Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Hà Nội được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ không quá 50% chỗ ngồi, từ 6:00 ngày 14-10, trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi.
Thông tin này được nêu tại Công điện số 21 về triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội trong tình hình mới, ban hành chiều 13-10.
Theo đó, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ với không quá 50% chỗ ngồi từ 6:00 ngày 14-10. Các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi không thuộc đối tượng điều chỉnh của công điện này.
Điều kiện để các cơ sở kinh doanh phục vụ trở lại là phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn. Ngoài ra, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Còn khách hàng tới các cơ sở này thực hiện quét mã QR.
Với khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú, chính quyền thành phố cho phép được hoạt động trở lại không quá 50% công suất. Ngoài ra, phải đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định và hướng dẫn của ngành du lịch.
Các bảo tàng, công viên cũng được phép mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người mỗi đoàn. Đồng thời phải đảm bảo khoảng cách, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.
Với các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền thành phố cho phép hoạt động bình thường, thay vì làm việc theo nguyên tắc 50/50 – 50% tại trụ sở và 50% sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà như công điện được ban hành ngày 21-9.
UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị này thường xuyên tự đánh giá nguy cơ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Đồng thời, khuyến khích làm việc trực tuyến.
Về hoạt động vận tải, chính quyền thành phố cho phép xe buýt và xe taxi hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, nhưng phải đảm bảo các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và các quy định phòng chống dịch.
UBND thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã duy trì chế độ ứng trực thường xuyên, hoạt động của các tổ Covid-19 cộng đồng, đội phòng chống dịch cơ động của quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để rà soát, quản lý, giám sát việc di biến động người dân trên địa bàn.
Ngoài ra, cần thực hiện giám sát, theo dõi sức khỏe và xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định và hướng dẫn của ngành y tế với những người cư trú trên địa bàn khi trở về từ địa phương, khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Các địa phương chủ động phối hợp Sở Y tế đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời kiểm soát dịch bệnh trong mọi tình huống trên địa bàn; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 và công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh, sản xuất, dịch vụ trên địa bàn và các khu vực có nguy cơ khác.
Trước đó, Hà Nội áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế, cho phép nhiều hoạt động, dịch vụ được mở cửa trở lại như cắt tóc, gội đầu, cửa hàng ăn uống (bán mang về) từ 6:00 ngày 21-9.
Tới ngày 28-9, chính quyền thành phố tiếp tục cho phép người dân tập thể dục, thể thao ngoài trời, nhưng không được tập trung quá 10 người. Trung tâm thương mại, các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về, cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm được mở cửa trở lại.
Hoàng Thắng
Theo Kinh tế Sài Gòn Online