Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Giáo dục kỹ thuật số được chú ý

Vân Oanh-Ngọc Ánh - 

Đại học Quốc gia Hà Nội vào tuần qua đã ký kết với trường Đại học RMIT Việt Nam một biên bản ghi nhớ hợp tác về nghiên cứu và đào tạo. Theo đó, trong năm năm tới cả hai bên sẽ cùng nhau phát triển các hoạt động giáo dục kỹ thuật số.

Trong vài năm gần đây, “Edtech” – một khái niệm mới, tạm dịch là giáo dục kỹ thuật số – đang dần trở nên quen thuộc tại Đông Nam Á. Đẩy mạnh việc ứng dụng kỹ thuật số vào hoạt động giáo dục đã trở thành giải pháp giúp các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp và thiếu giáo trình tài liệu mang tính thực tế. Và ở Việt Nam, giáo dục kỹ thuật số đang trở thành một xu hướng.

Chuyển động mới trong ngành

vieclam-daotao-2Robot trong tương lai sẽ được ứng dụng nhiều trong hoạt động giảng dạy và học tập ở Việt Nam.  Ảnh: Vân Oanh

Trong vòng hai năm trở lại đây, ngành giáo dục đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho các viện, trường các cấp, tập trung vào các nội dung như Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy, tiếp cận với tài liệu giảng dạy và học tập hiện đại, tư vấn hướng nghiệp… theo cấu trúc giúp người học có thêm nhiều trải nghiệm và được bổ sung thêm nhiều kỹ năng mới.

Trên thực tế, sự phát triển vượt bậc của công nghệ đã đem đến giải pháp tối ưu và hiệu quả cho cả việc dạy và học. Vào năm ngoái, Microsoft đã công bố kết quả cuộc khảo sát tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương về vai trò của công nghệ trong quá trình cải tiến phương pháp sư phạm. Theo đó, 95% số chuyên gia giáo dục tham gia cuộc nghiên cứu thừa nhận vai trò quan trọng của công nghệ. Ngoài ra, 100% đồng thuận việc công nghệ sẽ có vai trò chủ chốt trong việc chuyển đổi ngành giáo dục và truyền cảm hứng cho học viên trong tương lai với ba ưu thế: nâng cao hiệu quả giảng dạy; nâng cao trải nghiệm học tập và nâng cao tần suất tương tác với học sinh. Có 57% các chuyên gia mong muốn cá nhân hóa việc học và dạy; 53% mong muốn có các lớp học thực tế kiểu nhập vai, thú vị và ít khô khan hơn và 46% chờ đợi việc cung cấp dịch vụ tự động và thông minh hơn để hỗ trợ cho công tác giảng dạy.

Trong biên bản ghi nhớ giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và trường Đại học RMIT Việt Nam được ký kết hôm 26-4 vừa qua, hai bên đã xác định các dự án hợp tác sẽ tập trung vào hoạt động nghiên cứu, trao đổi chuyên môn, giảng dạy và tổ chức các buổi hội thảo học thuật có liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giáo dục và đào tạo. Giáo sư Gael McDonald, Hiệu trưởng trường Đại học RMIT Việt Nam, kỳ vọng các dự án hợp tác sẽ giúp tạo ra giá trị học thuật và cộng hưởng mới cho học viên của cả hai trường.

Trước đó, vào giữa tháng 4, trong buổi làm việc tại hai trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và Đại học Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nói đến mục tiêu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng công nghệ và ứng dụng. Theo ông, đào tạo theo hướng ứng dụng là một hướng đi đúng đắn của các trường, và cần chú ý vào những ngành mà xã hội đang cần để tập trung đào tạo.

Ngoài việc chương trình đào tạo của nhà trường phải được thiết kế theo cách tiếp cận CDIO (khung chuẩn giúp xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên) nhằm giúp sinh viên sau khi ra trường có thể tìm kiếm được việc làm phù hợp, hoạt động giảng dạy cần có tính năng động và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề cập đến việc đội ngũ giáo viên dạy nghề cần được nâng cao kiến thức và kỹ năng, nhằm đáp ứng yêu cầu, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đặc biệt, việc đào tạo cần đáp ứng yêu cầu khi chương trình giáo dục phổ thông sắp tới đổi mới theo hướng tăng thời lượng giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng, hướng nghiệp và các môn công nghệ kỹ thuật cho học sinh.

Đưa công nghệ hiện đại vào giảng dạy

Trong tháng 4 vừa qua, Công ty Five9 đã ký kết bản hợp tác cùng bốn trường đại học để chuyển giao cho giảng viên và sinh viên kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và điện toán biết nhận thức của Tập đoàn IBM. Ông Nguyễn Trọng Huấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Five9, cho biết chương trình đào tạo này nhằm xây dựng đội ngũ nhân sự, cộng đồng công nghệ chuyên sâu về công nghệ điện toán biết nhận thức Ở Việt Nam. Qua đó, góp phần chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao giá trị gia tăng và làm chủ công nghệ của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.

Bốn trường đại học mà Five9 hợp tác gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Khoa Công nghệ thông tin (Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia), Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Học viện Bưu chính Viễn thông), và Viện Công nghệ thông tin (Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự).

Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, cho hay trong khoảng 10 năm trở lại đây ngành công nghệ thông tin trong nước có sự phát triển khá mạnh mẽ, nhiều công nghệ tiên tiến đã được  ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Chính vì vậy, mô hình hợp tác giữa IBM, Five9 và các trường đại học là một giải pháp giúp các sinh viên giỏi có điều kiện nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tạo ra các ứng dụng phục vụ cuộc sống.

Các giải pháp công nghệ điện toán biết nhận thức của Five9 có được từ giao diện lập trình Watson API sẽ được cung cấp trên nền tảng IBM Bluemix, một công nghệ điện toán đám mây lai (hybrid cloud) mới nhất của hãng IBM. Theo IBM, điện toán biết nhận thức có khả năng làm thay đổi hoàn toàn phương thức tương tác giữa con người và hệ thống thông tin. Trong đó, hệ thống thông minh sẽ mô phỏng những năng lực của bộ não con người nhằm góp phần giải quyết những vấn đề phức tạp của xã hội.

Trước đó, từ giữa năm 2016, trường Đại học RMIT Việt Nam đã đưa công nghệ tương tác thực tế ảo Augmented Reality (AR) vào chương trình giảng dạy. Theo Giảng viên Ondris Pui của Khoa Truyền thông và Thiết kế, các sinh viên đã dùng ứng dụng Augment (Pháp) để tạo ra nội dung cho môn học kéo dài sáu tuần về tương tác thực tế trong môn học truyền thông số. Việc thể hiện ý tưởng trong môi trường hoạt hình 3D với chữ và âm thanh cũng giúp việc thiết kế trở nên thú vị hơn với sinh viên.

Augmented Reality (AR) là công nghệ cho phép con người quan sát những vật trong thế giới thật thông qua một thiết bị điện tử nào đó. Khi đó, ngoài những gì mắt thường ta nhìn thấy, thiết bị điện tử còn cho ta biết những thông tin khác liên quan đến vật đang được quan sát. Với công nghệ AR, thiết bị di động có thể biết người dùng đang ở đâu và hiển thị thông tin về những gì họ nhìn thấy trước mắt. Trên thế giới, công nghệ này đang được ứng dụng nhiều trong ngành du lịch, giáo dục và y tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối