Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Giáo dục thể chất bao gồm cả giáo dục về ăn uống

Tôi có đọc được từ một tài liệu của Viện Tâm lý Việt Pháp về “mô hình nâng cao sức khỏe (health promotion) trong trường học tại các nước châu Âu”. Tác giả đưa ra các yếu tố nâng cao sức khỏe học đường bao gồm: các nội quy phải lành mạnh và được thể hiện rõ ràng trong các văn bản; các hoạt động được thiết kế phải nhắm tới nâng cao sức khỏe và hạnh phúc; cơ sở vật chất và môi trường xã hội trong trường học phải hấp dẫn và thân thiện; sự hợp tác tốt giữa nhà trường và phụ huynh, giữa nhà trường và các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh…

Học sinh tham gia Ngày chạy vì sức khỏe toàn dân tại TPHCM. Ảnh: THÀNH HOA

Tuy nhiên, một yếu tố trong số đó khiến cho tôi đặc biệt quan tâm, đó là nâng cao sức khỏe học đường thông qua chương trình giảng dạy và các hoạt động phát triển kiến thức, kỹ năng, cho phép học sinh xây dựng năng lực và thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe, hạnh phúc, cũng như đạt các thành tích tốt trong học tập.

Ví dụ như việc nhà trường hướng tới chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất hàng ngày, phát triển các kỹ năng xã hội và hiểu biết về sức khỏe cho học sinh.

Từ đây, tôi nhận ra nội dung chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường ở nước ta vẫn chủ yếu là rèn luyện kỹ năng vận động, phát triển thể lực và những phương pháp phòng tránh chấn thương trong hoạt động. Chính vì thế mà có vẻ như học sinh các cấp chỉ đơn thuần học về kỹ thuật chơi một số môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, điền kinh… và được hướng dẫn rèn luyện kiểu như rèn vận động viên thể thao.

Điều này cũng không có gì sai nhưng như đề xuất trong tài liệu vừa nêu, giáo dục thể chất còn bao gồm cả giáo dục ăn uống lành mạnh và cả phát triển những kỹ năng xã hội. Đây cũng là vấn đề có tính chiến lược trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Ở một khía cạnh khác, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% số ca tử vong. Còn theo thống kê từ bệnh viện, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành trong độ tuổi 16-65 chiếm 25%, tức cứ 4 người thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp. Điều này phần nào cho thấy tình trạng không mấy lạc quan của sức khỏe cộng đồng. Liệu nó có liên quan chút nào với hệ quả của giáo dục thể chất?

Có thể thấy rất nhiều người mù mờ về nguyên nhân của bệnh tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, hay bệnh đái tháo đường. Họ không kiểm soát được các chỉ số đường huyết, mỡ máu trong cơ thể, cho đến lúc thấy triệu chứng của bệnh mới tìm đến thầy thuốc thì có khi đã trễ. Trong khi đó, chỉ cần biết cách ăn uống lành mạnh đã là một cách phòng ngừa khá hiệu quả.

Nhưng điều này, chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường chưa đề cập đến, đặc biệt là giữa một đời sống với ma hồn trận những loại thực phẩm mà người dùng rất vô tư đưa vào cơ thể. Hàng ngày, học sinh của chúng ta vẫn vô tư với trà sữa, bánh tráng trộn, nhiều loại thức ăn nhanh… mà không hề quan tâm trong đó chứa những chất gì, có tác động ra sao với cơ thể.

Nhà trường cũng không có chỉ dẫn, trong khi nhiều phụ huynh thì thiếu kiến thức… Chính vì không có một chế độ ăn uống đúng và lành mạnh nên lâu ngày dài tháng, các chỉ số về mỡ máu, men gan, đường huyết… vượt quá mức cho phép mà sinh bệnh.

Việc cải thiện, nâng cao sức khỏe trong trường học hẳn là vấn đề mà xã hội luôn quan tâm và ủng hộ. Trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất (kể cả về chính sách), thiết nghĩ trước mắt, ngành giáo dục nên bổ sung vào chương trình giáo dục thể chất những kiến thức về y học thường thức, về chăm sóc sức khỏe, từ cách ăn uống, ngủ nghỉ, đến cách sinh hoạt vui chơi giải trí…; thiết kế những hoạt động nhằm nâng cao sức khỏe và hạnh phúc cho học sinh.

Đặc biệt, các nhà trường cần hạn chế những nội quy cứng nhắc, những quy định khắt khe một cách không cần thiết, như phải mang giày dép thế nào, hay bắt buộc phải xách cặp chứ không được đeo ba lô…

Lê Quang Vũ

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối