Tìm ra những khuyến nghị chính sách cũng như kinh nghiệm cho những doanh nghiệp đã, đang và có dự định khởi nghiệp là mục đích của cuộc hội thảo “Để khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thêm hiệu quả” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức tại thành phố Bến Tre vào ngày 11/9.
Chưa được như kỳ vọng
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI chi nhánh Cần Thơ, Chủ tịch Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL, thực hiện nghị quyết 19 và 35 của Thủ tướng về tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, từ năm 2016 đến nay nhiều địa phương đã tập trung cho các hoạt động khởi nghiệp. ĐBSCL ghi nhận hầu hết các tỉnh, thành đều xây dựng các đề án, chương trình khởi nghiệp, một số tỉnh thành lập hội đồng để triển khai chương trình, kế hoạch dài hạn.
Ông Lam cho rằng nếu xét về điều kiện để khởi nghiệp, ĐBSCL có thể nói đang hội đủ các yếu tố. Đó là sự thuận lợi từ chủ trương chính sách của các cấp, cùng với điều kiện hạ tầng đầy đủ như hệ thống trường đại học, cao đẳng, các trung tâm nghiên cứu, Vườn ươm doanh nghiệp quốc gia (KVIP) và trung tâm ươm tạo của tỉnh. Lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường của vùng là cơ hội lớn cho khởi nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo, công nghệ sinh học, giống, nông nghiệp kỹ thuật cao, vật liệu kỹ thuật mới... Bên cạnh đó là yếu tố con người, doanh nghiệp vùng này có truyền thống dấn thân, chấp nhận rủi ro khi kinh doanh.
“Nhưng dường như chúng ta còn đang thiếu một số yếu tố bổ trợ tích cực”, ông Lam băn khoăn. Nhìn về tốc độ phát triển doanh nghiệp so với cả nước thì ĐBSCL đang ở mức thấp hơn mức 16% bình quân cả nước, số lượng doanh nghiệp tính trên bình quân 1.000 dân của cả nước là 6,05 doanh nghiệp năm 2017, trong khi ở ĐBSCL là 2,7 doanh nghiệp. Mặt khác, theo ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao TPHCM, các nhà đầu tư còn e ngại đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đó là không đủ sự kiên trì, hoang tưởng về tính chất sản phẩm hoặc tự tin quá mức, tính trung thực và minh bạch còn kém, tính kỷ luật, sự nhất quán chưa cao. Đó là lý do khiến các doanh nghiệp trẻ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các nhà đầu tư.
Giải pháp cho khởi nghiệp ở ĐBSCL
Ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty Chế biến Dừa Lương Quới hiện có sản phẩm đang được tiêu thụ tại 30 nước trên thế giới, cho rằng yếu tố tiên quyết để một người khởi nghiệp thành công là phải đam mê, đừng khởi nghiệp chỉ vì sự nổi hứng nhất thời, vì chính sách hỗ trợ hay bất kỳ yếu tố ngoại cảnh nào. Thị trường luôn có thách thức, đừng ảo tưởng sản phẩm của mình là số một. Tính thách thức trong lĩnh vực pháp lý về lao động, môi trường, an toàn thực phẩm là rất lớn và còn nghiệt ngã hơn khi ra thị trường thế giới.
Đại diện phía chính quyền, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng cần tăng cường công tác truyền thông khởi nghiệp không chỉ cho người khởi nghiệp mà còn cho cả lực lượng hỗ trợ khởi nghiệp. Chính quyền sẽ không hỗ trợ vốn, khuyến khích thành lập doanh nghiệp khi các doanh nghiệp chưa hiểu đúng, chuẩn bị kỹ cho việc kinh doanh, ông Mãi nói.
Ông Lương Minh Huân, Phó Viện trưởng phụ trách của Viện phát triển Doanh nghiệp (VCCI) - đơn vị thực hiện báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam năm 2017, cho biết doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam kiên trì hơn các nước trong khu vực, cụ thể tỷ lệ từ bỏ kinh doanh của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam trên số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 là 18%, thấp hơn so với 42% doanh nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, thiếu nguồn tài chính là lý do từ bỏ kinh doanh lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam với tỷ lệ 26%.
Ông Huân đưa ra năm nhóm giải pháp để tăng tính hiệu quả của khởi nghiệp ĐBSCL. Gồm có việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo thêm lòng tin cho người làm kinh doanh; xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển khởi nghiệp có định hướng trong những lĩnh vực ưu tiên, có tính quốc tế cao hơn; cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp mới khởi sự; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, xây dựng mạng lưới dịch vụ tư vấn để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, tăng cường đầu tư nghiên cứu ứng dụng.
Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết trong thời gian tới đơn vị sẽ chú trọng hơn vấn đề kiến nghị chính sách, đặc biệt làm việc với chính quyền các địa phương trong việc đưa ra những chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng như tăng cường kết hợp cùng các chuyên gia đưa ra những tư vấn về chiến lược khởi nghiệp phù hợp đặc điểm riêng của từng địa phương.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn hợp tác cùng VCCI Cần Thơ hỗ trợ khởi nghiệpNgày 11/9, tại thành phố Bến Tre, Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ về việc triển khai chương trình hợp tác, hỗ trợ truyền thông cho các sự kiện về khởi nghiệp.Thỏa thuận này nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả trong việc đồng hành, hỗ trợ truyền thông, xây dựng và phát triển các chương trình, sự kiện về khởi nghiệp do một trong hai bên tổ chức nhằm tăng cường và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long. Việc ký kết được thực hiện trong khuôn khổ hội thảo “Để khởi nghiệp ĐBSCL thêm hiệu quả” diễn ra tại thành phố Bến Tre.
Kim Ngọc