(SGTT) - Khi cơn gió mùa Đông thổi nhẹ một làn hơi man mát vào đất trời, những bông cúc họa mi dịu dàng bắt đầu len lỏi khắp phố phường Hà Nội. Cúc đong đưa trên gánh hàng hoa của chị, cúc "lí lắc" theo bước chân của bà, cúc tinh khôi trong đôi mắt người thiếu nữ, cúc trải dài trong những vườn hoa ven bãi đá sông Hồng.
- Ẩm thực Hà thành trong mắt người Sài Gòn
- "Hà Nội - Đến để yêu": Lễ hội Du lịch 2022 của thủ đô
- Ba điểm du lịch biển "mới nổi" gần Hà Nội
Cúc họa mi vốn được xem là loài hoa báo Đông bởi khi những cánh trắng đầu tiên bung nở là dấu hiệu một mùa lạnh sắp đến. Chính xác hơn, cúc họa mi đã khoe sắc từ lúc trời còn luyến tiếc hương thu mà gió đông đã ngập ngừng trước ngõ.
Đây vốn là loài hoa mọc hoang dã, sống bền bỉ và mạnh mẽ dù dáng hình bên ngoài khá mong manh, yếu ớt. Khi được trồng cả cánh đồng, cây này dựa vào cây kia thành một khối vững vàng, kiêu hãnh. Mỗi cơn gió thoảng qua, những cánh hoa rung rinh tựa như cánh bướm dập dờn. Loài hoa nhỏ nhắn, trắng trong này còn được ví như mối tình thuần khiết, không màu mè mà vẫn in sâu trong trái tim mỗi người.
Điều đặc biệt nữa là mỗi năm loài này chỉ ra hoa một lần. Với vẻ tinh khiết ấy, nó đã trở thành một nét đẹp đặc trưng cho Hà Nội khi đông về. Bởi vậy, cứ đến dịp đầu đông, các vườn hoa ở Hà Nội lại có rất nhiều người đến lưu giữ hình ảnh của cúc họa mi. Dù lạc giữa biển hoa ngút ngàn, hay chỉ cần vài cành hoa trắng buông hững hờ trên vạt áo cũng đủ để tạo nên khoảnh khắc ấn tượng cùng cúc họa mi.
Nhưng mùa Đông Hà Nội không chỉ có cúc họa mi. Để điểm xuyết thêm cho sắc trắng muốt của cúc họa mi và màu xám bạc của không gian mùa Đông, cúc chi đã được gửi xuống trần gian thay cho những giọt nắng vàng rực rỡ. Nếu cúc họa mi mang vẻ đẹp của nàng thơ mong manh e ấp, thì cúc chi là sức sống bừng sáng. Nếu ngày nào đó trên phố, bạn bắt gặp những đốm vàng nhỏ xinh trên gánh hàng hoa thì đó chính là cúc chi.
Cúc chi còn được gọi là kim cúc, cúc tiến vua. Với màu vàng óng như sắc màu quyền lực của hoàng cung, từ xưa, loài cây này đã được trồng để lấy hoa dâng lên vua. Cúc chi rất sai hoa, nở từ thân tới ngọn theo từng chùm sum suê. So với độ nổi tiếng của cúc họa mi, cúc chi ít người biết đến hơn.
Cúc chi có mùi hăng hắc đặc trưng của hoa cúc nhưng hơi nồng hơn một chút. Đây cũng là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Hoa đem sấy khô làm trà hoặc kết hợp với các vị thuốc khác sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan, chữa mất ngủ. Muốn làm thuốc, hoa cần được hái lúc đang nở rộ, lựa từng bông một, tránh dập nát, không được để lại cuống hoa. Người hái cũng phải tỉ mỉ, lựa chọn chỗ đứng sao cho phù hợp để tránh làm gãy cành vì còn rất nhiều nụ hoa khác chưa nở. Nhiều nhà trồng cúc ước tính rằng mỗi sào hoa cúc thu được khoảng 450kg hoa tươi, 5-7kg hoa tươi mới được 1kg hoa khô.
Những năm gần đây, cúc họa mi và cúc chi đã được nhiều nhà vườn trồng và tạo cảnh quan cho du khách thích chụp cảnh, nhất là khu bãi đá sông Hồng, khu vực Long Biên, làng hoa Tây Tựu, khu Hồ Tây... Ngoài ra, một số địa phương lân cận như huyện Văn Lâm (Hưng Yên) có cả vườn dược liệu cúc chi luôn thắm sắc mỗi khi đông về. Chỉ cần lưu ý mọi người nhớ giữ gìn, đừng bẻ hoa, đừng đạp gãy cành để ai cũng được ngắm những sắc hoa rực rỡ.
Việt An