Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Gốm Chóp Chài, một thời vang bóng

(SGTT) - Nói đến đồ gốm ở Phú Yên là giới sưu tầm, nghiên cứu nghĩ ngay đến dòng gốm cổ Quảng Đức đã xuất hiện từ hơn 300 năm trước, gắn liền với lịch sử của vùng đất trấn biên giữa Chămpa và Đại Việt một thời. Nhưng, còn có một dòng gốm nữa mà rất ít người biết đến, bởi nó ra đời, tồn tại chỉ trong vòng 10 năm từ 1982-1992, rồi biến mất hoàn toàn do không còn thị trường, do những tác động của kinh tế, xã hội. Đó là gốm Chóp Chài, một sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) Minh Khai vang bóng một thời trong và ngoài nước.

Ở tuổi ngoài 70, ông Đàm Khánh Hạ, nguyên Chủ nhiệm HTX Minh Khai vẫn say sưa câu chuyện làm gốm Chóp Chài, một hướng đi thành công của HTX lúc bấy giờ.

Ông kể lại năm 1979 cùng với phong trào cải tạo HTX nông nghiệp ở nông thôn, thì ở khu vực thành thị, các HTX tiểu thủ công nghiệp cũng được thành lập để tạo việc làm cho cư dân đô thị thất nghiệp. HTX Minh Khai được thành lập ở phường 5 thị xã Tuy Hòa năm 1979 cũng không ngoài mong muốn đó.

Ảnh: Trần Thanh Hưng

Ông Nguyễn Trọng là Bí thư Đảng ủy phường 5 rồi sau này là Chủ nhiệm đầu tiên của HTX Minh Khai còn cho biết, theo chủ trương của thị xã Tuy Hòa bấy giờ, phường 5 có khoảng 130-150 hộ gia gia đình sẽ đi kinh tế mới ở Lỗ Rong. HTX Minh Khai ra đời giúp vợ con những gia đình đi kinh tế mới có việc làm ổn định.

Ông Đàm Khánh Hạ trước 1975 là hiệu trưởng trường Trung học Bồ Đề - Hiếu Xương, ông nhận lời ông Trọng về làm cho HTX Minh Khai vì cảm tình tấm lòng của ông Trọng dành cho người nghèo, người chưa có việc làm. Vì thế mà khi thành lập, HTX Minh Khai đã thu hút ngay 182 xã viên tham gia sản xuất chiếu lá buông, hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Nhờ thị trường Liên Xô, đông Âu tiêu thụ tốt, xã viên có việc làm thường xuyên, được mua gạo quy đổi theo sản phẩm, ổn định được cuộc sống.

Hũ bát tiên có nắp. Ảnh: Trần Thanh Hưng

Khi ông Đàm Khánh Hạ đọc tài liệu phát hiện Phú Yên có nguồn cao lanh (đất sét trắng) tại phía bắc núi Chóp Chài thuộc xã Hòa Kiến ngày nay, ông nghĩ ngay đến chuyện sản xuất đồ gốm sứ.

Nhiều người ở HTX nông nghiệp Hòa Kiến bấy giờ không ủng hộ, lo sợ việc khai thác cao lanh làm “động” đến địa cuộc. Nhưng cũng có người cùng tầm nhìn xa như ông Hạ, trong đó có cố Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Nựu, một người bạn của Chủ nhiệm HTX Minh Khai Nguyễn Trọng, rất ủng hộ ý tưởng của ông Hạ. Nhờ vậy mà sản xuất đồ gốm đã trở thành một hoạt động chủ đạo của HTX Minh Khai ngay sau đó.

Ông Đàm Khánh Hạ, nguyên Chủ nhiệm HTX Minh Khai

Nhưng, không một xã viên nào có nghề làm gốm sứ thì bắt đầu công việc như thế nào? Ngay sau Tết nguyên đán năm 1982, ông Hạ dẫn đoàn xã viên hơn hai mươi người vào TP HCM để tầm sư học nghề với họa sĩ Lê Bá Đán. Ông là kỹ sư silicat tốt nghiệp tại Nhật, là giáo sư ở đại học Phú Thọ trước năm 1975. Sau 1975, ông Đán có cơ sở sản xuất đồ gốm ở Sông Bé (Bình Dương, Bình Phước ngày nay). Hai mươi xã viên chia nhau thành nhiều nhóm học hỏi kinh nghiệm trong qui trình chế tác đồ gốm dưới sự dẫn dắt của kỹ sư Lê Bá Đán.

Bình hoa long phụng. Ảnh: Trần Thanh Hưng

Hai vị trí quan trọng nhất là quản lý phân xưởng và họa sĩ tạo hình cho gốm được giao cho ông Nguyễn Văn Long và ông Nguyễn Thế Liêm. Theo ông Hạ, họ là những người không có chuyên môn nhưng thông minh, tiếp cận công việc rất nhanh sau thời gian học nghề.

Lò nung được các thợ lành nghề gốc người Hoa ở Sông Bé ra hướng dẫn xây đắp theo kiểu lò rồng truyền thống của người Hoa. Men màu cho gốm cũng được mua từ Sông Bé về. Mẻ gốm đầu tiên với vài trăm sản phẩm gồm bình cắm hoa các cỡ, gạt tàn thuốc, chén, bát…Các sản phẩm đều bỏ trong một bao nung và nung trong vòng 24 giờ, củi đốt lò là củi rừng tổng hợp nhưng nhiệt độ lò cũng đạt đến 1.200 độ C.

Mẻ gốm đầu tiên ra lò với sự chứng kiến của ông Phạm Hồng Quang, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh và một cán bộ ngành công nghiệp huyện Diên Khánh cùng đông đảo xã viên HTX. Ai nấy đều ngỡ ngàng trước sự thành công của mẻ gốm đầu tiên được chế tác từ nhóm thợ đều lần đầu tiên vào nghề. Bởi trước đó, các HTX ở huyện Diên Khánh, huyện Vạn Ninh đều làm gốm nhưng chưa thành công, chưa ổn định ngay từ đầu.

Những sản phẩm gốm của HTX Minh Khai bên dưới có đắp nổi dòng chữ Chóp Chài hoặc Chóp Chài - Tuy Hòa cùng biểu tượng dãy núi Chóp Chài. Ảnh: Trần Thanh Hưng

Những sản phẩm gốm của HTX Minh Khai bên dưới có đắp nổi dòng chữ Chóp Chài hoặc Chóp Chài - Tuy Hòa cùng biểu tượng dãy núi Chóp Chài. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Liên Xô và một số nước đông Âu. Những năm sau, HTX Minh Khai còn chế tác thêm hai sản phẩm gốm nữa là gốm giả đồng và hũ đựng cốt sau hỏa táng.

Đến năm 1992, khi thị trường Liên Xô và một số nước đông Âu không còn, HTX Minh Khai tạm dừng chế tác gốm, chuyển sang sản xuất chén đựng mủ cao su cho các công ty cao su ở Tây nguyên rồi cầm cự thêm vài năm với nghề xây lắp điện trong bối cảnh khó khăn chung của mô hình HTX.

Tiếc là trong hơn 25 năm sưu tầm, nghiên cứu đồ gốm, tác giả cũng chỉ may mắn có được hai sản phẩm duy nhất của gốm Chóp Chài. Đó là một chiếc hũ bát giác sưu tầm được tại Phú Yên, đồ án trang trí bát tiên, bên dưới có dòng chữ Chóp Chài – Tuy Hòa và chiếc bình cắm hoa đồ án trang trí long phụng với dòng chữ Chóp Chài bên dưới do cư sĩ Tâm Quang, Phan Thiết gửi tặng.

Nếu như các dòng gốm ở miền Trung như Sa Huỳnh, Châu Ổ, Gò Sành, Quảng Đức… là khởi nguồn cho các dòng gốm phía Nam sau này như Cây Mai, Lái Thiêu, Biên Hòa… đáp ứng nhu cầu cuộc sống hơn 200 năm qua, thì gốm Chóp Chài của HTX Minh Khai như một sự “trở về’ cố hương ngoạn mục, dẫu rằng sự trở về ấy bây giờ chỉ còn trong ký ức của ít người.

Trần Thanh Hưng

Chủ tịch CLB UNESCO Nghiên cứu Sưu tầm cổ vật Phú Yên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối