ tiết kiệm ở khu vực này suy giảm, khiến người tiêu dùng tìm kiếm những lựa chọn rẻ hơn, đặc biệt là khi chi phí khách sạn và thuê ô tô trở nên đắt đỏ.
“Dù vẫn quan tâm đến du lịch, nhưng người tiêu dùng châu Âu đang rất nhạy cảm về giá cả”, Natalia Lechmanova, nhà kinh tế trưởng châu Âu ở Viện Kinh tế Mastercard, nói. Bà cho biết, các điểm đến có chi phí rẻ hơn như Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và các nước thuộc vùng Balkan đang ngày càng trở thành sự lựa chọn phổ biến đối với nhiều du khách châu Âu.
Ủy ban Du lịch châu Âu dự báo du khách sẽ chi tiêu 742,8 tỉ euro (803 tỉ đô la Mỹ) ở lục địa này trong năm nay, tăng 14,3% so với năm ngoái. Nhưng các chuyên gia trong ngành cho biết phần lớn mức tăng trưởng đó đến từ những du khách Mỹ giàu có hơn.
Chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ đang tăng lên, với nhu cầu du lịch cao cấp đặc biệt mạnh mẽ. Theo Viện Kinh tế Mastercard, khoảng 16 triệu người Mỹ đi du lịch nước ngoài trong quí đầu tiên của năm 2024, lập kỷ lục mới và vượt qua con số trước đại dịch.
Các nhà kinh tế cho rằng thị trường lao động mạnh mẽ ở Mỹ đang giúp người tiêu dùng duy trì mức chi tiêu cao hơn dù tiết kiệm hộ gia đình giảm. Dữ liệu thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của ngân hàng Bank of America cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, chi tiêu du lịch trung bình của mỗi hộ gia đình Mỹ chỉ giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái và vẫn cao hơn 13% so với cùng kỳ năm 2019. Lãnh đạo của các hãng hàng không toàn cầu ghi nhận người tiêu dùng vẫn muốn chi tiêu cho du lịch, ưu tiên trải nghiệm hơn mua sắm hàng hóa.
“Ngành hàng không có tính chu kỳ cao và cũng rất nhạy cảm với kinh tế vĩ mô”, Jamie Lindsay, nhà đầu tư hàng không của Artemis Funds, nhận xét.
Tuy nhiên, ông không cho rằng sự sụt giảm nhu cầu du lịch ở châu Âu và châu Á sẽ dẫn đến cơn suy thoái toàn ngành hàng không. “Giá vé máy bay chỉ đang bình thường hóa hơn, chứ không giảm đồng loạt ở các thị trường trên toàn cầu”, ông nói.
Theo Reuters