Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Giúp dân địa phương kiếm tiền từ du lịch sinh thái – cách bảo tồn thiên nhiên ở Areng

(SGTTO) - Du lịch nội địa Campuchia đang dần phát triển trở lại, đem tới thu nhập cần thiết cho người dân địa phương tại thung lũng Areng, tỉnh Koh Kong. Những người dân này có thể quay lại với việc phá rừng khai hoang nếu lâm vào cảnh đói nghèo tuyệt vọng.

Cắm trại ở Areng.
Điểm đến sinh thái hàng đầu

Đến với thung lũng Areng, du khách có thể tham quan những cánh rừng với những cây cổ thụ to lớn và khám phá hệ sinh thái đa dạng. Nơi đây là ngôi nhà của nhiều loài động vật, trong đó có những loài bị săn bắt đến gần như tuyệt chủng ở nhiều nơi khác tại Campuchia như gấu chó, voi, cá sấu... Tiếng vượn kêu đã không còn là âm thanh xa lạ đối với những người đi bộ địa hình (trekker) hoặc người cắm trại ở đây.

Đến với thung lũng Areng, du khách có thể tham quan những cánh rừng với những cây cổ thụ to lớn và khám phá hệ sinh thái đa dạng.

Leo lên con dốc tạo thành vành đai phía Bắc của thung lũng và bước ra khỏi khu rừng ẩm ướt, đứng trên những bờ đá lộ thiên, du khách sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Areng.

Bên cạnh đó, du khách cũng sẽ không muốn bỏ lỡ cơ hội cắm trại bên thác Chhay Tapang. Tại đây, du khách sẽ được hòa mình vào không gian hoang sơ của núi rừng và thác nước.

Thung lũng Areng là một trong những điểm đến sinh thái hàng đầu tại đất nước chùa tháp.

Bạn sẽ không tìm thấy bất cứ thứ gì bị can thiệp bởi bàn tay của con người, trừ những con thuyền nhỏ đơn sơ bằng gỗ và một tấm bảng yêu cầu du khách không làm ảnh hưởng tới môi trường sống của những con cá sấu quý hiếm tại đây.

Kiếm tiền từ việc bảo tồn

Tương tự các nhà sư ở Thái Lan, những nhà sư Campuchia đã buộc những chiếc áo choàng màu cam quanh những thân cây lớn nhằm bảo vệ cánh rừng còn sót lại của tỉnh Koh Kong – cách thủ đô Phnom Penh năm đến bảy giờ đi xe về phía Tây. Tuy nhiên, số lượng cây được bảo vệ này không là gì so với con số 1,6 triệu ha rừng đã bị đốn hạ từ năm 2001 của Campuchia.

Hướng dẫn viên Rin Rith và người dân địa phương ở sông Areng.

Một trong những giải pháp để hạn chế việc khai thác tài nguyên rừng, bảo vệ hệ động thực vật tại Campuchia chính là xây dựng loại hình du lịch sinh thái hiệu quả, để người dân nhận thấy việc tạo ra giá trị đồng tiền từ việc bảo tồn thay vì khai thác thiên nhiên.

Anh Rin Rith, một hướng dẫn viên địa phương, cho biết bản thân đã từng là người săn bán các loại động thực vật trong rừng Cardamom rộng lớn – khu rừng bao phủ cả một vùng Tây Nam Campuchia, trong đó có thung lũng Areng. Tuy nhiên, kể từ năm 2016, anh đã trở thành một hướng dẫn viên bản địa để hướng dẫn du khách phương xa.

Cuộc sống của người dân Areng thay đổi theo chiều hướng lạc quan khi tìm hiểu về chủ nghĩa môi trường và thực hiện du lịch sinh thái.

Trước đây, một kế hoạch xây dựng đập thủy điện tại Areng từng được đề xuất. Việc này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các tổ chức phi chính phủ và người dân địa phương. Theo đó, nếu đập thủy điện được xây dựng, cả thung lũng sẽ ngập trong nước, người dân bản địa sẽ phải di chuyển rất xa để sinh sống và những loài động vật quý hiếm tại đây sẽ không còn nơi trú ẩn.

Năm 2014, tổ chức phi chính phủ Mother Nature Cambodia đã bắt đầu một chiến dịch chống lại việc xây dựng con đập và bảo vệ môi trường với nhiều cư dân trẻ tham gia. Họ xây dựng rào cản, biểu tình công khai đồng thời nhận được sự giúp đỡ đưa tin từ truyền thông quốc tế.

