Dù nguồn cung xe ô tô nhập khẩu đã tăng so với các tháng đầu năm nhưng giá khó có thể giảm ngay do cầu vẫn vượt xa cung.
Thuế giảm nhưng giá xe tăng
Từ đầu năm 2018, thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN giảm xuống mức 0% so với mức 30% của năm 2017 theo cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Với mức giảm này, các hãng xe dự báo giá sẽ giảm từ 10-12%. Đồng thời, dòng xe có dung tích xi-lanh dưới 2.000cc - phân khúc ô tô có lượng người tiêu thụ nhiều nhất - được giảm thêm 5% thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Vì hai lý do này, người tiêu dùng kỳ vọng giá xe sẽ giảm đáng kể.
Nhưng trên thực tế, giá xe của cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp nội địa trong 6 tháng qua thậm chí còn có chiều hướng tăng. Nguyên nhân được cho là do sự tác động của những chính sách khác đã khiến nguồn cung xe nhập khẩu khan hiếm.
Cụ thể, Nghị định 116 của Chính phủ tháng 10-2017 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng ô tô cùng với thông tư 03 của Bộ Giao thông Vận tải, đã ảnh hưởng đến việc nhập khẩu xe ô tô từ năm 2018. Trong đó, việc phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA) được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài được xem là thách thức lớn nhất.
Bên cạnh đó, mỗi lô xe nhập khẩu ngoài việc cung cấp đủ thủ tục giấy tờ theo quy định mới đều phải lấy mẫu kiểm tra tiêu chuẩn khí thải, an toàn kỹ thuật. Quy định này khiến nhà nhập khẩu mất thời gian đáp ứng, hoạt động nhập khẩu ô tô gần như bị “đóng băng” trong nửa đầu năm.
Khó dự báo
Từ tháng 7-2018, số lượng và mẫu xe nhập khẩu hưởng thuế 0% về Việt Nam được nhận định là sẽ tăng đáng kể, khi đó người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Bởi, bên cạnh Honda Việt Nam và GM Việt Nam với thương hiệu xe Chevrolet đã nhập xe từ thị trường ASEAN về, đến nay hầu hết các nhà nhập khẩu và lắp ráp ô tô khác cũng đã được Thái Lan và Indonesia cấp giấy VTA và được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận. Tuy nhiên, phải đến 1-2 tháng nữa những đơn vị này mới có xe nhập về để bán.
Vào cuối tháng 6 vừa qua, Toyota Việt Nam đã giới thiệu mẫu xe Fortuner mới nhập từ Indonesia. Tuy nhiên, theo liên doanh ô tô Nhật Bản này, sau khi làm thủ tục nhập khẩu, xe giao cho khách phải chờ cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8. Những mẫu xe khác vẫn thiếu hàng: Ford Explorer, Everest, Ranger, Honda CR-V bản 1.5L và 1.5G, Toyota Wigo, Toyota Yaris...
Khi những mẫu xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia vào Việt Nam sắp tới được hưởng thuế 0%, cùng với thuế TTĐB giảm thì giá sẽ giảm đáng kể. So với giá bán trước đây, giá bán trong năm 2018 của các mẫu xe sẽ giảm khoảng 15%.
Tuy nhiên, theo giới kinh doanh thì giá xe nhập khẩu chưa thể giảm ngay trong 2-3 tháng tới, nhất là với những mẫu xe ăn khách, bởi cung không đáp ứng đủ cầu. Đơn cử như mẫu Toyota Fortuner sắp về Việt Nam cũng chỉ có khoảng gần 1.000 chiếc, quá ít so với nhu cầu từ cuối 2017 đến nay (lượng bán Fortuner của Toyota bình quân hơn 1.000 xe/tháng) và giá bán của 2 mẫu giống với trước đây sẽ tăng giá.
Với các mẫu xe của Honda, ví dụ mẫu Honda CR-V tuy đã nhập về Việt Nam được mấy ngàn chiếc nhưng vẫn thiếu, nhất là với hai phiên bản 1.5G và 1.5L. Gần đây, website của Honda Việt Nam xuất hiện thông tin tăng giá bán cả ba phiên bản CR-V bắt đầu từ ngày 1-7-2018, với mức tăng 10 triệu đồng/xe.
Tuy nhiên, những dự báo trên là xét ở khía cạnh những mẫu xe được ưa chuộng và nguồn cung không nhiều. Đối với những mẫu xe và thương hiệu ít phổ biến thì khả năng giá xe sẽ sụt giảm cho cả phân khúc xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước.
Mẫu xe nhỏ lên ngôi
Trong nửa đầu năm 2018, mảng ô tô con thị trường có lượng bán nhiều nhất là Hyundai Grand i10, với 12.781 xe bán ra, vượt qua lượng bán của Toyota Vios khoảng 130 xe. Điều này không chỉ cho thấy mẫu xe nhỏ tiếp tục lên ngôi, không chỉ đáp ứng các tiêu chí vận hành trong đô thị, mà còn phục vụ cho những doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải.
Dù mất vị trí dẫn đầu, nhưng Toyota Việt Nam vẫn đóng góp ba mẫu vào danh sách 10 xe bán chạy nhất nửa đầu năm gồm Innova và Altis. Mazda, KIA và Honda mỗi thương hiệu đóng góp 2 mẫu xe. Trong đó, Mazda có Mazda 3, Mazda CX5; KIA có Morning, Cerato (5.435 xe). Honda có City và CR-V.
Xe nhập khẩu khan hàng, số lượng ô tô lắp ráp trong nước cũng không đủ cung trước sức mua của người tiêu dùng khiến thị trường trở nên khó dự báo. Do đó, khách hàng gặp phải cảnh “đôn” giá nếu họ lấy xe sớm, hoặc khách hàng phải mua thêm gói phụ kiện để được nhận xe sớm, thấp thì 20 triệu, và cao hơn lên đến 100 triệu đồng. Một số mẫu xe như Honda CR-V được nhập về với số lượng hạn chế trong bối cảnh thị trường “khát” xe nhập khiến người mua phải bỏ thêm vài chục triệu đồng. Trong khi đó, đối với xe lắp ráp trong nước như Mazda CX5 2018 có thời điểm tăng 30 triệu đồng, Mazda 6 cũng tăng 20 triệu đồng và các dòng Mazda khác tăng ít nhất 10 triệu đồng mỗi chiếc.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 6 toàn thị trường tiêu thụ đạt 21.913 xe ô tô các loại, nâng tổng lượng ô tô bán ra trong nửa đầu năm nay đạt 125.659 xe ô tô, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, dù thị trường ô tô nói chung bán ra sụt giàm, nhưng phân khúc xe ô tô du lịch trong nửa đầu năm nay vẫn tiêu thụ tốt, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 83.803 xe. Đây cũng là phân khúc xe ô tô có lượng bán ra cao nhất.
Trong khi đó, phân khúc xe thương mại trong 6 tháng qua tiêu thụ giảm 21%, còn 37.381 xe, và xe chuyên dụng giảm 40%, còn 4.475 xe so với cùng kỳ năm ngoái. Một điểm đáng chú ý nữa là trong nửa đầu năm nay, lượng bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 10% (đạt 106.678 xe), trong khi xe nhập khẩu giảm 49% (còn 19.039 xe) so với cùng kỳ năm ngoái.
Lê Hoàng