Quốc Hùng -
Những người trong cuộc cho biết, đến thời điểm này chưa có chiếc ô tô nào được nhập khẩu về kể từ ngày 1-1-2018, thời điểm thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN vào Việt Nam về mức 0%. Điều này đồng nghĩa với giá ô tô bán trên thị trường chưa được giảm theo lộ trình thuế, khiến sự chờ đợi của nhiều người tiêu dùng thêm mòn mỏi.
Không có xe để bán
Anh Minh Tấn là một trong những người có tâm lý đợi đến đầu năm 2018 khi giá xe ô tô giảm theo thuế nhập khẩu mới mua xe. Cách đây ít hôm, anh Tấn đến các đại lý của hãng Toyota Việt Nam ở TPHCM tìm hiểu về giá xe Fortuner.
Nhìn chiếc Fortuner được nhập khẩu nguyên chiếc từ thị trường Indonesia, anh Tấn thấy giá bán không thay đổi so năm ngoái. Thậm chí, một số đại lý còn cho biết họ không có xe để bán vì quy định mới về điều kiện nhập xe mà ngay cả Toyota Việt Nam cũng không đáp ứng được.
“Biết thế này mình đã mua từ năm ngoái khi nhiều hãng đưa ra các chương trình giảm giá cũng như ưu đãi về dịch vụ sau bán hàng”, anh Tấn tiếc rẻ. Với tình hình hiện nay, khả năng anh mua được chiếc xe Fortuner để đưa gia đình đi chơi tết khó thành hiện thực.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng Ban kế hoạch chiến lược của Toyota Việt Nam, cho biết quy định phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài trong Nghị định 116 là rào cản lớn, dẫn đến hãng không thể nhập xe nguyên chiếc như lâu nay.
Không riêng gì Toyota, từ đầu năm đến nay hầu hết các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng chưa thể nhập được ô tô nguyên chiếc. “Không nhập xe về được, không có xe bán, làm gì có chuyện xe giảm giá”, ông Tuấn nói. Xe nhập khẩu bán trên thị trường hiện nay, theo ông Tuấn, chủ yếu là nhập trước thời điểm năm 2018 vẫn chịu thuế nhập khẩu 30%, nên các hãng không thể giảm giá được.
Trên thực tế, một số hãng xe trước đây đã lỡ ước tính giá bán khi nghĩ rằng thuế nhập khẩu về 0% thì nay đã khác. Như trường hợp của Honda Việt Nam. Vào thời điểm tháng 11-2017 khi ra mắt mẫu xe CR-V 2018, nhà sản xuất này đã công bố mức giá của xe chỉ ở khoảng 1,1 tỉ đồng. Nhưng mới đây, khi xe đã chính thức ra đại lý, giá bán được điều chỉnh lên tới 1,256 tỉ đồng, cao hơn giá dự kiến đến 150 triệu đồng.
Lý giải về mức giá này, đại diện Honda Việt Nam cho biết, mức giá dự kiến 1,1 tỉ đồng của CR-V 2018 được tính theo mức thuế nhập khẩu 0%. Nhưng cho đến nay, Honda CR-V mới chỉ có lô hàng 750 xe thông quan cuối tháng 12 chịu thuế nhập khẩu 30%. Vì vậy, giá bán không như công bố trong kế hoạch hồi tháng 11-2017.
Khảo sát thị trường cho thấy, hầu hết các mẫu xe nhập khẩu từ ASEAN ở thời điểm hiện tại đều có giá bán không giảm như kỳ vọng của người tiêu dùng. Nguyên nhân được các doanh nghiệp kinh doanh ô tô lý giải, do những lô xe đang bán trên thị trường đã làm thủ tục nhập khẩu, thông quan trước ngày 1-1-2018 nên vẫn phải chịu mức thuế nhập khẩu cũ ở mức 30% thay vì 0% như hiện nay.
Các doanh nghiệp cho biết họ nhập xe để đảm bảo nguồn cung trong mùa bán hàng cận tết, vốn thường tăng cao. Vào những ngày cuối năm 2017, hàng ngàn chiếc ô tô nhập khẩu được tập kết tại các cảng ở TPHCM và ở Hải Phòng. Khi đó, giới quan sát nhận định, việc cho nhập ô tô về đến cảng nhưng không cho thông quan ngay của các nhà nhập khẩu là nhằm chờ đợi sự thay đổi vào giờ chót của Chính phủ về kiến nghị bỏ yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài. Nhưng cuối cùng, những lô xe này đã được doanh nghiệp làm thủ tục thông quan trong tháng 12-2017 và chịu thuế nhập khẩu 30% với xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi và 5% với xe bán tải (xe pick-up).
Mẫu xe mới chưa về
Theo các doanh nghiệp, thông thường ở các nước, cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp giấy chứng nhận chất lượng cho xe bán ra trong nước. Xe xuất khẩu không cần cấp giấy này. Hiện nay ô tô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam khi xuất khẩu cũng vậy, không cần cơ quan đăng kiểm, cấp chứng nhận chất lượng. Nhiều quốc gia còn để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và không cấp chứng nhận chất lượng.
Do đó, việc quy định phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài khiến cho nhiều hãng lỗi hẹn trong việc đưa các mẫu xe mới vào thị trường trong nước.
Tại triển lãm ô tô Việt Nam diễn ra vào tháng 8-2017 tại TPHCM, một loạt các mẫu ô tô mới của Toyota, Honda, Chevrolet, Suzuki nhập khẩu từ ASEAN được giới thiệu đến người tiêu dùng. Toyota tạo sự chú ý khi tung ra mẫu xe Wigo nhắm vào phân khúc xe cỡ nhỏ hạng A mà hãng này vẫn đang bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, hãng xe Nhật còn hướng đến nhóm khách hàng sử dụng xe gia đình giá rẻ bằng mẫu Avanza 7 chỗ.
Trong khi đó, hãng Honda giới thiệu dòng xe Jazz với thiết kế khá tiện dụng, phù hợp với xu hướng sử dụng ô tô tại các đô thị. Hãng Suzuki cũng giới thiệu xe Celerio nhắm vào phân khúc vốn được xem như lãnh địa của KIA Morning và Hyundai Grand i10. Hãng Chevrolet được nhiều người hy vọng sẽ làm nên điều bất ngờ với mẫu SUV 7 chỗ Trailblazer, cạnh tranh trực tiếp Toyota Fortuner.
Tại thời điểm trình làng các mẫu xe này tại Việt Nam, đại diện các hãng xe hứa hẹn sẽ phân phối đến tay người tiêu dùng vào đầu năm 2018. Tất cả đều được nhập khẩu từ các nước ASEAN và nằm trong diện được hưởng mức thuế suất thuế nhập nhập khẩu 0% từ ngày 1-1-2018 theo nội dung Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Hơn nữa, các mẫu xe sử dụng động cơ 1.5L trở xuống như Toyota Wigo, Suzuki Celerio, Honda Jazz còn được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) từ mức 40% của năm 2017 về mức 35% từ năm 2018. Những điều này khiến không ít người nuôi hy vọng sẽ sắm được chiếc ô tô giá rẻ, mẫu xe mới khi bước sang năm 2018. Thế nhưng đến thời điểm này, các mẫu xe mới nhập khẩu từ ASEAN vẫn không thấy tăm hơi.
Cơ hội cho ô tô nội
Những thay đổi về chính sách đang giúp ô tô lắp ráp trong nước vào thế “một mình một chợ”, tha hồ vùng vẫy trên thị trường. Điều này trái với dự đoán rằng xe nội sẽ chịu nhiều áp lực cạnh tranh khi xe nhập khẩu từ ASEAN được hưởng thuế 0% từ đầu năm 2018. Một khi xe được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% vẫn chưa thể về Việt Nam, thị trường ô tô đang trở thành “sàn diễn” của các dòng xe lắp ráp trong nước. Một số chuyên gia cho rằng, quy định mới này dường như là con bài “giải cứu” cho xe nội, ngăn chặn làn sóng xe nhập có thể ồ ạt vào Việt Nam.
Đây cũng là lý do khiến xe lắp ráp và sản xuất trong nước có mức giá giảm không như kỳ vọng của người tiêu dùng, thậm chí có một số mẫu xe không được giảm. Không có đối thủ cạnh tranh, các nhà lắp ráp không có lý do gì để giảm giá xe.