Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1-12

Từ ngày 1-12-2021, người mua xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ. Chương trình hỗ trợ ưu đãi với xe lắp ráp trong nước này sẽ được thực hiện kéo dài đến hết tháng 5-2022.

Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh dịch Covid-19, ngày 26-11, Chính phủ ban hành Nghị định 103/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Một công đoạn trong dây chuyền lắp ráp xe tại nhà máy của TC Motor ở Ninh Bình. TC Motor hiện lắp ráp, sản xuất xe Hyundai.

Theo đó, kể từ ngày 1-12 tới đến hết ngày 31-5-2022, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định hiện hành.

Điều này đã mở ra nhiều hy vọng đối với các hãng xe lắp ráp và sản xuất trong nước vì là cơ hội để thúc đẩy lượng xe bán ra trong thời gian tới; đồng thời cũng là tin vui đối với những người tiêu dùng đang có nhu cầu mua ô tô nội địa.

Hiện mức thu phí trước bạ được xác định theo tỷ lệ phần trăm từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký. Mức phí trước bạ với ô tô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… là 12% giá trị xe. Trong khi đó, TPHCM 10%, Hà Tĩnh 11%… Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con.

Với mức giá ô tô trên thị trường hiện nay, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp người mua xe giảm hàng chục cho tới hàng trăm triệu đồng.

Trước đó, cũng vì nghe có thông tin sẽ giảm phí trước bạ này mà thời gian qua hầu hết những người có ý định mua ô tô nội địa đều có tâm lý chờ đợi về chính sách ưu đãi để được giảm số tiền đáng kể khi mang xe đi đăng ký, làm thủ tục lăn bánh. Trong khi đó, các đại lý tính đến việc giảm ưu đãi, khuyến mãi và tăng giá bán để bớt dần gánh nặng về chi phí.

Cũng theo Nghị định, từ ngày 1-6-2022 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21-2-2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10-10-2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ, các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Bộ Tài chính cho rằng, dù việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ sẽ làm giảm số thu theo chính sách, nhưng do số lượng ô tô tiêu thụ tăng lên nên tổng số thu ngân sách vẫn tăng lên.

Cụ thể, 6 tháng cuối năm 2020, số thu lệ phí trước bạ giảm theo chính sách là 7.314 tỉ đồng nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước tăng 14.100 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc kích cầu cho ngành ô tô nội địa thông qua cơ chế giảm lệ phí trước bạ rất có thể sẽ vi phạm các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Cụ thể, theo Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994 (GATT), các thành viên WTO không được áp dụng, dù trực tiếp hay gián tiếp, các loại thuế và phí nội địa, các quy định và yêu cầu liên quan đến các hoạt động mua, bán, chuyên chở, tiếp thị, phân phối hoặc sử dụng hàng hóa trên thị trường nội địa nhằm mục đích bảo hộ sản xuất trong nước.

Liên quan đến vấn đề này, trong dự thảo Nghị định của Bộ Tài chính trước đó cũng nêu rõ: “Việc tái áp dụng chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định tại Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) của WTO. Việt Nam sẽ nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam, như ý kiến từ Đại sứ quán một số nước, Eurocharm và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2020”.

Mặc dù vậy, Bộ Tài chính cho rằng biện pháp giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ kéo dài trong vòng 6 tháng. “Đây được xem là biện pháp hỗ trợ ngắn hạn nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19”, Bộ Tài chính lưu ý trong dự thảo.

Việc tái giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có những tác động tích cực như kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản. Từ đó, tác động thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Thời điểm cuối năm thị trường thường sôi động. Tuy nhiên, một số đại lý ô tô trước đó cũng cho biết sẽ giảm ưu đãi hoặc chấm dứt các chương trình ưu đãi giảm giá cho khách.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 10 vừa qua, lượng bán hàng của các thành viên VAMA đạt 29.797 xe, tăng 120% so với tháng trước, tuy nhiên, vẫn giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Liên quan đến đề xuất giảm phí trước bạ lần này, gần đây phía các nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cũng đã có tiếng nói chính thức. Cụ thể, hầu hết các thành viên thuộc Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA) đã cùng ký tên vào một công văn gửi đến Quốc hội (Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Ủy ban Pháp luật), Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. Phía VIVA nêu trong văn bản rằng tổ chức này được biết Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lên kế hoạch giảm 50% lệ phí trước bạ lần thứ hai đối với riêng ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, nhằm hỗ trợ các công ty ô tô trong đại dịch Covid-19. Việc giảm 50% thuế trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước đã cho thấy hiệu quả, nhưng cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc.

Theo VIVA, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng chung đến tất cả các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, cả lắp ráp lẫn nhập khẩu chứ không riêng hình thức nào. “Vì thế, việc ưu đãi nên dành cho cả hai dạng là xe lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU)”, theo kiến nghị của VIVA.

Hùng Lê

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối