Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Gian bếp cung cấp nhiều kỹ năng sống cho trẻ

(SGTT) - Ngoài học chữ thì kỹ năng sống là một trong những việc quan trọng mà trẻ cần được rèn luyện từ nhỏ. Bởi điều này có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển tâm lý của trẻ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kỹ năng sống là những kỹ năng tâm lý xã hội và giao tiếp mà mỗi cá nhân cần có để tương tác với người khác hoặc ứng phó với những thách thức trong cuộc sống hằng ngày một cách hiệu quả nhất. Chính vì vậy mà ngay từ giai đoạn mầm non, trẻ cần được trang bị kỹ năng sống để hình thành nền tảng cho sự phát triển toàn diện về sau.

Trang bị kỹ năng theo từng lứa tuổi

Ở lứa tuổi mầm non, các kỹ năng mà trẻ cần có là tự ăn, tự làm vệ sinh cá nhân, chào hỏi, sắp xếp đồ đạc, giao tiếp, tự tin, tự bảo vệ bản thân… Đến lứa tuổi tiểu học, trẻ cần có thêm các kỹ năng như dọn dẹp nhà cửa, góc học tập, gấp quần áo, bơi lội, nấu ăn, giúp đỡ và sẻ chia, kỹ năng quản lý cảm xúc, phát triển cá nhân...

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ.

Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, kỹ năng sống rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của trẻ. Những kỹ năng học được, tích lũy qua thời gian sẽ giúp trẻ tự chăm sóc bản thân, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc người khác, tăng khả năng thích nghi với môi trường sống…

Những kỹ năng này, theo chuyên gia tâm lý Minh Huệ, rất cần được hướng dẫn cho trẻ ở mọi môi trường, từ gia đình tới nhà trường, xã hội; từ đơn giản đến phức tạp. Trong đó, môi trường nào cũng quan trọng mà đặc biệt, gia đình được xem là chiếc nôi đầu tiên.

“Trong môi trường gia đình, để rèn luyện kỹ năng cho trẻ, cha mẹ, ông bà, người thân nên hướng dẫn, hỗ trợ; lớn hơn thì giao việc và phối hợp; tin tưởng và không làm thay cho trẻ” - Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ

Đối với các thế hệ trước mà gần nhất là thế hệ 8X đời đầu - như cách gọi những người sinh năm từ 1980 đến năm 1987, việc nhặt rau, rửa bát, vào bếp nấu nướng hầu như luôn được bà và mẹ hướng dẫn từ khi bắt đầu vào tiểu học (sáu tuổi) và trẻ sẽ thành thạo khi học lớp hai, lớp ba (bảy hoặc tám tuổi). Trong khi đó, với thế hệ 9X, 10X ngày nay, công việc này dường như khá khó khăn, nhất là với trẻ em sinh ra và lớn lên ở các thành phố lớn.
Trên thực tế, kỹ năng làm bếp được xếp vào một trong những kỹ năng quan trọng giúp trẻ sáng tạo trong học tập cũng như trong cuộc sống. Và hiện nay, kỹ năng này không chỉ cần được rèn luyện cho các bé gái mà các bé trai cũng nên được tiếp cận, học hỏi.

Muốn trẻ tự lập, hãy để trẻ vào bếp

Chuyên gia tâm lý Minh Huệ cho rằng, kỹ năng làm bếp từ đơn giản như lặt rau, vo gạo… đến phức tạp hơn như nấu cơm, luộc trứng, kho thịt, nấu canh… sẽ giúp trẻ biết cách nhận diện thực phẩm, lựa chọn thực phẩm tươi ngon, giúp trẻ có khả năng sử dụng dao kéo, bếp… cũng như tăng khả năng kết hợp các nguyên liệu, tạo món ăn phù hợp cho từng lứa tuổi, đối tượng.

Tham gia những sân chơi ẩm thực phù hợp lứa tuổi là một trong những cách giúp trẻ thêm yêu gian bếp.

Khi thành thạo, nhuần nhuyễn hơn, kỹ năng làm bếp sẽ giúp trẻ có sự sáng tạo trong cách trình bày món ăn; biết chăm sóc sức khỏe bản thân, ăn uống điều độ, không phụ thuộc vào thức ăn nhanh, thức ăn gọi sẵn và tiến tới việc biết chăm sóc, quan tâm đến người khác. Đặc biệt, kỹ năng này sẽ giúp trẻ dễ dàng thích nghi với cuộc sống mới và tự lập. Điều này có ý nghĩa quan trọng, bởi trong thời đại hiện nay, việc trẻ đi du học, sống xa gia đình không còn xa lạ. Kỹ năng này sẽ giúp trẻ tự lập, tự lo được cho bản thân, giảm bớt nỗi lo của cha mẹ.

Theo một số tài liệu, những sự trải nghiệm như đếm cà rốt, đong nguyên liệu và tuân theo những công thức nấu nướng sẽ dạy trẻ về thế giới toán học thực tế và có thể giúp trẻ hiểu được những khái niệm toán học trừu tượng hay việc đọc các công thức nấu ăn giúp trẻ luyện tập và học cách đọc.

Ngoài ra, việc vào bếp còn giúp mối quan hệ cha mẹ và trẻ em trở nên gần gũi và gắn kết hơn. Các chuyên gia cho biết, thời gian trò chuyện trong lúc làm bếp sẽ giúp các tế bào thần kinh phản chiếu hoạt động, trẻ sẽ quan sát những gì cha mẹ làm và lưu lại trong trí nhớ những hành động, cảm xúc đó. Trẻ đồng thời sẽ có nhiều trải nghiệm về giác quan khi sờ tay vào rau, sờ vào bánh, gạo, thậm chí vào dầu mỡ. Những sự trải nghiệm này sẽ ghi dấu những kỷ niệm tuổi thơ trong tâm trí của trẻ. Và rất có thể nhiều năm sau này, khi lớn lên, trong ký ức của trẻ vẫn nhớ hình ảnh, không gian bình yên hôm ấy ở gian bếp, nhớ hình ảnh cha mẹ, nhớ cái nhìn âu yếm, nhớ mùi hành, mùi ngò, nhớ cảm giác trơn tuột ở đôi tay khi sờ vào dầu, mỡ…

Một số kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi những đứa trẻ tham gia vào các công việc gia đình bắt đầu từ khi lên ba tuổi, trẻ sẽ có nhiều khả năng để hoàn thành tốt công việc học hành hơn, có nghề nghiệp thành công hơn và có những mối quan hệ xã hội tốt hơn.

Đặc biệt, tham gia vào quá trình nấu nướng từ bé và thưởng thức sản phẩm sau đó sẽ khuyến khích trẻ ăn và thưởng thức nhiều loại thực phẩm khác nhau, khơi gợi sự thèm ăn trong trẻ, giúp trẻ hạn chế việc kén ăn, lười ăn.

Nhật Linh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối