Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Hai gói thầu kích hoạt thị trường lúa gạo

TRUNG CHÁNH -

Sau khi trúng liên tiếp hai gói thầu với tổng khối lượng lên đến 1,45 triệu tấn gạo cung cấp cho Philippines và Indonesia, thị trường lúa gạo nội địa đã sôi động hẳn lên. Tuy nhiên, một số người trong cuộc dự báo khó có thể xảy ra cơn “sốt giá” trong ngắn hạn, từ nay đến cuối năm.

Chặn đà suy giảm

Kể từ khi Việt Nam giành được hợp đồng cung cấp 450.000 tấn gạo, loại 25% tấm cho Philippines ngày 17-9 với giá 426,6 đô la Mỹ/tấn (giao tại kho của Philippines), xu hướng giảm giá trên thị trường lúa gạo nội địa đã chững lại. Và sau khi Việt Nam tiếp tục giành được hợp đồng bán một triệu tấn gạo cho Indonesia, giá lúa gạo thị trường nội địa bắt đầu “nhích” dần, tăng khoảng 300-400 đồng/kg chỉ trong khoảng 20 ngày qua.

Nông dân Tiền Giang đang thu hoạch lúa.
Nông dân Tiền Giang đang thu hoạch lúa.

Cụ thể, hiện gạo nguyên liệu (gạo lứt) của giống IR 50404 tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được các đơn vị cung ứng bán cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với giá khoảng 6.400-6.500 đồng/kg. Trong khi đó, lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện có giá khoảng 4.400-4.500 đồng/kg, tăng nhẹ so với mức 4.100-4.200 đồng/kg trước đó.

Sau trúng thầu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng được cải thiện thấy rõ. Hiện các doanh nghiệp chào bán gạo quanh mức 345-355 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 5% tấm và 330-340 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 25% tấm, tăng khoảng 15-25 đô la Mỹ/tấn so với thời điểm trước khi trúng thầu cung cấp gạo cho Philippines hôm 17-9 vừa qua.

Theo bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Yến Ngọc (TPHCM), thông tin trúng thầu hai hợp đồng cho Philippines và Indonesia đã làm thay đổi diễn biến thị trường lúa gạo nội địa ở ĐBSCL. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đàm phán các hợp đồng tiếp theo, bao gồm cả hợp đồng thương mại. “Nhưng ở góc độ của nông dân, họ không được lợi vì lúa sau khi thu hoạch cơ bản đã được bán ra trước đó hết”, bà cho biết.

Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 6-10, vụ lúa hè thu 2015, toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch được 1,6 triệu ha trong tổng số 1,7 triệu ha diện tích lúa đã xuống giống. Trong khi đó, diện tích chuẩn bị thu hoạch của vụ thu đông cũng chỉ còn khoảng 500.000 ha trên 750.000 ha diện tích lúa đã xuống giống, tính đến ngày 6-10.

[box] Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 9-2015, các doanh nghiệp hội viên đã xuất khẩu được hơn 532.000 tấn gạo các loại, trị giá FOB đạt hơn 216 triệu đô la Mỹ. Lũy kế xuất khẩu từ ngày 1-1 đến ngày 30-9-2015 đạt hơn 4,3 triệu tấn, trị giá FOB đạt hơn 1,8 tỉ đô la Mỹ.

Còn tại hội nghị giao ban xuất khẩu chín tháng đầu năm 2015 diễn ra tại TPHCM ngày 12-10, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay đạt 6,5 triệu tấn với giá trị khoảng 2,8 tỉ đô la Mỹ (tăng 2,7% về lượng và giảm 4,6% về giá trị so với năm 2014).

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhận định mặt hàng gạo vừa rồi có yếu tố tích cực trở lại nhưng vẫn còn sự thiếu ổn định và phụ thuộc vào một số thị trường có sẵn. Những đối thủ của gạo Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan cũng cạnh tranh rất quyết liệt.[/box]

Nhưng khó “sốt giá”

Mặc dù giá lúa gạo nội địa lẫn xuất khẩu đã có sự cải thiện đáng kể, nhưng một số người trong cuộc dự báo sẽ khó có khả năng xảy ra hiện tượng “sốt giá” trong ngắn hạn, từ nay đến cuối năm 2015.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), cho biết nếu quy ra giá FOB (giao tại cảng Sài Gòn), hợp đồng trúng thầu cung cấp gạo cho Philippines có giá khoảng 350 đô la Mỹ/tấn, tương đương 7,7 triệu đồng/tấn (tỷ giá 1 đô la Mỹ là 22.000 đồng). Như vậy, để đảm bảo có hiệu quả khi thực hiện hợp đồng này, mức giá doanh nghiệp xuất khẩu mua vào đối với gạo nguyên liệu (gạo lứt) ở mức 6.400-6.500 đồng/kg là hợp lý.

Một nguồn tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, tính đến đầu tháng 10-2015, lượng gạo còn tồn kho ở các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khoảng một triệu tấn, tức thấp hơn tổng khối lượng gạo cần giao hàng cho hai hợp đồng này khoảng nửa triệu tấn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi (Tiền Giang), cho rằng nếu căn cứ vào thời gian giao hàng từ tháng 10-2015 đến tháng 3-2016 thì bình quân khối lượng gạo cần giao cho hai hợp đồng này chỉ khoảng hơn 240.000 tấn/tháng, tức từ nay đến cuối năm 2015 tổng khối lượng gạo cần giao chỉ khoảng 720.000 tấn. Như vậy, khi cân đối với số gạo còn tồn kho, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động được.

Còn đối với số lượng gạo sẽ giao trong quí 1-2016 (khoảng 720.000 tấn), nguồn cung sẽ được bổ sung đáng kể từ vụ lúa thu đông 2015 cũng như vụ đông xuân 2015-2016 sắp tới đây. “Điều này có nghĩa chúng tôi sẽ chủ động được và những lo ngại về nguy cơ thiếu hụt sẽ không có khả năng xảy ra, ít nhất trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm”, ông Phong cho biết.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối