Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Gian nan nghề kinh doanh sách

Nguyễn Huy -

Nhìn những hoạt động sôi nổi của thị trường sách, nhiều người nghĩ rằng kinh doanh sách đang đem lại lợi nhuận béo bở, nhưng thực tế không phải vậy.

Tồn tại nhờ tình yêu sách

Sau 10 năm hoạt động, Chibook đã trở thành thương hiệu quen thuộc đối với độc giả yêu thích văn học ngôn tình Trung Quốc và fantasy (văn học kỳ ảo) phương Tây. Từ một cơ sở nhỏ, đơn vị này đã thuê một toà nhà 5 tầng rộng lớn tại quận 7 làm văn phòng và nhà kho. Thời gian tồn tại lâu dài và vẻ bề thế của cơ sở vật chất của Chibook dễ khiến người ngoài nghề nhận định rằng lợi tức ngành kinh doanh sách rất lớn. Thực tế, bức tranh kinh doanh sách không mấy lạc quan.

“Để tồn tại với nghề làm sách, cần có tình yêu sách vô bờ bến. Nếu ai đó chỉ làm vì tiền, không sớm thì muộn cũng phải bỏ nghề vì thực tế ngành này không đem lại lợi nhuận hấp dẫn. Đối với riêng Chibook, chúng tôi cũng đang gặp những thách thức lớn như tỷ lệ người đọc sách giấy giảm, vi phạm bản quyền, công nợ…”, bà Nguyễn Lệ Chi, người sáng lập Chibook chia sẻ.

Các đơn vị thường xuất bản hồi ký, tự truyện của những nhân vật nổi tiếng nhằm thu hút độc giả. Trong ảnh, nhạc sĩ Trần Tiến trong buổi kỷ niệm 20 năm tập sách All Time Most Favourite English Song Book 1997 của First News - Trí Việt.

Các năm gần đây, Công ty Fahasa khai trương trung bình hai nhà sách mới mỗi năm trong phạm vi toàn quốc. Đầu năm 2018, Phương Nam Book khai trương Thành phố sách châu Âu quy mô 1.000 m2 tại TPHCM, cũng là thành phố sách thứ ba của đơn vị này. Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, năm đường sách hoạt động sôi nổi tại Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ và Vũng Tàu. Những tưởng ngành kinh doanh sách đang đem lại lợi nhuận béo bở, nhưng thực tế, các đơn vị này đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn và lợi nhuận thu về lại không đến từ việc bán sách.

Theo các đơn vị kinh doanh sách, các nhà sách thường bán thêm nhiều mặt hàng khác nhau từ quà tặng, văn phòng phẩm đến café, nước uống... Chính nguồn thu này mới giúp nhà sách tồn tại. Còn tiền bán sách chỉ là con số “tượng trưng”.

Ngoài các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có số lượng phát hành đến hàng chục nghìn bản, sách văn học của các tác giả khác chỉ nằm ở mức vài nghìn quyển. 

“Con số khiêm tốn này không thể tạo doanh thu lớn cho việc bán sách. Đó là chưa kể đến sách chuyên ngành, sách dạy kỹ năng, vốn chỉ có tỷ lệ tiêu thụ ngang bằng, thậm chí yếu hơn thể loại văn học”, đại diện một nhà xuất bản nói.

Các thành viên câu lạc bộ Sách Sài Gòn trong một buổi họp mặt.

Tìm mọi cách tồn tại

Ngoài các vấn đề về doanh thu bán sách, người làm sách còn phải đương đầu với vấn nạn in lậu. Công ty First News - Trí Việt có thế mạnh về các loại sách học làm người. Đây là thể loại có lượng độc giả ổn định nhưng cũng thường bị in lậu. Để giữ lấy thị phần, mỗi năm đơn vị này phải đầu tư hàng tỉ đồng mua bản quyền và mất nhiều công sức truy tìm thủ phạm.

Nhằm thu hút độc giả, First News - Trí Việt còn lên kế hoạch xuất bản hồi ký, tự truyện của những nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng đến công chúng như nhạc sỹ Trần Tiến, ca sỹ Ái Vân… Đồng thời, đơn vị này làm truyền thông và tổ chức sự kiện cho các đối tác thuộc lĩnh vực giáo dục và kinh tế. Hoạt động này tạo nguồn thu đáng kể, giúp việc xuất bản sách duy trì ổn định.

Một số đơn vị khác thì chọn giải pháp làm dịch vụ cho các tác giả. Cụ thể, các đơn vị này chịu trách nhiệm biên tập và xin giấy phép xuất bản sách cho những người có nhu cầu ra sách. Phần chi phí dịch vụ in ấn, quảng bá và phát hành đều do phía tác giả cuốn sách chi trả. 

Để đối phó với khó khăn, một số đơn vị đã cùng thành lập câu lạc bộ Sách Sài Gòn nhằm hỗ trợ, chia sẻ, động viên nhau. Sau ba năm hoạt động, những hỗ trợ về pháp lý, tìm kiếm thị trường…đã được thực hiện, giúp các đơn vị làm sách vượt qua nhiều chướng ngại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối