Diễn biến trên thị trường bất động sản Trung Quốc đang ảnh hưởng đến tiến độ xây sân bóng đá Evergrande và giải bóng đá ngoại hạng Trung Quốc (CSL). Giấc mơ đạt đẳng cấp bóng đá thế giới với chức vô định World Cup vẫn còn xa với khi các “quả bom nợ” như Evergrande và China Fortune Land – vốn đang bơm dòng tiền khổng lồ vào các đội bóng và thị trường chuyển nhượng – đang chực chờ bùng nổ…
- Tự hào bóng đá Nam, mẹ đảm vào bếp làm món cơm tạo hình “Việt Nam” đầy thân thương
- 6 sao bóng đá Việt kinh doanh quán cà phê
Các câu lạc bộ bị “rút ống thở”
Tháng 4-2020, tập đoàn bất động sản Evergrande làm lễ động thổ xây dựng sân bóng đá hiện đại trị giá 1,8 tỉ đô la, sức chứa 100.000 người ở Quảng Châu. Chủ tịch Xu Jiayin nói với báo chí rằng: “Sân vận động Evergrande sẽ trở thành địa danh mới đẳng cấp thế giới, sánh ngang với nhà hát Opera ở Sydney và tháp Burj Khalifa ở Dubai. Đây cũng là biểu tượng quan trọng của bóng đá Trung Quốc vươn ra toàn cầu”. Công trình hiện vẫn đang ngổn ngang gạch đá. Nhưng đó cũng là phép ẩn dụ hoàn hảo về giấc mơ thứ hai chưa thành hiện thực.
Sân vận động hiện đã hoàn thành một nửa, nhưng tờ Global Times nói chính quyền sẽ thu hồi khu đất có sân vận động để bán đấu giá. Với khối nợ hơn 300 tỉ đô la, Evergrande là tập đoàn bất động sản lớn nhất – nhưng không phải duy nhất của Trung Quốc – đang gặp khó khăn. Chính phủ đang tiến hành các đợt chấn chỉnh lĩnh vực bất động sản đang phát triển quá nóng nhiều năm qua. “Nhà là để ở chứ không phải để đầu tư”, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trong một hội nghị năm 2017.
“Mười một trong số 16 đội giải ngoại hạng CSL do các hãng bất động sản làm chủ hay tài trợ đang có gặp khủng hoảng tài chính khi chính phủ kiểm soát thị trường chặt chẽ hơn”, Ivanhoe Li, người sáng lập hãng tiếp thị thể thao Fangze Sports tại Bắc Kinh, nói với Nikkei Asia.
Cũng như Evergrande, hồi tháng 10, China Fortune Land Development đang tìm cách tái cơ cấu các khoản nợ khoảng 42 tỉ đô la. Câu lạc bộ Hebei FC do tập đoàn sở hữu đã không trả tiền điện khu phức hợp đào tạo, các đội bóng trẻ được cho nghỉ phép dài hạn. Tương lai của Hebei FC đang mờ mịt.
Tình trạng tồi tệ không chỉ giới hạn ở các câu lạc bộ (CLB) thuộc sở hữu của các tập đoàn nhà đất. Hồi tháng 2 vừa rồi, gã khổng lồ bán lẻ Suning đã “rút ống thở” với CLB Jiangsu FC chỉ ba tháng sau khi đội này trở thành nhà vô địch CSL lần đầu tiên. Jiangsu FC giải thích là do “sự chồng chéo của các yếu tố khác nhau không thể kiểm soát”. Tháng 3, chính quyền thành phố Thiên Tân đã phải vào cuộc để giải cứu CLB Tianjin Tigers sau khi tập đoàn TEDA ngừng tài trợ và CLB có nguy cơ chấm dứt tồn tại.
Cái giá của giấc mơ “số 1 thế giới”
Những chuyện như vậy không nằm trong kịch bản được vạch ra năm 2011. Bởi khi đó, ông Tập – một người mê bóng đá nổi tiếng – đã vạch ra “giấc mơ Trung Hoa” cho bóng đá theo ba giai đoạn. Đầu tiên, Trung Quốc sẽ giành quyền tham dự World Cup (đội tuyển quốc gia đã làm được như vậy chỉ một lần, hồi năm 2002). Kế đến, Trung Quốc sẽ đăng cai World Cup và sau đó giành chiến thắng. Giấc mơ đó đã được lập trình cụ thể hơn với kế hoạch chi tiết mà Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc (CFA) đưa ra năm 2016: trở thành một trong những đội hàng đầu châu Á vào năm 2030 và trở thành “siêu cường hạng nhất vào năm 2050”.
Doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty bất động sản, đã hòa mình vào giấc mơ vĩ đại đó. Evergrande có Guangzhou FC, China Fortune Land có Hebei FC và Sinobo mua Beijing Guoan.
Đối với giáo sư Simon Chadwick chuyên nghiên cứu về thể thao thuộc Trường Kinh doanh Emlyon ở Pháp, dòng lũ nhà đầu tư có thể được giải thích như hành động thể hiện sự minh bạch về chính trị và xây dựng các mối quan hệ và lòng tin ở Trung Quốc.