Cuối cùng, dự án xây dựng này bị hủy bỏ. Thay vì để thung lũng ngập trong nước, chính phủ đã phát triển cơ sở hạ tầng tại đây. Một con đường đã được mở, lưới điện đã được kéo và ba trường học đang xây dựng.

Bảng hướng dẫn bằng ba thứ tiếng ở Areng.

Với sự hỗ trợ của Liên minh Động vật hoang dã (NOD Wildlife Alliance), năm 2016, Trung tâm Du lịch sinh thái cộng đồng (CBET) tại Areng được thành lập. Ly Tith, giám đốc trung tâm, cho biết: “Cuộc sống của 1.000 người tại đây thay đổi theo chiều hướng lạc quan khi tìm hiểu về chủ nghĩa môi trường và thực hiện du lịch sinh thái. Họ hiểu rằng thiên nhiên là thứ mà con người có thể tận hưởng và phải bảo vệ thay vì phá hủy vì những lợi ích trước mắt”.

Bên cạnh thiên nhiên xinh đẹp, con đường mới cho phép xe máy di chuyển dễ dàng hơn cùng tháp di động Metfone mang 4G đến với Areng đã góp phần thu hút nhiều khách du lịch đến thung lũng. Tuy nhiên, Tith cũng cảnh báo: “Nếu không còn khách du lịch, người dân địa phương sẽ nhanh chóng thay đổi suy nghĩ và quay lại với việc khai thác rừng”.

Phục hồi hậu Covid-19

Campuchia đã đóng cửa biên giới từ tháng 3 để phòng chống dịch Covid-19. Dưới những tác động kinh tế của dịch bệnh, hướng dẫn viên Rin Rith đã coi việc làm nông như một kế sinh nhai trong thời gian qua. Những chuyến bay quốc tế vẫn chưa được mở lại nhưng những nỗi sợ về virus tại đây đã giảm bớt khi Campuchia chưa ghi nhận ca tử vong. Du lịch nội địa tại đất nước này đang rục rịch trở lại.

Vẻ đẹp của thung lũng Areng còn nằm ở những thác nước.

Giám đốc Ly Tith của Trung tâm Du lịch sinh thái cộng đồng thì không chắc nguyên nhân chính xác của việc số lượng khách du lịch trong nước tăng là vì đóng cửa biên giới hay nhu cầu khám phá đất nước của chính người dân Campuchia ngày càng tăng. Nhưng nhìn chung, việc du lịch nội địa phát triển đã đem lại nguồn thu nhập cần thiết đối với nơi đây.

Một số du khách Campuchia vẫn yêu cầu được ăn thử thịt động vật hoang dã. Điều này ảnh hưởng đến những nỗ lực bảo vệ thiên nhiên. Trong khi đó, những du khách quốc tế thường có xu hướng yêu cầu thiết bị có chất lượng cao hơn và nhiều dịch vụ hơn. “Dĩ nhiên, những du khách nước ngoài thường trả tiền nhiều và ở lại lâu hơn để thử nhiều hoạt động. Bên cạnh đó, họ cũng chia sẻ những kiến thức về môi trường và tái chế. Sẽ thật thuyệt nếu lượng khách trong và ngoài nước tương đương nhau”, Tith nói.

Kể từ khi có lệnh cấm bay quốc tế, ít nhất 45.000 người làm trong lĩnh vực du lịch tại Campuchia đã lâm vào cảnh thất nghiệp. Vì vậy, mong muốn này của Tith sẽ còn khá lâu để có thể thành hiện thực, kể cả ở Areng hay ở bất cứ khu vực nào khác.

Hiện tại, giới trẻ tại Campuchia – những người dần quan tâm hơn đến các chuyển thám hiểm cuối tuần – đang là nguồn thu nhập cho người dân ở thung lũng Areng. Tuy nhiên, Tith và những người đồng nghiệp cũng đã sẵn sàng để giới thiệu vẻ đẹp của nơi đây với nhiều du khách hơn ngay khi đất nước mở cửa sau đại dịch Covid-19.

Thuý An

Theo South China Morning Post

“Hành trình nối những miền xanh” là chuỗi nội dung về du lịch xanh, do Sài Gòn Tiếp Thị Online thực hiện nhằm khuyến khích, vinh danh những địa điểm, ý tưởng làm du lịch có đóng góp trở lại cho môi trường, tạo cơ hội cho du khách gần gũi thiên nhiên. Nếu có ý tưởng hoặc muốn cộng tác liên quan nội dung này, mời bạn gửi về email: toasoan@sgtiepthi.vn hoặc nhắn tin trên fanpage: facebook.com/sgtiepthi.vn, hoặc tham gia giao lưu trên group facebook Thích du lịch Xanh. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối