Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Gian lận cước taxi: Vì sao suốt 20 năm vẫn loay hoay?

Các vụ gian lận bằng cách kích đồng hồ tính cước taxi (taximet) đang nóng trên báo chí và mạng xã hội trong tuần qua vẫn dùng kỹ thuật kích xung điện đã có từ hơn 20 năm trước. Điều này cũng cho thấy, dường như không có biện pháp bảo vệ taximet nào mới được áp dụng trong hai thập niên qua.
Khách đi taxi ở sân bay. Hình minh họa. Ảnh: Minh Hoàng.

Theo báo Tuổi Trẻ, hôm 19-6, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TPHCM kiểm tra và phát hiện hai xe taxi hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất dùng công tắc phụ để kích taximet nhảy số, nâng giá cước lên gấp 10 lần thực tế.

Qua thông tin từ báo chí có thể thấy “công nghệ” được sử dụng trong vụ gian lận cước taxi bị “bắt tận tay, day tận trán” trong tuần qua không có gì mới. Đây vẫn là cách đã được giới tài xế taxi dùng từ hàng chục năm trước, trong đó có những vụ được phát hiện từ năm 2003, tức cách đây tròn 20 năm.

Việc kích taximet đơn giản là gắn một mạch điện có nút nhấn để mỗi lần bấm là truyền xung điện đến đồng hồ. Chỉ cần dùng dây nối từ mạch điện này vào dây điện của đồng hồ thì cứ mỗi lần bấm là số tiền cước nhảy lên theo mức được cài đặt sẵn, trước đây là 1.000 đồng còn trong vụ mới phát hiện gần đây là 3.000 đồng.

Như vậy có thể thấy rằng, việc gian lận cước taxi không có gì là ghê gớm mà đơn giản đến mức thô thiển. Vậy mà suốt hàng chục năm qua, taxi gian lận cước vẫn có đất sống, thỉnh thoảng lại lòi ra một số vụ bị phát hiện(*).

Trên phương diện pháp luật, taximet là thiết bị điện tử được quản lý chặt chẽ, phải kiểm định định kỳ theo quy chuẩn phương tiện đo nhóm 2 được quản lý theo các quy định trong Thông tư 07/2019/TT-BKHCN ban hành năm 2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Thông tư này quy định, đối với phương tiện đo nhóm 2, kể từ ngày 1-1-2020, taximet phải được kiểm định ban đầu, kiểm định định kỳ theo chu kỳ 18 tháng một lần, kiểm định sau sửa chữa.

Ngoài ra, khi có yêu cầu thay đổi giá cước thì cơ sở kinh doanh vận tải phải đưa xe taxi đến tổ chức kiểm định để thực hiện điều chỉnh taximet chứ không được tự ý gỡ niêm phong kẹp chì để cài đặt lại giá mới. Việc kiểm định taximet thực hiện bởi tổ chức được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định kiểm định.

Với một loạt quy định chặt chẽ như vậy, không rõ tại sao các xe taxi can thiệp taximet lại không bị phát hiện. Cũng từ hàng chục năm trước, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường 3 đã cảnh báo tình trạng nhiều xe taxi khi đưa vào kiểm định định kỳ thì taximet đã bị mất niêm chì và tem kiểm định. Điều này cho thấy nhiều xe taxi đã cố tình điều chỉnh đồng hồ tính cước sau khi được kiểm định để gian lận tiền cước hành khách(**).

Muốn chống gian lận cước bằng cách kích xung điện thì phải bảo vệ được taximet không bị can thiệp bằng nhiều cách. Cách thủ công thì có thể bọc toàn bộ dây của taximet bằng vỏ bọc không có phép đấu nối.

Cách hiện đại hơn là thiết kế mạch bảo vệ gắn trong taximet, khi có bất cứ hành vi can thiệp nào như đấu nối, kích xung bị ghi nhận thì mạch bảo vệ sẽ tự ngắt taximet không cho hoạt động đồng thời gửi tín hiệu báo động về công ty taxi hay ghi vào “hộp đen” của taximet. Việc thiết kế một mạch bảo vệ như vậy hoàn toàn nằm trong khả năng các công ty điện tử trong nước, không có gì khó khăn.

Trong khi chờ đợi có thêm biện pháp bảo vệ taximet, các công ty taxi, đơn vị kiểm định và cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp siết chặt việc kiểm tra taximet, bao gồm cả kiểm tra đột xuất, để phát hiện các xe có dấu hiệu đã bị can thiệp taximet và kịp thời ngăn chặn.

Mục Nhĩ

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối