Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Gỡ vướng mắc để nhanh chóng trợ cấp hướng dẫn viên du lịch đang khó khăn vì dịch

Mấy ngày qua, có một câu chuyện tréo ngoe khiến không ít người bàn tán, đó là việc trợ cấp cho nghệ sĩ, viên chức ngành văn hóa bị thất nghiệp vì dịch Covid-19, trong đó khi tiến hành chi trợ cấp cho 99 nghệ sĩ thuộc các nhà hát tại Hà Nội thì có những nghệ sĩ thuộc hàng khá giả – những người không phải khó khăn đến mức cần đến sự “cứu trợ” này.

Giữa lúc dư luận râm ran về chuyện hỗ trợ cho nghệ sĩ nhưng chưa đúng đối tượng thì một nhóm đối tượng khác là hướng dẫn viên du lịch, với số lượng lên đến hàng chục ngàn người, lại đang rất khó khăn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ.

Các gói hỗ trợ này vốn đã được chỉ định theo tinh thần Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hướng dẫn viên du lịch (áo hồng) đang hướng dẫn du khách nước ngoài tham quan Dinh Thống Nhất, TPHCM – Ảnh: Đào Loan

Song song với việc hỗ trợ nghệ sĩ, Nghị quyết 68 và Quyết định 23 nói trên cũng thống nhất hỗ trợ hơn 27.000 hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp vì đại dịch, nhưng qua hai tháng triển khai, con số hướng dẫn viên được hỗ trợ còn quá ít.

Ngày 31-8, Tổng cục Du lịch đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với đại diện Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch và các Hội, Chi hội hướng dẫn viên du lịch của 6 tỉnh/thành phố nhằm đánh giá tình hình, bàn biện pháp tháo gỡ để các hướng dẫn viên du lịch được tiếp cận gói hỗ trợ kịp thời.

Thông tin từ cuộc họp cho thấy số hướng dẫn viên được nhận hỗ trợ của các tỉnh khá ít, như Đà nẵng khoảng 1.200 trên tổng số 4.700 hướng dẫn viên (HDV) nhận hỗ trợ, Thừa Thiên Huế: 500/2.900 HDV, TPHCM: 390/6.000 HDV, Khánh Hòa: 82/1.500 HDV; Quảng Ninh: 100/1.374, Hà Nội: 49/5.800 HDV.

Con số nhận trợ cấp chỉ chiếm tỷ lệ 10% trong tổng số hướng dẫn viên của sáu tỉnh/thành phố đang có đội ngũ hướng dẫn viên đạt gần 70% lực lượng hướng dẫn viên toàn quốc.

Lý giải các vướng mắc, khó khăn, các sở cho biết ngoài lý do giãn cách vì dịch bệnh khiến các hướng dẫn viên không thể thực hiện thủ tục thì các điều kiện để làm hồ sơ nhận trợ cấp vẫn còn gây nhiều khó khăn dù Quyết định 23 đã đơn giản hóa thủ tục.

Về điều kiện thẻ hội viên, khi Quyết định 23 được ban hành (7-7-2021), chỉ có khoảng 7.000 hội viên sinh hoạt trong 27 tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn, số lượng này chỉ chiếm 24% tổng số hướng dẫn viên cả nước. Nhiều tỉnh/thành chưa có tổ chức xã hội về hướng dẫn du lịch.

Đối với điều kiện phải có hợp đồng lao động, theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, có những vướng mắc do nhiều hợp đồng không đúng quy định, hoặc khi hướng dẫn viên đi tour về bị công ty giữ lại hợp đồng nên không còn để nộp, phải tìm công ty để xin cấp lại, trong khi hầu hết các công ty lữ hành đã đóng cửa vì dịch. Tuy các hướng dẫn viên chỉ có hợp đồng vụ việc, nhưng họ có đi tour thật, có đóng góp cho ngành; nhưng bây giờ họ không thể nhận trợ cấp được.

Những điều nói trên cho thấy các bất hợp lý của điều kiện đặt ra nhằm chứng minh hướng dẫn viên có hành nghề thực sự để tránh chi sai đối tượng.

Đại diện Sở Du lịch TPHCM cho biết nếu như các hướng dẫn viên mới ra trường được cấp thẻ và gia nhập hội thì họ sẽ được nhận tiền dễ dàng mà chưa hành nghề bao giờ. Trong khi cả chục ngàn hướng dẫn viên đi tour lâu nay bị thất nghiệp vì đại dịch lại không thể nhận trợ cấp chỉ vì họ chứng minh bằng các loại hợp đồng lao động và không được chấp nhận.

Nhiều ý kiến cũng nêu thắc mắc điều kiện có thẻ hội viên liệu có chứng minh được hướng dẫn viên đó có thực sự đã hành nghề và bị thất nghiệp hay chưa vì hội không có chức năng kinh doanh để giao tour cho hướng dẫn viên hành nghề?

Từ đó, dư luận cho rằng để tránh khó khăn vì phải chứng minh hợp  đồng, nhiều hướng dẫn viên đã chọn cách vào hội chỉ để lãnh tiền như thực trạng mà đại diện Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam đã có đề cập.

Anh Nguyễn Thế Anh, một hướng dẫn viên du lịch tự do tại Hà Nội bị thất nghiệp từ năm ngoái, cho rằng cái khó là do công ty lữ hành thu hồi hợp đồng theo tour sau khi đi tour, giờ làm sao mà kiếm công ty để sao lục lại? Kế đến, thẻ hội viên chưa đúng ý nghĩa điều kiện hành nghề vì hội không có chức năng kinh doanh lữ hành để giao tour cho hướng dẫn viên.

Tại cuộc họp nói trên, đại diện các sở du lịch tỉnh/thành đã đề xuất Tổng cục Du lịch kiến nghị Chính phủ chỉ cần có thẻ hướng dẫn viên du lịch là nhận trợ cấp. Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, con số thực tế có thẻ nhưng không đi tour thì không nhiều. Còn theo Sở Du lịch TPHCM, số hướng dẫn viên chưa hành nghề nếu có thẻ hướng dẫn viên và vào hội để nhận trợ cấp sẽ rất lớn, đến hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp vào cuối năm nay.

Theo một số cơ quan, tổ chức và cán bộ quản lý, việc xét trợ cấp dựa trên điều kiện hành nghề hướng dẫn viên du lịch là có thẻ hướng dẫn viên; ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp lữ hành hoặc với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hướng dẫn, hoặc là hội viên Hội Hướng dẫn viên du lịch. Từ đó đưa ra điều kiện xét duyệt chỉ cần đáp ứng hai quy định trên.

Tuy nhiên việc xem xét như trên đã bỏ qua một điểm của điều kiện hành nghề là hướng dẫn viên còn bắt buộc phải có văn bản phân công của doanh nghiệp lữ hành (nếu ký hợp đồng lao động) hoặc ký hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành (nếu là hội viên).

Từ đó dẫn đến việc chỉ cần thẻ hội viên là được xét trợ cấp thuận lợi hơn, không cần có hợp đồng ký với doanh nghiệp để chứng minh đã hành nghề thực tế so với hướng dẫn viên nào không phải hội viên, và hướng dẫn viên sẽ tìm cách vào hội để tránh các khó khăn chứng minh hợp đồng lao động.

Nguyễn Đức Chí (*)

Theo KTSG Online


(*)Nguyên Phó trưởng phòng quản lý lữ hành, Sở Du lịch TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối