Sự hoang phí, thiếu trách nhiệm với của cải thuộc sở hữu bản thân và người khác có thể có nguyên nhân từ sự thiếu giáo dục về quản lý tiền bạc từ nhỏ.
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, giao tiền bạc cho con từ sớm, chúng sẽ hư. Nhưng ít người hiểu rằng nên giao đồng tiền cho con cái như thế nào, để làm gì, hướng đứa trẻ đến những mục tiêu giáo dục ra sao.
Ngày trước, không ít cha mẹ dạy con quản lý và tiết kiệm tiền bạc qua hình thức mua về nhà một chú lợn và bày cho con cách dành giụm những khoản tiền người khác cho để thực hiện một kế hoạch mua sắm hay chi cho một việc gì đó chính đáng. Lũ trẻ vui vẻ vì chúng thấy một phần kết quả tích lũy chi cho một việc chính đáng. Mặc dù về bản chất, hầu hết những số tiền tích lũy “bỏ ống” đó là do người lớn cho, tặng, nhưng lũ trẻ vui vẻ vì đã được tham gia một phần vào việc gom góp tiền của để thực hiện những dự tính nhỏ.
Ở trường ngày trước cũng có những hình thức “tự quản” giúp bọn trẻ có thể lập nên quỹ lớp, chi tiêu vào các khoản mua sắm trong lớp, thăm bạn bè đau ốm hay trang trí lớp học, liên hoan lớp… Qua đó, học trò có thể ngồi lại với nhau để bàn tính chi tiêu tiền bạc sao cho hợp lý.
Thông qua những hình thức “tự tổ chức” chi tiêu tiền bạc như vậy mà nhiều trẻ em đã sớm trưởng thành trong việc sắp xếp, tính toán, biết tự lo liệu trong đời sống.
Nhưng ngược lại, ngày nay, các hình thức “giáo dục kinh tế” như thế xem ra không được nhiều phụ huynh coi trọng. Nguyên do chính có thể là do bận rộn làm ăn, do tư duy “bao cấp” đơn giản dẫn tới việc bọn trẻ hoặc ngơ ngác với tiền bạc, hoặc đòi gì được đó. Khi mọi khoản chi tiêu học hành giải trí đều được cha mẹ quản lý và xử lý, nên chúng chẳng có cơ hội để đụng chạm, tính toán xử lý chuyện tiền nong. Những đứa trẻ như thế sẽ bị thiệt thòi vì khả năng tự quyết, tự lập không được rèn luyện bài bản.
Warren Buffett, một trong 50 tỉ phú hàng đầu của thế giới vừa tiết lộ trên tờ Bubblews rằng, từ 6 tuổi, ông đã từng có những “phi vụ làm ăn” như đi bán Coca, bán báo và kẹo cao su. Ông không than trách người cha của mình đã “thảy con ra đường” sớm, mà ngược lại, coi người cha như một vị anh hùng, một thần tượng. “Cha tôi đã dạy tôi những bài học về quản lý tiền bạc và những bài học đó có ảnh hưởng tới sự nghiệp, cuộc đời tôi về sau này”, tỉ phú Warren Buffett nói.
Nhất thiết phải dạy cho bọn trẻ kỹ năng kiểm soát tiền bạc, tài sản từ khi còn nhỏ, ngoài ra việc kinh doanh phải được giáo dục khi đứa trẻ ở tuổi mầm non. Quan điểm đó của ông tỉ phú 84 tuổi không dễ tìm được sự chia sẻ với nhiều người, đặc biệt là những phụ huynh ở xã hội phương Đông, thường chăm sóc con theo phương thức “bao cấp toàn phần” ít ra cho đến 18 tuổi.
“Sẽ muộn khi con cái bạn đến tuổi thiếu niên mới nói với chúng bài học về quản lý tiền bạc” – vị tỉ phú nói – “cần hình thành thói quen tốt về ứng xử với tiền bạc khi con người ta còn nhỏ”.
Nếu con trẻ quản lý được đồng tiền nhỏ, chủ động và hành xử đúng mực với chúng, thì đó là tín hiệu đáng mừng. Gần đây, trên báo xuất hiện một số mô hình kinh doanh của những bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên. Sự ủng hộ của cộng đồng với những hình thức “khởi nghiệp” này là rất cần thiết, để tạo nguồn cảm hứng cho những người trẻ mạnh dạn thực hiện những “phi vụ” làm ăn từ rất sớm.
Báo chí đã nói quá nhiều về một “thế hệ bơ sữa, thế hệ dựa dẫm”. Cần thay đổi cách nhìn bi quan về người trẻ từ trong mỗi gia đình, ngay trong những bài học nhỏ về sự chủ động, quản lý, hành xử với tiền bạc, tài sản nói chung.
Rõ ràng, tài sản mà người cha Warren Buffett để lại cho con không phải là một đống tài sản sẵn có, mà là cung cấp nhận thức quản lý của cải, sự tiết kiệm và nguồn cảm hứng kinh doanh từ thuở thiếu thời.
Huệ Nghi