Nguyễn Kim Oanh
Một lần ra chơi đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đúng vào mùa thu hoạch tỏi, chúng tôi được chị chủ nhà nghỉ đãi món gỏi tỏi. Mới lần đầu nghe tên món gỏi này nên ai cũng háo hức, muốn ăn thử cho biết. Chị chủ nhà nghỉ nói ví von, cách làm món gỏi tỏi này rất đơn giản cũng như chính cuộc sống đơn giản của người dân nơi đây.
Nguyên liệu chính cho món gỏi tỏi này là cây tỏi đực (không có củ). Món gỏi tỏi Lý Sơn ăn kèm với bánh tráng nướng chấm nước sốt hay nước mắm chua ngọt là ngon nhất, theo lời chị chủ nhà nghỉ hiếu khách.
Khi về lại Sài Gòn, quà mua mang về từ hòn đảo này là những ký tỏi trắng thơm cay, vỏ mỏng nhẹ, nhưng chúng tôi cũng không quên mua về nhà mấy ký tỏi đực này để làm món gỏi tỏi đãi người thân. Và cách chế biến món này cũng rất đơn giản, nhưng theo kiểu... người Sài Gòn.
Cây tỏi đực bỏ bớt phần lá xanh, cắt thân tỏi thành từng khúc, chẻ đôi hay tư tùy theo thân cây to hay nhỏ rồi đem rửa sạch. Ở Lý Sơn, người ta thường hấp hay luộc tùy theo cách làm của mỗi người, phi hành cho thơm với dầu ăn, đậu phộng rang giã nhuyễn, rau thơm, nêm thêm chút đường với bột ngọt, nước mắm ngon vào thân tỏi đã hấp hay luộc này rồi trộn đều. Vậy là xong.
Muốn thưởng thức theo khẩu vị quen thuộc, tôi đem chúng chần sơ với nước nóng cho bớt mùi hăng, sau đó nhúng với lại nước lạnh để giữ độ xanh tươi của tỏi, rồi trộn với chút nước cốt chanh đường chua ngọt, để khoảng 15 phút cho thấm. Luộc gà, cho thêm chút muối, đường, bột ngọt để khi luộc gia vị này thấm vào thịt gà sẽ ngon hơn. Sau khi gà chín tới, vớt ra để vài phút cho nguội bớt rồi xé từng miếng thịt cho vừa ăn. Trong khi chờ cho gà luộc nguội thì đem tôm luộc chín rồi lột vỏ. Nguyên liệu chuẩn bị đã xong, chỉ còn pha nước mắm cốt trộn vào gỏi.
Nước mắm cốt trộn món gỏi này cũng được giã nhuyễn từ củ tỏi Lý Sơn mang về vì chúng có mùi thơm cay dịu ngọt và không nồng như tỏi Bắc. Đem hỗn hợp gồm thân tỏi đã thấm vị chua ngọt, tôm luộc và thịt gà luộc đã xé nhỏ cho vào thau rồi rưới vào mấy muỗng nước mắm cốt, dùng đũa trộn đều, sau đó gắp ra dĩa, trang trí trên mặt dĩa gỏi là hành phi thơm vàng, rau thơm, đậu phộng giã nhuyễn, vài khoanh ớt chín đỏ, bên cạnh chén nước chấm chua ngọt đã làm sẵn. Món này người Lý Sơn ăn kèm với bánh tráng nướng xúc gỏi, còn ở Sài Gòn không có bánh tráng nướng miền Trung thì mọi người có thể ăn kèm với gỏi bằng bánh phồng tôm cũng ngon không kém.
Lúc này nhìn dĩa gỏi trông hấp dẫn với màu sắc của những nguyên liệu đi kèm trộn lẫn. Gắp miếng gỏi nhúng vào chén nước chấm chua ngọt rồi bỏ vào miệng, sẽ cảm nhận được vị giòn sần sật của tỏi, vị ngon ngọt của những miếng thịt ăn kèm, vị béo giòn rang của đậu phộng và cay cay khi ăn phải miếng ớt lẫn vào, nhấp thêm chung rượu cay nồng trong những ngày mát trời thì tuyệt.
Cây tỏi đực to khỏe, thân cây tốt xanh hơn vì chúng không trổ hoa và không tốn sức nuôi củ, gốc cây tỏi đực chỉ có rễ như hành, kiệu. Còn cây tỏi có củ độc nhất một tép gọi là “tỏi một tép”, “tỏi mồ côi” hay “tỏi cô đơn” thường được dùng để ngâm rượu. Có người nghĩ lầm đó là tỏi đực.
Món gỏi này rất được người dân trên đảo ưa thích vì chúng có tác dụng trị cảm cúm, nhức đầu trong mùa lạnh. Muốn ăn món gỏi tỏi này phải ra tận Lý Sơn mới có tỏi đực để làm, ở thành phố Quảng Ngãi cũng khó kiếm loại cây tỏi này.