Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Giám tuyển nghệ thuật: Hấp dẫn, mới mẻ và đầy thách thức

(SGTT) - Việc nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby’s tổ chức 2 cuộc triển lãm trong 2 năm liên tiếp tại TPHCM, với sự kiện mới nhất diễn ra giữa tháng 8-2023, và đặt văn phòng tại Việt Nam đã thu hút sự chú ý của những người yêu thích hội họa. Bên cạnh những câu chuyện hậu kỳ hấp dẫn để sản xuất một triển lãm theo chuẩn bảo tàng quốc tế, công chúng cũng dành sự chú ý đến một lĩnh vực khá mới mẻ tại thị trường trong nước – giám tuyển nghệ thuật.

Khan hiếm nhân lực chuyên nghiệp

Ông Ngô Kim Khôi là nhà nghiên cứu độc lập về hội họa Việt Nam, chia sẻ trước đây không có từ “giám tuyển”, thuật ngữ này chỉ xuất hiện rộng rãi vài năm trở lại đây từ khi nghệ sĩ thị giác, dịch giả và nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Như Huy là người đầu tiên dịch thuật ngữ “curator” sang tiếng Việt. Cho đến nay, vai trò “giám tuyển” vẫn mang tính chất tương đối chứ chưa bao quát và mô tả đích xác vị trí, công việc chuyên môn của một curator thực thụ đảm nhận. Chúng ta vẫn hình dung giám tuyển là người tuyển chọn, sắp xếp tác phẩm hội họa trong các triển lãm.

Tuy nhiên, “curator” không đơn thuần là người giám sát, tuyển lựa tác phẩm, chọn lọc nghệ sĩ để tham gia sự kiện nghệ thuật, mà còn là người phát hiện những tài năng mới, đóng vai trò cầu nối giữa nghệ sĩ với nhau, cũng như giữa nghệ sĩ và công chúng. Họ thậm chí là người đề nghị, dìu dắt, tạo dựng cũng như khởi xướng một trào lưu nghệ thuật mới. Đôi khi người giám tuyển còn ảnh hưởng đến tầm vóc thị trường nghệ thuật trong Việt Nam cũng như ngoài quốc tế, ông Kim Khôi nhấn mạnh.

Ace Lê, giám tuyển và nhà nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam, Giám đốc Điều hành đầu tiên của Sotheby’s cho thị trường Việt Nam, giám tuyển chuỗi triển lãm tiên phong “Hồn Xưa Bến Lạ” và “Mộng Viễn Đông” nhìn nhận nếu như cách đây chỉ khoảng 5-7 năm, số lượng giám tuyển có chuyên môn hành nghề tại Việt Nam gần như có thể đếm trên đầu ngón tay, thì hiện nay đã nở rộ hơn nhiều. Tuy nhiên, đây là một chức danh có chuyên môn đặc thù, cần cả lý thuyết nền lẫn kinh nghiệm thực tế, nên đội ngũ chuyên gia hội tụ cả hai yếu tố này không nhiều.

Giám tuyển Ace Le trong triển lãm tranh “Mộng Viễn Đông”. Ảnh: NVCC

Đồng tình với quan điểm trên, chị Lê Thuận Uyên, nhà giám tuyển và hiện đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nghệ thuật tại Trung tâm Nghệ thuật The Outpost (Hà Nội) cho rằng công việc này còn lạ lẫm ở Việt Nam và cũng chưa có nhiều người dành toàn bộ thời gian để thực hành giám tuyển. “Thực ra nhiệm vụ giám tuyển cho một kì triển lãm hay một dự án nghệ thuật có thể được thực hiện bởi chính thành viên trong dự án đó hay do chính nghệ sĩ đảm nhiệm. Cái “khan” ở đây có lẽ là những người thực hành giám tuyển toàn thời gian, chuyên tâm đào sâu vào tính chất, khám phá khả năng của công việc này”, chị nói.

Theo quan sát từ chị Thuận Uyên, các giám tuyển thường phải đảm đương thêm nhiều hạng mục công việc vốn có thể chia sẻ với những vị trí khác. Tuy nhiên nguồn lực hạn chế nên giám tuyển thường được kì vọng sẽ đảm nhiệm luôn những việc này. Điều đó cũng gia tăng áp lực công việc đi kèm với bài toán đãi ngộ sao cho phù hợp.

Rèn luyện, đào tạo nghề từ môi trường thực tế

Hiện tại, ở Việt Nam chưa có cơ sở nào đào tạo một cách chính thức về ngành giám tuyển. Tuy nhiên, với lý thuyết nền là lịch sử hoặc phê bình nghệ thuật, các bạn trẻ có thể bắt đầu từ những khóa học như vậy ở các trường đại học mỹ thuật. Sau đó, họ cần thật nhiều kinh nghiệm thực hành.

Ông Ngô Kim Khôi chỉ ra các giám tuyển hiện nay đều xuất thân từ “trường đời”, từ kinh nghiệm do nhiều năm làm nghiên cứu mỹ thuật. Một số ít người được đào tạo từ trường lớp nước ngoài, như Ace Lê tốt nghiệp thạc sĩ về nghiên cứu bảo tàng và giám tuyển nghệ thuật, thạc sĩ về báo chí và truyền thông tại Nanyang Technological University, Singapore. Do chưa có trường lớp đào tạo chính thống, cũng không có tên trong danh mục nghề nghiệp, công việc giám tuyển nghệ thuật hiện nay ở Việt Nam thường phát triển theo cách tự phát và không chuyên.

Nhà nghiên cứu độc lập về hội họa Việt Nam ông Ngô Kim Khôi. Ảnh: NVCC

Những người thực hành và yêu thích nghệ thuật xa gần đều còn bỡ ngỡ, mông lung trong sự nhận biết về vai trò đích thực của giám tuyển. “Tôi mong muốn, trong chiều hướng phát triển mỹ thuật hiện nay đang trên đường thịnh vượng, hy vọng chúng ta có những cơ sở đào tạo chuyên sâu trong ngành nghề “giám tuyển” để giúp cho không gian mỹ thuật ngày càng nở rộ và thăng hoa”, ông nói thêm.

Ace Le đánh giá khái niệm “giám tuyển” đến nay đã tương đối phổ biến, và gần như triển lãm nào cũng phải có một “giám tuyển” đứng sau. Tuy nhiên, đã phần công chúng vẫn chỉ lờ mờ hiểu được một thứ quyền lực vô hình được gán cho danh xưng “giám tuyển”, chứ chưa nhiều người thực sự hiểu được trọng trách đích xác và kỹ năng cần thiết để làm tốt công việc này. “Điều đó dẫn tới việc nhiều người đang sử dụng danh xưng này một cách vô tội vạ. Không phải cứ đứng ra tổ chức một triển lãm là đương nhiên gọi mình là giám tuyển. Nghề nào cũng cần 10.000 tiếng đồng hồ trau dồi lý thuyết và kỹ năng nền trước khi có được một danh xưng chính thức”, anh bộc bạch.

Triển lãm “Mộng Viễn Đông” diễn ra vào tháng 8 vừa qua. Ảnh: Hoàng An

Theo nữ giám tuyển Thuận Uyên, hạn chế lớn nhất với cá nhân chị là môi trường để cọ xát, thực hành một cách bền bỉ. Khi khối tư nhân và nhà nước của các nước bạn như Indonesia, Thái Lan đã làm được từ lâu việc phối hợp tổ chức liên hoan nghệ thuật quốc tế, đầu tư vào các không gian cho nghệ thuật đương đại, mở thêm các trường đại học và quỹ sáng tạo độc lập, chúng ta có vẻ vẫn đang lần mò những bước đi đầu tiên. Trong độ hai mươi năm qua, có nhiều cá nhân đã nỗ lực và thành công phần nào trong việc củng cố nền móng này, nhưng trên diện rộng thì hạ tầng nghệ thuật vẫn chưa được phát triển rốt ráo, chị bày tỏ.

Trong thực tế, vì tính chất đa dạng và linh hoạt của công việc này mà đôi khi các giám tuyển không nhất thiết cần một loại bằng cấp cụ thể. Họ có thể phát triển thực hành của mình từ nhiều xuất phát điểm ngành học. Nghề giám tuyển (trên toàn thế giới) cũng không phải quá mới nhưng so với các khoa nghiên cứu khác (chẳng hạn như lịch sử mỹ thuật hay nghiên cứu văn học) thì vẫn khá “non trẻ”. Các môn học giới thiệu, nghiên cứu về công việc giám tuyển không chỉ nằm trong khuôn khổ giảng dạy của các trường đại học nghệ thuật mà còn được tích hợp vào các khoá học về khoa học xã hội – nhân văn nói chung, chị Thuận Uyên chỉ ra.

Cụ thể trường Đại học Hoa Sen (dù không có môn giám tuyển nhưng có tiết học giới thiệu công việc này trong môn “Cảm thụ nghệ thuật”) hay trường Đại học Fulbright Vietnam. Song hành cùng giáo trình đào tạo của các trường đại học, các quỹ văn hoá, tổ chức nghệ thuật cũng dần dần kiến tạo nhiều mô hình phát triển thực hành giám tuyển riêng.

Hoàng An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối