Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Gọi xe qua ứng dụng: Nơi cho thử nghiệm, nơi còn chần chừ

Chí Thịnh - 

Đến thời điểm này, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Đà Nẵng chưa đồng ý triển khai thí điểm mô hình gọi xe qua ứng dụng của cả hai hãng Uber và GrabCar. Thế nhưng trên thực tế, những người có nhu cầu vẫn có thể gọi xe Uber hoặc GrabCar tại thành phố biển miền Trung này.

Chưa cho phép, nhưng…

grab

Mô hình gọi xe qua ứng dụng đang được cho thí điểm tại một số thành phố, trong đó có TPHCM. Ảnh: Như Quỳnh

Hiện nay, trên trang web của Sở GTVT Đà Nẵng vẫn còn đăng tải thông tin “Chưa triển khai ứng dụng Uber để kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng”. Ngày 1-8 vừa qua, sở này cũng gởi Công văn 3872/SGTVT-QLVTPTNL đến Công ty TNHH Uber Việt Nam với nội dung: trong thời gian Chính phủ chưa ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến loại hình xe hợp đồng điện tử (như Uber), Sở GTVT Đà Nẵng đề nghị Công ty TNHH Uber Việt Nam dừng các hoạt động thử nghiệm, quảng cáo, quảng bá có liên quan ứng dụng gọi xe của Uber tại Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc với Tổng giám đốc kỹ thuật Uber toàn cầu và đại diện Công ty TNHH Uber Việt Nam trước đó (ngày 26-7-2017), Sở GTVT Đà Nẵng đã thông báo chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng về việc chưa cho phép thực hiện thí điểm các ứng dụng khoa học hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại Đà Nẵng (Quyết định 24 của Bộ GTVT) cho đến khi có kết quả tổng kết hai năm thực hiện thí điểm của Bộ GTVT.
Thế nhưng, ghi nhận thực tế cho thấy những người có nhu cầu gọi xe qua ứng dụng vẫn có thể đặt xe, hay nói cách khác ứng dụng di động vẫn hiển thị xe bình thường tại Đà Nẵng. Một số người dùng trên mạng cũng cho rằng, họ vẫn gọi xe Uber/GrabCar qua ứng dụng di động bình thường.

Khi được hỏi, đại diện Công ty TNHH Uber Việt Nam cho biết: “chúng tôi đang thử nghiệm ứng dụng Uber tại Đà Nẵng”, và không cho biết liệu có ngừng thử nghiệm Uber tại Đà Nẵng hay không.

Không cho vì đã có taxi

Sở GTVT Đà Nẵng nêu quan điểm của UBND thành phố Đà Nẵng về việc chưa đồng ý cho Công ty GrabTaxi Việt Nam triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử (GrabCar) tại thành phố này. Sở này cho rằng, về cơ bản, loại hình kinh doanh vận tải GrabCar tương tự như loại hình kinh doanh vận tải bằng xe taxi, nên khi đưa vào hoạt động sẽ làm gia tăng số lượng xe được cấp phép hoạt động theo quy hoạch của thành phố đã phê duyệt từ năm 2012 đến 2020, tầm nhìn đến 2030. Nói tóm lại, do đã có taxi nên không cần thiết phải triển khai thêm mô hình taxi khác.

Trước đó, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có hai Công văn số 9670/UBND-SGTVT (ngày 25-11-2016) và Công văn số 1000/UBND-SGTVT (ngày 14-2-2017) đề nghị Bộ GTVT cho phép thành phố chưa triển khai thí điểm ứng dụng GrabCar, với lý do rằng tại thời điểm hiện nay, với tốc độ phát triển phương tiện và điều kiện hạ tầng giao thông hiện có, thành phố đã và đang phải nghiên cứu triển khai nhiều giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giải quyết bài toán ùn tắc giao thông đang có dấu hiện ngày càng phức tạp.

Tương tự, Ban An toàn giao thông Đà Nẵng cũng đã có Công văn số 57/CV-BATGT (ngày 28-2-2017) gởi các sở, ngành liên quan đề nghị triển khai các giải pháp ngăn chặn, không để diễn ra các hoạt động kinh doanh vận tải sử dụng ứng dụng hợp đồng điện tử trong thời gian chờ ý kiến của Bộ GTVT.

Theo một số tài xế chạy Uber, do xe không gắn biển hiệu như taxi Mai Linh, Vinasun nên không dễ chặn xe ngoài đường để kiểm tra. Thông thường, lực lượng kiểm tra xe hợp đồng điện tử kiểu GrabCar/Uber sẽ phối hợp với một số bên liên quan dùng điện thoại thông minh yêu cầu xe, sau đó nói tài xế chạy vào nơi có chốt kiểm soát liên ngành.

Trên thực tế, Đà Nẵng và Khánh Hoà (Nha Trang) là những điểm đến có nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài. Việc có thêm các dịch vụ mới như Uber và GrabCar sẽ tạo sự thuận tiện cho du khách. Bản thân những vị khách du lịch nước ngoài đã quen với việc gọi xe qua smartphone tại nước họ.

[box type="info"] Công ty TNHH GrabTaxi là đơn vị được Bộ GTVT đồng ý cho thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Quyết định 24/QĐ-BGTVT (ngày 7-1-2016) của Bộ GTVT cho phép thí điểm tại năm tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh, với thời gian thí điểm trong vòng 2 năm (từ tháng 1-2016 đến 1-2018). Sau đó, vào đầu tháng 4 năm nay, Công ty TNHH Uber Việt Nam cũng được Bộ GTVT chấp thuận đề án thí điểm giống như GrabTaxi.[/box]

Thực ra, không chỉ có Đà Nẵng, Sở GTVT TPHCM cũng từng kiến nghị Bộ GTVT kết thúc thí điểm xe hợp đồng điện tử để các địa phương tổng kết hoạt động của mô hình này, nghiên cứu quy hoạch phương tiện giao thông công cộng (bao gồm taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi). Lý do được đưa ra là số lượng xe hợp đồng dạng GrabCar, Uber tăng quá nhanh, gây sức ép lên hạ tầng giao thông, dẫn tới nguy cơ ùn tắc giao thông.

Đại diện Sở GTVT TPHCM nhấn mạnh tới yếu tố tăng nhanh của loại xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (có thể đăng ký Uber/GrabCar). Tính đến thời điểm này, tại TPHCM đã có khoảng 22.000 xe hợp đồng, gấp đôi so với số lượng xe taxi (11.000 chiếc) từ nhiều năm nay.

Hiện nay, tại TPHCM không có hiện tượng ngăn chặn hoạt động kinh doanh Uber hoặc GrabCar. Các tài xế chạy xe hợp đồng có đầy đủ giấy tờ vẫn có thể hoạt động bình thường. Nhiều người cho rằng, TPHCM và Hà Nội có vẻ “thoáng hơn” trong việc đối xử với mô hình kinh doanh mới.

Cũng có nhiều người cho rằng, người tiêu dùng bị thiệt thòi khi không có quyền lựa chọn phương tiện di chuyển thích hợp (taxi truyền thống, Uber/GrabCar). Ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan và Malaysia, các công ty taxi truyền thống vẫn đang cạnh tranh bình thường với Uber và GrabCar.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối