Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Giám đốc làng du lịch Mỹ Khánh, người kiên định với “bản sắc miệt vườn”

(SGTT) - Làng du lịch Mỹ Khánh hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Người góp phần làm nên thành công của điểm du lịch đặc sắc này không ai khác chính là giám đốc Lê Văn Sang.

Từ cán bộ thương nghiệp chuyển sang kinh doanh du lịch

Ông Lê Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Mỹ Khánh (làng du lịch Mỹ Khánh) cho biết, gia đình ông đã có nhiều đời gắn bó với xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Bản thân ông Sang từng là cán bộ làm việc trong công ty thương nghiệp. Chính công việc thú vị này đã tạo cơ hội cho ông được giao lưu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để phát triển sự nghiệp du lịch sau này.

TP Cần Thơ và các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long là "xứ miệt vườn". Chính vì thế, cũng có rất nhiều người có ý tưởng kinh doanh du lịch vườn chứ không chỉ riêng ông Sang. Nhưng có ý tưởng là một chuyện, thực hiện thành công ý tưởng đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Giám đốc làng du lịch Mỹ Khánh Lê Văn Sang, người kiên định với bản sắc Xứ miệt vườn. Ảnh: NVCC

Ông Sang thừa nhận, bản thân ông sinh ra trong gia đình nhà nông, nhưng là nhà nông “có điều kiện”. Chính sự ủng hộ về vật chất của gia đình, cộng với kinh nghiệm của bản thân, đã giúp ông tạo nên làng du lịch Mỹ Khánh, điểm đến hấp dẫn ở miền Tây Nam Bộ.

Ông Sang và gia đình bắt đầu kinh doanh du lịch từ năm 1995. Ban đầu, ông mở một nhà hàng ở quận Cái Răng để phục vụ du khách. Ông nhận thấy du khách inbound (khách nước ngoài đi du lịch Việt Nam) thích tham quan chợ nổi Cái Răng, sau đó trải nghiệm các vườn cây ăn trái. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, các dịch vụ về lĩnh vực này còn rất sơ sài, nên ông quyết định “đầu tư lớn”.

Với 3 ha đất trồng cây ăn trái của gia đình, ông Sang đã cho tu sửa lại vườn cây, ao cá, xây dựng nhà ăn và lối đi cho khách tham quan vườn.

Làng du lịch Mỹ Khánh sẽ tạo thêm nhiều những sản phẩm du lịch mới để có thể thu hút được du khách đông hơn nữa. Ảnh: Nam Sơn

Sau ba năm kinh doanh thử nghiệm, lượng khách đến vườn của ông ngày càng tăng. Ông Sang nhận thấy kinh doanh du lịch vườn rất có hiệu quả và quyết định mở rộng quy mô kinh doanh.

Năm 1998, gia đình ông Sang tập trung nguồn vốn của tất cả các thành viên, cộng với sự hỗ trợ của ngân hàng, đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng nhiều sản phẩm mới lạ với các dịch vụ trò chơi hấp dẫn. Từ đó, lượng khách đến làng du lịch Mỹ Khánh mỗi năm đều tăng 15-20% và thương hiệu của khu du lịch hấp dẫn này ngày càng được mở rộng.

Vượt khó thời Covid-19

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch và làng du lịch Mỹ Khánh cũng không phải là ngoại lệ. Ông Sang cho biết, ở giai đoạn dịch bệnh bùng phát, khu du lịch của ông phải tạm ngừng hoạt động, doanh thu không có.

Đã có lúc, ông cắt giảm tới 70% nhân sự, chỉ duy trì 30% lực lượng để tham gia công tác bảo trì, trang trí, chăm sóc làng du lịch Mỹ Khánh.

Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", duy trì mô hình "cuốn chiếu", cộng với sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền địa phương, ông Sang đã chèo lái con thuyền làng du lịch Mỹ Khánh vượt qua thử thách Covid-19.

Du khách trải nghiệm tại làng du lịch Mỹ Khánh. Ảnh: Nam Sơn

Ông Sang chia sẻ, ông và gia đình rất yêu du lịch và xác định kinh doanh du lịch lâu dài. Dù ở giai đoạn thuận lợi là lúc khó khăn, ông Sang luôn kiên định với mục tiêu phát triển du lịch vườn của mình.

Trước đây, trong những năm 2009-2010, khi TP Cần Thơ có sự đột phá về xây dựng với sự xuất hiện của cầu Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ…, ngành du lịch cũng được hưởng lợi. Làng du lịch Mỹ Khánh của ông Sang khi ấy cũng gặt hái được rất nhiều thành công.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại làng du lịch Mỹ Khánh. Ảnh: Nguyen Co

Hơn hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của làng du lịch Mỹ Khánh. Tuy nhiên, với việc Việt Nam đã mở cửa trở lại du lịch, ông Sang tin rằng, khu du lịch của ông sẽ sớm thu được những thành công mới.

Hiện nay, làng du lịch Mỹ Khánh đã xây dựng được 25 ha, với nhiều hạng mục như khu vui chơi, khu nghỉ dưỡng, khu ăn uống, vườn cây ăn trái…

Trong tương lai, ông Sang có kế hoạch xây dựng thêm 10 ha vườn cây ăn trái, làng nghề truyền thống Nam Bộ, tạo thêm nhiều những sản phẩm du lịch mới để thu hút được du khách đông hơn nữa.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối