Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Giúp việc gia đình: Nghề chưa được quan tâm đúng mức

Thùy Dung-

Nhu cầu thuê lao động giúp việc gia đình trong nước cũng như quốc tế là rất lớn. Nhưng hiện nay hệ thống đào tạo cũng như việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của lao động giúp việc gia đình vẫn còn bỏ ngỏ.

Giupviec2-Phần-lớn-lao-động-giúp-việc-gia-đình-không-được-đào-tạo-bài-bản.-Ảnh-Đỗ-PhươngPhần lớn lao động giúp việc gia đình không được đào tạo bài bản. Ảnh: Đỗ Phương

Con gà đẻ trứng vàng

Sau khi thay người giúp việc đến lần thứ ba, chị Đỗ Thị Mai Hương, nhân viên kinh doanh của một công ty tại Hà Nội, cho biết đã chán với cảnh thuê giúp việc và giờ phải tự mình chăm con lẫn quán xuyến việc nhà.

Kể về câu chuyện này, chị Hương nói, cả ba lần tìm người giúp việc chị đều nhờ bạn bè giới thiệu. Nhưng có lẽ do không được đào tạo nên họ vụng về, không hoàn thành công việc theo ý chủ nhà. Chưa kể vào những lúc quá bận rộn, chị cần tập trung cho việc công ty thì người giúp việc nghỉ mà không thông báo trước. Một người giúp việc khác thì rút tiền trong ví của chị và bị phát hiện. Người thứ ba tuy tốt tính nhưng không biết chăm sóc trẻ con và quán xuyến việc nhà.

Hiện nay, nhu cầu thuê người giúp việc là rất lớn, đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM nhưng thực tế nguồn cung chất lượng còn thấp. Thị trường lao động này gần như tự phát dù đã có nhiều quy định pháp luật chi tiết điều chỉnh nghề này.

Cụ thể, giúp việc gia đình được coi là một nghề quy định trong Bộ luật Lao động và nghị định 27/2014 với nhiều quy định: giúp việc gia đình phải có hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm xã hội… Nhưng cho đến nay, hiếm có trường hợp giúp việc gia đình được ký kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội. Theo những người trong ngành, tình trạng này do thiếu cơ chế giám sát từ thanh tra các cấp và chính quyền cơ sở. Việc này đòi hỏi các cơ quan liên quan phải tăng cường giám sát việc thực thi các quy định để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Bên cạnh đó, bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD), cho biết hiện nay có hiện tượng cả người giúp việc và người sử dụng lao động không coi giúp việc gia đình là một nghề. Phía chủ sử dụng và tâm lý chung của xã hội coi đây là một nghề thấp kém. Bản thân người lao động cũng coi giúp việc là công việc tam bợ, không cần chuyên môn, chỉ làm lúc nhàn rỗi để có một khoản tiền nào đó, sau đó trở lại cuộc sống bình thường. Các bên liên quan cũng không đặt nặng việc phải có tiêu chuẩn, điều kiện đối với người giúp việc để dịch vụ tốt hơn và người giúp việc được pháp luật bảo vệ, có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động.

Không chỉ thị trường trong nước, thị trường giúp việc của người Việt ở nước ngoài hiện nay cũng còn bỏ ngỏ. Theo thống kê Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay lao động Việt Nam giúp việc gia đình tại các thị trường Đài Loan, Ả Rập, Macao… nhưng nghề này không được quy định trong pháp luật của các nước tiếp nhận nên không được pháp luật bảo vệ.

Bên cạnh đó, một bộ phận các công ty đào tạo lao động còn sơ sài, nên khi người lao động ra nước ngoài làm giúp việc không biết ngôn ngữ, văn hoá và lối sống nước ngoài. Điều này làm phát sinh mâu thuẫn trong quá trình ở chung, gây rủi ro cho người giúp việc và chủ nhà.

[box] Về phía lao động giúp việc gia đình làm việc ở nước ngoài, nơi cung ứng lao động cần đào tạo thêm kiến thức và trang bị kỹ năng cho người lao động. Đồng thời các doanh nghiệp và ban ngành khi tìm kiếm thị trường “xuất khẩu” cần quan tâm các luật liên quan để bảo vệ quyền lợi của người lao động.[/box]

Cần cơ chế bảo vệ hiệu quả

Tổ chức Lao động Quốc tế  (ILO) đã có tiêu chuẩn cho nghề giúp việc gia đình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Riêng GFCD năm 2014-2015 đã dựa trên tiêu chuẩn của ILO để xây dựng tiêu chuẩn nghề giúp việc gia đình cho Việt Nam. Chăng hạn, việc chọn thức ăn cũng có tiêu chuẩn, nấu một bữa cơm cũng có quy trình riêng.

“Tất nhiên không phải ai cũng làm theo quy trình đó. Nhưng họ phải hiểu và bố trí quy trình sao cho hợp lý với từng điều kiện gia đình, giảm bớt thời gian lao động để tái tạo sức lao động”, bà Ngọc Anh nói. Ngoài ra, việc không biết được các quy trình cơ bản sẽ tiềm ẩn rủi ro cho chính người lao động. Và từ chỗ người lao động không đáp ứng được nhu cầu của chủ sử dụng lao động, giữa hai bên sẽ có những bức xúc.

Bên cạnh đó, các bên liên quan vẫn chưa xem đây là một ngành đem lại ngoại tệ lớn, vẫn chưa có trường lớp đào tạo bài bản liên quan nghề giúp việc gia đình. Trong khi đó ở Philippines, giúp việc gia đình được coi là một trong những ngành đem lại ngoại tệ lớn cho đất nước. Lao động được đào tào tạo bài bản ở các trường lớp, gia đình truyền nghề từ đời ông bà cha mẹ cho tới con cháu và nối tiếp nhiều thế hệ.

Tại TPHCM, theo nghiên cứu của GFCD, giúp việc gia đình người Philippines có thể lái xe ô tô đưa con gia đình chủ đi học. Khi trẻ con ở nhà, họ có thể dạy học tiếng Anh, học kỹ năng sống. Họ cũng biết nấu món ăn truyền thống và các món ăn đặc sản của nhiều nước. Vì vậy, lương của họ có thể lãnh hơn 20 triệu đồng/tháng. “Tất nhiên tỷ lệ gia đình có thể trả mức lương đó cho người giúp việc Philippines ở Việt Nam chỉ khoảng 3-5% dân số. Nhưng nếu chúng ta không có biện pháp bài bản đào tạo giúp việc gia đình thì có thể giúp việc gia đình Việt Nam lại thua ngay trên sân nhà”, bà Ngọc Anh nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối