Thứ ba, Tháng Một 7, 2025

Gốm giả cổ hút khách

Đoàn Xá

Gần tết, phố gốm trên đoạn đường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM bỗng trở nên nhộn nhịp hơn những ngày thường bởi người dân bắt đầu mua đồ gốm để trang trí nhà cửa. Các chủ cửa hàng ở đây cho hay, năm nay đồ gốm giả cổ đang là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng.

Chỉ trên đoạn đường trải dài gần nửa cây số đã có vài chục cửa hàng gốm mở cửa từ sáng sớm.

Loay hoay chọn cho mình vài chiếc bình gốm giả cổ, ông Hùng, 65 tuổi ở quận Phú Nhuận, cho hay ông mới sửa xong ngôi nhà và cần mua một số bình gốm và lọ hoa để trang trí nhà cửa cho dịp ttết. Theo ông Hùng, đồ gốm ở khu này khá đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại, có màu sắc nét và chất lượng khá tốt so với một số nơi khác, đặc biệt là gốm giả cổ từ miền Bắc đưa vào. “Tôi rất thích đồ gốm giả cổ bởi nó đem lại cho ngôi nhà một chút gì hoài niệm”, ông Hùng nói.

Khách hàng đang chọn lựa sản phẩm gốm ở phố gốm Võ Thị Sáu.
Khách hàng đang chọn lựa sản phẩm gốm ở phố gốm Võ Thị Sáu.

Đồ gốm bày bán ở đường Võ Thị Sáu khá đa dạng, được đưa về từ các làng gốm truyền thống như Biên Hòa (Đồng Nai) hay Lái Thiêu (Bình Dương) và các làng gốm ở phía Bắc như Bát Tràng, Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) và Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh).

Anh Tiến Lợi, chủ một cửa hàng đồ gốm sứ ở đây, nói rằng những ngày gần tết, cửa hàng anh phải tăng lượng hàng nhập về, đặc biệt là gốm giả cổ ở phía Bắc. Đó là những bình gốm có men chìm, hoa văn đa dạng và mang những nét vẽ theo phong cách cổ từ thời đầu nhà Nguyễn.

Theo anh, đây là gốm sứ được sản xuất từ bàn tay của nghệ nhân ở làng gốm Bát Tràng, Kim Lan hay Phù Lãng. Công nghệ làm gốm hiện nay đã cải tiến nhiều, hoa văn gốm tinh xảo, hài hòa và chất lượng gốm tốt hơn do được nung ở nhiệt độ cao.

Sở dĩ khu phố gốm này bày bán nhiều sản phẩm của làng gốm miền Bắc là do hầu hết chủ các cửa hàng gốm là người từ vùng gốm Bát Tràng, Kim Lan vào đây định cư, buôn bán đồ gốm như là một cái nghề gia truyền của cha ông để lại. Công việc làm ăn phát triển, khu phố gốm này đã có trên 30 cửa hàng với hơn 500 loại sản phẩm khác nhau.

Ngoài gốm từ các làng nghề miền Bắc thì các cửa hàng còn nhập hàng từ Trung Quốc dù rằng vùng Biên Hòa (Đồng Nai) và một số địa phương ở Bình Dương cũng sản xuất được gốm nhưng những sản phẩm đó còn “non lửa” chưa đáp ứng được nhu cầu và thẩm mỹ của người chơi đồ gốm sành sỏi.

Theo nhiều người, đồ gốm giả cổ được thị trường ưa chuộng nhưng giá bán là không rẻ. Bà Thùy Vân, chủ một cửa hàng gốm cho biết, đây là sản phẩm ít nhiều mang tính nghệ thuật nên giá cả của nó cũng không cố định. Đối với những dòng sản phẩm thông thường như bình, chén, bát, lọ hoa, bình rượu đáp ứng cho người chơi bình dân thì giá chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng cho đến vài ba triệu đồng. Nhưng với mặt hàng độc đáo, được sản xuất qua nhiều công đoạn, hoa văn tinh xảo hoặc có giá trị về mặt thời gian thì giá bán rất cao, khoảng vài chục triệu đồng.

Theo bà Thùy Vân, đây là mặt hàng được những người sưu tầm, có kiến thức và ít nhiều am hiểu về nghệ thuật gốm sứ săn tìm. Vì vậy, những sản phẩm này khá kén khách và giá cao.

Các cửa hàng gốm ở đây thường nhập về nhiều mặt hàng gốm giả cổ có giá bình dân hơn nhằm phục vụ nhu cầu của đại đa số khách hàng trong dịp tết. Các chủ cửa hàng cho hay, dù chưa được quy hoạch thành một khu chợ gốm cố định nhưng phố gốm đang là nơi được nhiều người dân TPHCM tìm đến để mua sắm và thỏa thú vui sưu tầm, chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm đẹp và độc đáo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối