Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Gian nan tạo thói quen đọc sách mỗi ngày

(SGTT) - Mỗi dịp có ngày hội về sách, chẳng hạn Ngày sách Việt Nam (21-4) và Ngày sách thế giới (23-4) vừa qua, người ta lại nhắc nhau đọc sách nhiều hơn. Có thể nói tạo thói quen đọc sách mỗi ngày là một việc vừa dễ lại vừa khó.

Khách hàng chọn mua sách tại một ngày hội sách ở TPHCM. Ảnh Đ.N.

Sách nhiều nhưng chẳng đọc bao nhiêu

Trong hoạt động kỷ niệm 5 năm thực hiện Ngày sách Việt Nam tại Hà Nội do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, một con số được đưa ra: 5 năm qua ngành xuất bản cung cấp 1,9 tỉ bản sách và trung bình mỗi người Việt được hưởng thụ 4,2 bản sách/năm. Theo thống kê từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong những năm gần đây, mỗi năm có rất nhiều hội thảo, hội thi về sách trên cả nước; tổ chức hơn 60 hội sách; các đơn vị ban ngành và tổ chức cộng đồng cũng đã xây dựng hàng chục ngàn tủ sách cho các trường học, cơ sở văn hoá tại nhiều vùng miền.

Việc tiếp cận sách đã trở nên dễ dàng. Chỉ cần bước ra nhà sách – cả cũ và mới – chọn cuốn mình cần, đặt sách qua trang thương mại điện tử và chọn dịch vụ giao hàng nhanh hoặc miễn phí vận chuyển, “săn” sách cũ trên những trang mạng, Facebook... Rồi việc mua sách từ các trang web nước ngoài, đọc sách trên e-book đã phổ biến và tiện lợi hơn nhiều.

Thế nhưng, số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cách đây 5 năm cho thấy mỗi năm một người Việt Nam đọc chưa tới một cuốn sách. Có nhiều ý kiến trên các diễn đàn mạng lại cho rằng chất lượng, nội dung nhiều đầu sách chưa cuốn hút; sách chưa đến được những nơi xa xôi; giá bán khá cao; thậm chí là những lý do cá nhân như cuộc sống bận rộn không có thời gian dành cho việc đọc sách. Có ý kiến khác cho rằng tác dụng của việc đọc sách khá mông lung, không nhìn thấy ngay hiệu quả, thà là tham gia một khoá học cụ thể để có ngay kiến thức mình cần.

Mỗi ngày đọc một chút

Đọc sách là quá trình tích luỹ kiến thức, vốn từ, bồi dưỡng những suy niệm lâu dài. Nói về việc dành thời gian đọc sách, Nhan Chân Khanh, một nhà thư pháp đời Đường, viết trong tác phẩm “Cần học” (Cần cù học tập):

“Tam canh đăng hỏa ngũ canh kê,
Chính thị nam nhi độc thư thời.
Hắc phát bất tri cần học tảo,
Bạch thủ phương hối độc thư trì”.
(Canh ba lên đèn canh năm gà gáy,
Chính là lúc nam nhi đọc sách.
Khi tóc xanh không biết dậy sớm cần cù đọc sách,
Tới khi bạc đầu hối hận thì đọc sách cũng đã muộn).

Ngày xưa, người trí thức thường nghe tiếng gà gáy sáng sẽ trở dậy đọc sách. “Kê song” (kê: gà; song: song cửa) cũng chính là để chỉ thư phòng, nơi làm việc cũng là vì vậy. Ngày nay, đối với môi trường sống hiện đại, việc dậy sớm đọc sách – khi đầu óc đã được nghỉ ngơi, tỉnh táo sau một đêm say giấc – là việc dễ dàng làm được. Chẳng hạn, thay vì 7 giờ thức dậy, chúng ta có thể dậy sớm một tiếng đọc cuốn sách yêu thích. Việc đọc không quan trọng số lượng trang sách đọc được, mà là bản thân người đọc thẩm thấu được bao nhiêu từ những dòng chữ đó.

Chị Thuỳ Dung, chủ trang Ngày Ngày Viết Chữ, chuyên lý giải nguồn gốc của từ và giải nghĩa tiếng Việt, cho biết việc tập thói quen đọc sách mỗi ngày không khó như nhiều người vẫn nghĩ. “Đọc sách giúp tôi rất nhiều trong quản lý, xây dựng nội dung của trang và trong cuộc sống. Tôi thường đem theo sách bên người, lúc rảnh rỗi thay vì chúi đầu vào điện thoại thì sẽ lấy sách ra đọc. Mỗi ngày đọc một ít, không phải để cho hết quyển sách mà là vì bản thân muốn theo dõi nội dung của sách”, chị nói.

Theo chị Dung, khi đọc sách cũng là lúc trang bị cho bản thân những cung bậc cảm xúc. Chẳng hạn như sách văn chương, thông qua câu chuyện buồn vui sầu khổ của nhân vật, bản thân người đọc sẽ chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng trong cuộc sống. “Nếu bạn là người chăm đọc sách, cơ hội để bạn chuẩn bị cho những va vấp ở đời sẽ cao hơn, bạn có cách hành xử văn minh và lạc quan hơn”, chị cho biết.

Nếu chưa thật sự có hứng thú với sách, mỗi người có thể bắt đầu bằng việc đọc loại sách thuộc lĩnh vực mình yêu thích: kinh doanh, hội hoạ, văn chương, chính trị… Việc đọc sẽ thú vị hơn nếu người đọc chia sẻ nội dung mình đọc được với bạn bè, người thân, mạng xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể tham gia các hội nhóm về sách, theo dõi các trang liên quan đến sách như Trạm Đọc, Bookaholic, Câu lạc bộ Book & Friends, Sách chuyền tay, các kênh sách nói trên Youtube.

Nếu e ngại chi phí cho việc mua sách, mọi người có thể tìm đọc sách ở thư viện thành phố, thư viện ở địa phương với phí làm thẻ rất rẻ. Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TPHCM) có dịch vụ cho mượn sách miễn phí trong một tuần ở khu vực mô hình “xe buýt sách”. Nhã Nam thư quán (Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận) cũng có cho mượn sách về nhà có tính phí.

Ngọc Khánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối