Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Gieo những mầm xanh

(SGTT) - Năm hết tết đến, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết một năm. Mọi người thường giật mình thảng thốt: sắp đến tết rồi đấy! Nhà bao việc! Hay là ca cẩm vui rằng đang yên đang lành, tự nhiên… tết! Còn tôi, nghe tới từ “tết" là lòng lại rộn lên nỗi vui, dù tôi có bao nhiêu tuổi đi nữa, dù tôi đã ăn mấy chục cái tết trên đời, thì nỗi nôn nao mong chờ tết vẫn còn đó. Vì tết, là một dịp để tôi dừng lại.

Dừng lại vòng xe hối hả chen lấn trên đường.
Dừng lại những công việc lúc nào cũng chồng chất.
Dừng lại những cuộc hẹn hò.
Dừng lại những bữa cơm hàng cháo chợ…
Để xôn xao chuẩn bị cho một mùa sum vầy.

Từ hai tháng trước tết, mẹ con tôi đã bàn tán về tết. Con gái háo hức hỏi: “Tết này nhà ngoại có cây gì để cho con tưới hả mẹ?”. Lần nào về quê ăn tết, cô gái nhỏ cũng xí phần tưới cây. Đó là những hàng vạn thọ ông ngoại gieo từ tháng 10 âm lịch; hay là luống rau muống bà ngoại giâm cành vừa lên lún phún. Cũng có khi là đám mười giờ tươi hơn hớn trong nắng sớm khi được cô nhỏ cầm bình tưới rào rào. Cô gái bé nhỏ ấy đang mong chờ tết đến để được… tưới cây.

Còn tôi, chuẩn bị tết là… săn lùng thực phẩm sạch để cả đại gia đình dùng trong những ngày tụ họp. Phải săn lùng vì thực phẩm sạch bây giờ là phải “đãi cát tìm vàng”. Những bữa cơm thành phố trong gia đình nhỏ được ngon và lành, tôi luôn phải tìm những nguồn thịt cá, rau củ quả sạch để nấu. Vì thế, trong đại gia đình, tôi cũng được mặc định là “chuyên gia” về thực phẩm sạch cần thiết cho mấy ngày tết. Tết đã bắt đầu sớm như vậy đó.

Mà chuyện ăn uống xanh sạch ấy, đâu chỉ có vào dịp tết. Hằng ngày bữa ăn gia đình luôn cần một người nội trợ biết tính toán và có kiến thức để tìm được nguyên liệu sạch cho bữa ăn an lành của gia đình. Rồi bỗng chợt nghĩ, hà cớ gì phải chờ đến tết mới tạo không gian và cảm giác thoải mái cho cơ thể mình? Một cơ thể hoạt động quanh năm suốt tháng mà chỉ cho nó nghỉ ngơi vào dịp cuối năm thì có gì đó phản khoa học và… có lỗi với bản thân quá chớ.

Nghĩ vậy, tôi liền đứng dậy, cùng rủ con “chơi đồ hàng", làm một “ly sinh tố màu cam” cho con, “một ly sinh tố màu xanh” cho mẹ. Rồi mang ghế ra ban công ngồi bên chiếc bàn nhỏ tự thưởng khoảnh khắc bình yên khi nhấm nháp chút thảnh thơi đầu ngày.
Một chút tĩnh lặng cho mình để an yên, lắng đọng, có khó gì đâu… Ừ thì chẳng khó gì đâu, nếu chỉ cho riêng mình, riêng gia đình mình. Nhưng mỗi người, mỗi gia đình đang ở trong một môi trường sống chung ngoài kia. Những bụi mịn, thức ăn bẩn, sông cạn, núi mòn... Tất cả đều đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mọi người. Mỗi người có thể làm gì được để xoa dịu tổn thương của mẹ thiên nhiên và cứu lấy nguồn sống của chính mình?

Một người, vài người không thể trong một sớm một chiều là thay đổi được tình hình hiện tại. Nhưng nếu từ chối ống hút nhựa, đi chợ bằng giỏ thay vì xách cả chục túi ni lông về nhà, giảm bớt “đồ dùng một lần” – làm những việc nho nhỏ trong tầm tay ấy – là chúng ta đã góp phần vào việc cứu lấy môi trường. Như con gái tôi đang hào hứng đưa cho mẹ ly sinh tố màu cam và nói: “Mẹ dùng muỗng ăn sinh tố nha, nhà mình không có ống hút đâu. Mẹ nói ống hút nhựa là gánh nặng của môi trường mà!”

Có thể con chưa hiểu hết cái gọi là “gánh nặng” ấy đâu. Nhưng con biết trân quý và sợ làm đau mặt đất và bầu trời, không khí mà mình đang sống trong đó. Mỗi đứa trẻ cần được phổ cập kiến thức ấy, quan trọng đâu kém gì những bài toán, bài văn và cũng đâu có khó khăn để truyền đạt như môn học xác suất thống kê mà người ta đang định cho học sinh học từ lớp Hai. Những việc đó không khó. Nếu mỗi người đều giảm dùng đồ nhựa, mỗi đứa trẻ sinh ra đều được cha mẹ dạy yêu quý từng cái cây nhỏ, thì đó là phúc phần của thế giới này.

Không phải chỉ đến tết người ta mới có nhu cầu thực phẩm sạch. Không phải chỉ đến tết mới có thời gian tưới cây. Đó là những việc hằng ngày không thể thiếu như từng hơi thở. Nhưng chỉ đến tết, có dịp quây quần cùng gia đình, người thân, có khoảng trống để nghỉ ngơi, người ta mới… có thời gian để nhìn ngắm xung quanh mình, để cảm nhận không khí mình đang hít thở. Và mới giật mình nhận ra những điều mà lâu nay vòng xe cuộc sống cứ mãi cuốn đi, khiến ta không kịp nhận ra mình đang ăn gì, uống gì và khí mình đang thở có mùi gì khác lạ.

Cuối ngày, mẹ từ quê gọi điện thoại bảo rằng năm nay mấy bụi chuối nhà mình trổ lá nhiều lắm. Ba mẹ sẽ dùng để gói bánh tét và chia cho cô hàng xóm để cô gói xôi bán cho khách, thay vì đựng bằng túi ni lông. Chỉ vậy thôi mà nghe như tết đã tràn về. Tôi sẽ dừng lại những cuộc hẹn hò để về quê ăn tết.

Trương Huỳnh Như Trân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối