Tại hội nghị trực tuyến về công tác khám chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức hôm 21-8, đại diện của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế không nên quy định mua giá rẻ nhất mà là chọn giá hợp lý với chất lượng tốt.
- TPHCM: Các bệnh viện nói vẫn đủ thuốc hiếm dùng phẫu thuật tim
- Mua bán dược phẩm online: Mảnh đất “màu mỡ” cho thuốc giả hoành hành
Vẫn gặp khó khi đấu thầu thuốc, mua sắm vật tư y tế
Liên quan đến hoạt động đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện, TS. BS. Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), cho biết hiện đã có cổng công khai giá để các bệnh viện tham khảo giá, tham khảo thiết bị. Tuy nhiên, nhiều khi phải mở đến 18 cửa sổ máy tính để tìm giá tham khảo. Nhân viên y tế của bệnh viện có khi phải huy động cho công tác đấu thầu chứ không phải là điều trị.
Hiện trong nước chưa có giá nhập khẩu, giá hải quan của thiết bị y tế nhập khẩu. Trong nước cũng không có quy định được mua chênh lệch bao nhiêu so với giá nhập hải quan. Vì vậy, các đơn vị cần minh bạch về giá và thêm các quy định có tính pháp lý.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng “không nên chọn giá thấp nhất mà là giá hợp lý nhất, dựa trên nhu cầu từng chuyên khoa, sự phù hợp điều trị và để bệnh viện được quyết định”. Vì các mặt hàng rất đa dạng, chỉ mua rẻ nhất thì không có sản phẩm tốt nhất. Ngoài ra cũng nên chấp thuận được chỉ định thầu trong tình huống khẩn cấp trong điều trị.
Trên thực tế, trong mua sắm trang thiết bị y tế, bệnh viện mua giá cao thì máy có nhiều chức năng trong khi máy mua giá thấp có ít chức năng. Điều này gây khó khăn cho các bệnh viện trong xây dựng kế hoạch.
Kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn
Trước những bất cập trên, ông Thức kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế cần quy định rõ thứ tự ưu tiên trong việc sử dụng thông tin về giá để xây dựng giá kế hoạch. Hai website này hoạt động chưa trôi chảy nên các cơ sở y tế muốn tham khảo, tra cứu có những lúc phải mở 18 cửa sổ mới có đầy đủ thông tin, gây mất thời gian cho các cơ sở.
Ngoài ra, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng kiến nghị ở giai đoạn lập dự toán mua sắm không bắt buộc phải xây dựng đơn giá chi tiết theo từng dấu kỹ thuật hoặc nên bổ sung vào thông tư hướng dẫn xác định dự toán mua sắm thuốc cho phép các bệnh viện được xây dựng đơn giá dự toán theo dấu kỹ thuật bằng với giá bình quân mua sắm năm trước liền kề, hoặc sử dụng giá bình quân của các báo giá được xác lập trong giai đoạn xây dựng dự toán mua sắm.
Việc mua sắm hàng hóa, hóa chất, vật tư xoay quanh giá, các cơ sở y tế đều vướng. Vì vậy, kiến nghị giá mua sắm trong y tế không nên chọn giá thấp nhất mà cần quy định rõ chọn giá hợp lý nhất phù hợp với điều kiện của từng cơ sở, từng chuyên khoa…; quy định rõ các bước, các hội đồng có quyền xác định nhu cầu thực tế là phù hợp.
Bên cạnh đó, ông Thức cũng kiến nghị cho phép các bệnh viện từ hạng 1 đến hạng đặc biệt được phép lựa chọn nhà sản xuất để mua sắm thiết bị y tế phù hợp với các bệnh chuyên sâu. Vì các thương hiệu lớn thường mới có máy tốt phục vụ điều trị các bệnh lý chuyên sâu. Hiện giờ nếu đấu thầu tên chung chung thì các thiết bị trúng thầu sẽ không phục vụ được nhu cầu của các bệnh viện hạng 1 và mua về không sử dụng được sẽ gây lãng phí.
Trước những kiến nghị của lãnh đạo của Bệnh viện Chợ Rẫy, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng các nội dung vừa đề cập trên đã nói lên tâm tư chung của các bệnh viện công hiện nay. Theo đó, giá dịch vụ y tế hiện chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế, gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ.
Việc thực hiện chính sách xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong các bệnh viện công lập còn nhiều tồn tại, nhiều thiết bị trong bệnh viện đang dừng hoạt động do các vướng mắc về pháp lý.
Về chế độ tiền lương, thu nhập đối với cán bộ y tế còn nhiều khó khăn khiến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc, bà Lan cho biết Bộ Y tế đề nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011, trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; đồng thời cần thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Cụ thể chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.
Bộ Y tế cũng kiến nghị, đề xuất công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ, nhân viên y tế hy sinh do mắc Covid-19 trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Minh Thảo
Theo KTSG Online