(SGTT) - Tham quan, trải nghiệm ở vườn quốc gia, khu bảo tồn là một hình thức giáo dục thực tiễn, giúp trẻ được gần gũi với thiên nhiên và nâng cao nhận thức về giá trị của rừng. Từ nhiều năm qua, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã trở thành điểm đến giáo dục môi trường cho nhiều trường học, trung tâm giáo dục ở địa phương và cả nước.
- Vườn Quốc gia Côn Đảo đón rùa mẹ đẻ trứng sớm
- Vườn Quốc gia Côn Đảo thu gom 30 mét khối rác thải đại dương ở bãi Bàng
Sáng ngày 27-1, Vườn Quốc gia Côn Đảo thuộc thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn đã đón 48 em học sinh của một trung tâm Anh ngữ ở địa phương đến tìm hiểu về sinh thái, đa dạng sinh học. Trong chuyến tham quan, các em đã được các hướng dẫn viên của vườn giới thiệu về hệ sinh thái rừng, các loại động vật quý hiếm đang sinh sống tại đây. Ngoài ra các em còn hướng dẫn về việc phân loại rác, tham gia các trò chơi nhóm...
Những chuyến về rừng là cơ hội để học sinh được tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên, các loài động vật hoang dã... Từ đó, giúp trẻ em nâng cao nhận thức về giá trị của rừng, trẻ em sẽ hiểu được rằng rừng không chỉ là nơi cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, mà còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, điều hòa khí hậu... Đồng thời tạo cho trẻ không gian để phát triển các kỹ năng sống quan trọng như kỹ năng quan sát, kỹ năng ghi nhớ, kỹ năng làm việc nhóm.
Vườn Quốc gia Côn Đảo là một trong 34 vườn quốc gia của Việt Nam. Đây là nơi có tiềm năng đa dạng sinh học cao với hơn 1.000 loài thực vật, trong đó có 18 loài quý hiếm có tên trong sách đỏ và có khoảng 160 loài động vật, trong số này có 35 loài quý hiếm.
Thanh Ngọc
“Dấu ấn xanh qua từng điểm đến” là chương trình giới thiệu các điểm đến xanh, các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần bảo tồn và gìn giữ văn hóa bản địa, tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương của các thành viên thuộc mạng lưới Sáng kiến Điểm đến An toàn.