Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Gia vị tươi Trung Quốc “ngập” chợ

NGUYỄN QUYÊN - 

Gia vị tươi như hành, tỏi, gừng... là mặt hàng luôn được người tiêu dùng sử dụng cho các món ăn hàng ngày. Tuy nhiên, tại TPHCM ngày càng khó để tìm mua các gia vị được trồng trong nước, thay vào đó là hàng nhập từ Trung Quốc.

Quen dần  với hàng ngoại

10

Tại chợ đầu mối, các mặt hàng như hành tím, hành tây, gừng, tỏi chủ yếu là hàng Trung Quốc.

Hàng trong nước ít, lại có theo mùa, trong khi hàng nhập khẩu của Trung Quốc luôn cung ứng đủ, mức giá lại thấp hơn nhiều nên người tiêu dùng đang quen dần với việc dùng hàng ngoại. Dạo một vòng quanh các chợ lẻ như chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), có thể thấy tỏi và hành tây được trưng bày khá đẹp mắt và củ rất to. Theo các tiểu thương, tất cả đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.

“Dù là tỏi Trung Quốc nhưng hàng tôi bán khá chạy vì giá rẻ hơn nhiều so với tỏi Việt Nam”, một tiểu thương tại chợ Bà Chiểu nói. Chị này cho biết thêm, tỏi Trung Quốc giá 40.000 đồng/kg trong khi tỏi Việt Nam giá 60.000-120.000 đồng/kg tùy loại, tùy thương hiệu.

Một tiểu thương chuyên rau, củ, quả tại chợ đầu mối Thủ Đức (quận Thủ Đức) cũng cho biết trên thị trường hiện nay, tỏi trong nước không nhiều. Tỏi Trung Quốc củ to, nhìn bóng bẩy và dễ bóc hơn tỏi Việt. Tỏi nhập từ quốc gia này đang bán sỉ tại chợ với giá 26.000 đồng/kg trong khi tỏi trong nước khoảng 45.000 đồng/kg. “Tỏi Trung Quốc được nhiều người ưa chuộng đặc biệt là các nhà hàng, quán ăn. Có nhiều thời điểm hàng về ít, tỏi “cháy chợ” giá có thể tăng lên 40.000 đồng/kg”, vị tiểu thương này cho hay.

Không chỉ tỏi, trên thị trường hiện nay cũng bán nhiều hành tây Trung Quốc. Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn), bao tải hành tây chất đầy các khu vực chợ. Ghé vào một vựa bán rau, củ, quả tại chợ này, một tiểu thương cho biết thời điểm này chỉ có hành tây Trung Quốc và hành tây Hà Nội, còn hành tây Đà Lạt đã hết mùa. Hành miền Bắc chiếm tỷ lệ nhỏ, còn đa phần vẫn là hành tây Trung Quốc với giá bán sỉ 8.000-9.000 đồng/kg. Mỗi đêm vựa về một container hành tây và nhanh chóng được đi tiêu thụ tại các chợ lẻ và được đem về các tỉnh.

“Hành tây Đà Lạt đã hết mùa nên hành tây tại chợ này chủ yếu là hàng Trung Quốc. Mặt hàng này hầu như ngày nào cũng được nhập về”, ông Phan Anh Tuấn, chuyên viên phòng kinh doanh tại chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết.

Gừng Trung Quốc cũng chiếm ưu thế tại các chợ. Tới chợ Căn cứ K26 (quận Gò Vấp) tìm mua gừng trong nước, nhưng nhiều tiểu thương cho biết gừng trong nước rất hiếm nên hàng bán chủ yếu là gừng Trung Quốc. Chủ vựa Ngân Hà chuyên bán sỉ và lẻ rau, củ, quả tại chợ đầu mối Thủ Đức cho biết vựa bán hai loại gừng. Gừng Trung Quốc có giá sỉ 14.000 đồng/kg còn gừng Việt Nam giá 15.000 đồng/kg. Hiện nay, gừng Trung Quốc tiêu thụ khá mạnh. “Khách tới lấy hàng tôi đều giới thiệu rõ nguồn gốc nhưng hầu hết người ta chuộng gừng Trung Quốc vì dễ sử dụng. Không chỉ  tiểu thương ở các chợ lẻ, các quán ăn mà hiện nay nhiều đơn vị sản xuất bánh kẹo trên thị trường cũng chuyên nhập loại gừng này về để làm kẹo, mứt”, chị này cho hay.

Bên cạnh đó, chị chủ vựa nói trên cho biết thêm hiện tại lượng hành tím Trung Quốc khá nhiều và đang tiêu thụ mạnh. “Cách đây 10 phút tôi vừa bán một bao hành tím Trung Quốc (10 kg) cho một quán ăn với giá 13.000 đồng/kg. Trong khi đó hành tím Việt đắt gấp đôi hành Trung Quốc nên ít người mua. Vì thế, vựa chỉ nhập với số lượng nhỏ”, chị này nhấn mạnh.

Chỗ đứng ngày càng hẹp

Trao đổi qua điện thoại với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lý Trường Quang, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã hành tím Vĩnh Châu, Sóc Trăng cho biết tỏi Vĩnh Châu đang phải vất vả cạnh tranh với tỏi Trung Quốc do chi phí sản xuất cao hơn nên giá bán cao. Vì vậy, mặc dù chất lượng tốt hơn, thơm và ngon hơn hẳn tỏi Trung Quốc nhưng tỏi Vĩnh Châu ngày càng khó tiêu thụ. Hiện tỏi Trung Quốc chỉ có 35.000-40.000 đồng/kg trong khi đó tỏi Vĩnh Châu đến tay người tiêu dùng là 100.000 đồng/kg, còn mua tại vựa là 60.000 đồng/kg.

“Vừa rồi, tôi có tham gia chợ phiên hàng Việt và nông sản sạch do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức với mục đích tìm đầu ra cho tỏi. Để thuyết phục người tiêu dùng cũng như tiểu thương, chỉ có cách tiếp xúc với họ thật nhiều để cho họ thấy quy trình trồng sản phẩm sạch và yên tâm về chất lượng”, ông Quang nói. Cũng theo ông Quang, tỏi trồng cho năng suất cao nhưng tiêu thụ chậm nên người dân cũng không dám đầu tư nhiều vào mặt hàng này.

Ông Quang thừa nhận trên thị trường hiện nay chủ yếu là hành Trung Quốc vì bây giờ hành tím Vĩnh Châu mới bắt đầu xuống giống, khoảng tháng 1 mới bắt đầu thu hoạch. Mấy năm trước diện tích trồng hành tím của huyện khoảng 6.000 ha cho thu hoạch trên 200 tấn hành nhưng năm nay đã giảm 20%.

Lý do ông Quang đưa ra là trồng hành tím vất vả, nhưng mức lời không cao, lại không có đầu ra. Hầu như năm nào vào vụ thu hoạch, cung luôn lớn hơn cầu cho nên có cảnh phải đổ bỏ hành. “Vì thế, năm nay chúng tôi đã khuyến khích bà con trồng nông sản khác, giảm diện tích hành tím nhưng người dân nhất quyết không chịu bỏ hành”, ông Quang nói.

Bà Trần Thị Hồng Hiệp, chủ cơ sở tỏi Trí Hiệp, tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỏi Phan Rang mỗi năm chỉ có một vụ. Trong khi đó, Tỏi Trung Quốc hầu như lúc nào cũng có. Theo bà Hiệp, Tỏi Phan Rang để lâu sẽ khô nhưng vẫn thơm và có thể sử dụng. Còn tỏi Trung Quốc một thời gian không sử dụng dễ tan thành bột. Hành Phan Rang khi phi lên sẽ giòn và nở ra, còn hành tím Trung Quốc khi phi sẽ teo lại và không giòn. Vì vậy, hầu hết người làm đều trộn hành xắt với bột gạo để tạo nên độ giòn cho hành.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối