(SGTT) – Đến với thể thao hơn bảy năm, anh Đặng Văn Ân hiện đang sinh sống và làm việc tại TPHCM vẫn giữ niềm đam mê vận động như ngày đầu. Ở độ tuổi U40, anh Ân đã thử sức qua nhiều bộ môn khác nhau và trở thành thầy dạy yoga bên cạnh công việc chính ở văn phòng.
- Phạm Thế Chung: Cô nhân viên văn phòng đạp xe xuyên Việt
- Nữ nhân viên văn phòng 9x chia sẻ kinh nghiệm phượt xe máy rong ruổi mọi miền
- Ngực nở, mông săn chắc với 30 phút Yoga mỗi ngày
Hormone hạnh phúc tìm đâu xa!
Anh Đặng Văn Ân hay còn được nhiều người biết đến với tên Andy, hiện đang là giám đốc chi nhánh một công ty chuyên tư vấn giải pháp công nghệ ở TPHCM. Dù công việc bận rộn, anh Ân vẫn luôn sắp xếp và dành thời gian tập luyện mỗi ngày.
Với anh, thể thao chính là hơi thở, thói quen đời thường anh đã duy trì bấy lâu nay. Mỗi ngày, anh thức dậy từ 6:00, dạy yoga lúc 6:30, một tuần làm việc ở công ty 5 ngày, buổi chiều tùy theo lịch làm việc anh sẽ chạy bộ, đạp xe hoặc tiếp tục dạy yoga.
Nhớ lại cơ duyên đến với thể thao, anh kể đó là thời điểm mới đi làm, sẵn trong phòng có tấm thảm vậy là anh đã bị “dụ” từ người sếp của mình. “Nên duyên từ đó đến nay tôi khó thể nào quên, yoga là môn đầu tiên tôi học lỏm từ sếp, hai chị em thấy sẵn có đồ tập hết rồi nên rủ nhau tập chung cho vui. Môn thứ hai là chạy bộ, cũng là do chị sếp ấy mua hẳn hai vé chạy giải Dalat Ultra Trail 21km năm 2018. Có vé thế là chạy thôi, thời ấy cũng liều lắm mặc dù chưa tập tành gì nhiều”, anh cười nói.
Tính đến nay, anh Ân đã thử sức qua nhiều bộ môn khác nhau ngoài yoga và chạy bộ như leo núi, đạp xe, múa cột, chèo SUP, trekking, boxing… Với anh Ân, mỗi môn thể thao đều có những đặc trưng riêng và đem đến lợi ích cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
“Sau ngần ấy tiếng làm việc ở văn phòng, cơ thể chúng ta cần có thời gian để vận động và tái tạo năng lượng. Nếu người khác dành thời gian cho những cuộc vui hoặc công việc khác thì tôi dành trọn cho thể thao. Đơn giản như chỉ cần xỏ giày chạy vài cây số, tập yoga, đạp xe hoặc thậm chí có thể đi bộ, tôi nghĩ vận động nào cũng tốt vì nó giúp cơ thể sản xuất ra hormone hạnh phúc mà”, anh nhấn mạnh.
“Thể thao không phân biệt giới tính”
Đó là lời chia sẻ của anh Ân khi thử sức ở bộ môn múa cột vốn nhiều người nghĩ chỉ dành cho phái nữ. Anh cho biết mình đã và đang tập luyện múa cột để duy trì sự dẻo dai cũng như hiểu hơn về cơ thể, từng chuyển động của mình trong từng động tác.
“Bất kể môn chơi nào cũng có thử thách nhưng quan trọng nhất vẫn là thách thức ta dám bắt đầu hay không. Nếu có bắt đầu thì mới biết mình có thích, có hợp. Ngày xưa, tôi mê múa cột lắm nhưng ngại và sợ, mãi đến năm ngoái mới dám bám tay lên cột và cảm giác đầu tiên là hân hoan lạ kỳ. Tôi nghĩ múa cột không phân biệt giới tính và thể thao cũng vậy”, anh nhấn mạnh.
Anh Ân dành lời khuyên cho những ai muốn bắt đầu môn chơi nào đó hãy bỏ qua tâm lý ngại ngần, chỉ khi bắt tay vào thử, tìm được niềm vui trong thể thao, đó mới chính là động lực giúp mỗi người đến phòng tập và duy trì nó thành lối sống thực thụ.
Một kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia giải chạy, anh Ân bồi hồi kể: “Trong quá trình tập luyện tổng hợp các môn, tôi chưa gặp vấn đề nặng nhưng chấn thương nhẹ thì nhiều vô kể. Mấy năm trước trong giải chạy 70km ở Đà Lạt vào tháng sáu trời mưa tầm tã, tôi chạy và bị cuốn xuống dòng suối nho nhỏ, anh bạn đi cùng thấy vậy kéo tôi lên và chạy tiếp. Hay có lần đang múa cột, tôi bị té từ trên cột xuống đất cao hơn hai mét, bị trẹo ngón chân, rồi sau đó tôi vẫn tập lại bình thường”.
Theo anh Ân, bất kể ai đến với vận động quan trọng nhất vẫn là suy nghĩ và tinh thần của mình, phải làm sao vượt qua tâm lý sợ chấn thương và suy nghĩ bỏ cuộc, nhất là khi tham gia những đường chạy, đạp xe dài. “Khi đang hoàn thành chặng đua mà gặp sự cố, cảm giác chán nản, mệt mỏi, trách móc bản thân và hàng tá cảm xúc khác ùa về cùng một lúc cũng dễ quật ngã ta như chơi”, anh nói.
Hơn cả rèn luyện sức khỏe, anh Ân bộc bạch thể thao đã giúp anh tìm thấy chính mình trong đó một cách đời thường nhất. Anh khám phá, rèn luyện, học hỏi và sống chậm hơn nhịp thường nhật trong từng bài tập, vạch đích vì lắng nghe từng bước chân nhịp thở của mình.
Trong tương lai, anh Ân sẽ tiếp tục tham gia nhiều giải chạy marathon để hoàn thành chặng đường mình muốn khám phá và học thêm bộ môn nhảy bungee.
Hiện tại anh Ân đã có bằng master yoga 200h, anh sẽ cố gắng lấy bằng 500h ngay trong năm nay. Ngoài ra, anh Ân cũng thực hiện một dự án trích tiền dạy yoga để ủng hộ cho trẻ em vùng cao có bữa ăn trưa dinh dưỡng và hy vọng có cơ hội làm triển lãm chủ đề “Yoga và cảnh đẹp Việt Nam – Nơi tôi đi qua” để ghi lại những cảnh sắc tuyệt đẹp của Việt Nam qua lăng kính của một người theo đuổi yoga.
An Phú
Ngưỡng mộ đam mê bất tận của bạn quá