“Hỗ trợ sự phát triển của bóng đá Trung Quốc sẽ giúp các tập đoàn bất động sản cơ hội tham gia các dự án nhà đất tương đối thuận lợi hơn. Đó là một cách thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ và các quyết sách của họ. Đổi lại, bạn có thể thu được những lợi ích trong các hoạt động kinh doanh cốt lõi, đồng thời xây dựng và củng cố lần nữa các mối quan hệ và làm những điều mà bạn không thể làm được nếu không sở hữu một đội bóng”, vị giáo sư giải thích.
Sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn đã tác động nhanh chóng đến lĩnh vực này. Với tiền của Evergrande, Guangzhou FC được thăng hạng lên hàng đầu vào năm 2010, ký hợp đồng với các cầu thủ tài năng nước ngoài và đoạt tám danh hiệu CSL trong thập niên sau đó. Năm 2013, Guangzhou FC trở thành đội đầu tiên của Trung Quốc giành chức vô địch giải bóng đá châu Á AFC.
Các đội Trung Quốc khác đã cố gắng bắt kịp, đua nhau ký hợp đồng với các cầu thủ nổi tiếng. Tháng 12-2016, Shanghai SIPG đã trả 100 triệu đô la để mua tiền vệ Oscar. Trong kỳ chuyển nhượng mùa đông 2016-17, giải CSL đã chi tổng cộng 443 triệu đô la cho các cầu thủ. Số khán giả tham dự trung bình trong năm 2016 đã tăng lên 24.159 – cao nhất ở châu Á, so với con số chỉ 10.611 một thập niên trước đó.
Nhưng liệu các cầu thủ có mang lại đúng giá trị số tiền đầu tư cho các CLB hay không?
Chadwick nói: “Các CLB Trung Quốc không thực sự hiểu hết những gì họ đã dấn thân vào. Bóng đá là một môn thể thao vô cùng tàn nhẫn và đáng sợ, nhà quản lý và các cầu thủ đã lợi dụng các ông chủ CLB Trung Quốc. Những người kinh doanh này đang chơi một trò chơi mà họ không hiểu”.
Hệ quả của những đợt “vung tay quá trán” đang trở thành gánh nặng chi phí hôm nay. Để điều hành Guangzhou FC, Evergrande đã tiêu tốn khoảng 150 – 300 triệu USD trong thập kỷ qua.
Đi tìm mô hình phát triển mới
Ông chủ các đội bóng cũng đang đặt dấu hỏi về giá trị của tất cả các khoản đã chi, bởi đội tuyển quốc gia vẫn ngồi nhà theo dõi các trận World Cup qua màn hình. Chủ tịch CFA Chen Xuyuan cho biết: “Chi tiêu cho các CLB ở giải ngoại hạng của Trung Quốc cao hơn K-League của Hàn Quốc khoảng 10 lần và gấp ba lần so với J-League của Nhật Bản. Nhưng đội tuyển quốc gia vẫn đang bị xếp chiếu dưới”.
Nhà chức trách cũng lo ngại về số tiền rời khỏi Trung Quốc để chảy vào túi các cầu thủ, ông bầu và CLB ở nước ngoài. CFA đã buộc các CLB giảm chi tiêu. Năm 2018, một loại “thuế chuyển nhượng” đã được đưa ra với quy định rằng các CLB ký hợp đồng với cầu thủ nước ngoài sẽ phải trả một khoản tiền tương đương với phí chuyển nhượng cho một quỹ phát triển. Năm 2020, CFA đã công bố mức lương mới khoảng 3,35 triệu đô la một năm cho các cầu thủ nước ngoài, với các cầu thủ trong nước kiếm được tối đa là 760.000 đô la.
Dịch Covid ập đến. Kể từ mùa giải 2019 kết thúc, có ít trận đấu hơn, doanh thu bán vé ít hơn và các hợp đồng tài trợ và phát sóng giảm. Giải ngoại hạng tạm dừng từ giữa tháng 8 đến tháng 12-2021 nhằm tạo cơ hội cho tuyển quốc gia vượt qua vòng loại World Cup 2020. Nhưng tuyển quốc gia vẫn tiếp tục làm khán giả. Mối quan tâm của công chúng cũng giảm dần.
Sự tham gia của chính quyền địa phương có thể là mô hình mới về quyền sở hữu các CLB. Hãng tư vấn bóng đá Bi Yuan ở Bắc Kinh cho rằng: “Cơ quan quản lý đang theo đuổi một mô hình sở hữu khác, với các CLB thuộc sở hữu của nhiều cổ đông, nhưng không ai sẵn sàng cấp vốn cho các đội nữa. Kịch bản tốt nhất là những CLB gặp khó khăn về tài chính sẽ do các tập đoàn quốc doanh ở địa phương tiếp quản”.
Shandong Taishan có thể là phác thảo cho mô hình. Có trụ sở tại thành phố Tế Nam ở phía Đông, đội bóng thuộc sở hữu của ba công ty nhà nước ở địa phương. CLB hiện tương đối ổn định. Tuy nhiên, rất khó để tìm thấy những chủ sở hữu như vậy. “Chính quyền địa phương sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với tương lai của các đội bóng. Ngược lại, các đội sẽ phải giải tán”.
Mô hình “50 cộng một” của Đức đã được đề xuất. Các câu lạc bộ Bundesliga và hiệp hội thành viên của họ phải nắm giữ ít nhất 51% quyền biểu quyết trong một hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận. Đây là mô hình phổ biến trên toàn thế giới nhằm bảo vệ lợi ích của người hâm mộ.
Ricky Hồ
Theo KTSG