Ngọc Hùng
Sau khi mất khá nhiều thời gian và tiền bạc, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cuối cùng cũng đã đòi lại được thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ở thị trường Trung Quốc. Quay sang thị trường Mỹ, hiệp hội lại phát hiện ra thương hiệu này đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc khác đăng ký quyền sở hữu tại đó.
Được chỗ này, mất chỗ kia
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết hiệp hội vừa đòi lại được thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, vốn đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký thương hiệu tại thị trường Bỉ, Luxembourg, Đức, Thái Lan, Hà Lan và Belarus. Hiện thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được cấp giấy bảo hộ thương hiệu ở một số nước châu Âu, song hiệp hội vẫn đang xúc tiến thủ tục đăng ký thương hiệu tại các quốc gia thành viên EU để làm cơ sở cho hạt cà phê vùng Tây Nguyên xuất khẩu sang các thị trường này.
Không chỉ đăng ký ở EU, hiệp hội quay sang đăng ký ở thị trường Mỹ thì mới phát hiện ra mình đã chậm chân hơn, vì đã có một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại đây.
Ông Minh cho biết, hiện hiệp hội đang nhờ luật sư tư vấn các bước cần thiết để đòi lại thương hiệu. “Chúng tôi đang nhờ phía luật sư tư vấn nên chọn cách nào để lấy lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ở Mỹ, bằng cách mua lại hay kiện ra tòa”, ông Minh cho biết.
Có lại không dùng
Lâu nay, các doanh nghiệp Việt Nam thường đăng ký thương hiệu một sản phẩm nào đó dựa trên chỉ dẫn địa lý như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, rượu Phú Lễ, bưởi Đoan Hùng... Theo trang baohothuonghieu.com, chỉ dẫn địa lý là tên gọi (địa danh) và uy tín, danh tiếng của sản phẩm đạt đến mức đặc thù gắn liền với vùng đó. Chỉ dẫn như vậy được gọi là “tên gọi xuất xứ hàng hóa”. Do đó, trên bao bì hàng hóa hay giấy tờ giao dịch liên quan tới việc mua bán hàng hóa phải thể hiện rõ những yếu tố này.
Trên thực tế, thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột là một tên gọi xuất xứ hàng hóa, nên không chỉ một mà nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn Buôn Ma Thuột vẫn có thể sử dụng tên gọi này trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Minh cho biết hiện Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã cấp thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột cho 10 doanh nghiệp sử dụng. Chỉ có điều, cho đến nay mới chỉ có một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê dưới tên thương hiệu này, còn chín doanh nghiệp kia không có những động thái nào cả.
Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cũng cho biết, lâu nay các doanh nghiệp bán cà phê nhân cho đối tác rang xay nước ngoài. Sau đó, họ sẽ pha chế thành những sản phẩm cà phê mang thương hiệu của họ, có chăng là ghi trên bao bì sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Điều này phần nào giải thích lý do các doanh nghiệp chưa mặn mà ghi chỉ dẫn địa lý trên thương hiệu cà phê của mình.
[box type="bio"] Ông Trần Văn Hải, Chủ nhiệm bộ môn Sở hữu trí tuệ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cho biết những doanh nghiệp đang xuất khẩu hoặc định hướng xuất khẩu nên tham khảo các nguyên tắc bảo hộ độc lập của Công ước Paris, Thỏa ước Madrid và nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid. Cụ thể, nếu muốn xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ sang nước nào thì đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước đó. Nếu doanh nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì sử dụng Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa. Còn trường hợp doanh nghiệp đã nộp đơn nhưng chưa được cục cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì sử dụng nghị định thư liên quan Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa.[/box]