(SGTTO) - Hải sản là một trong những nguồn thức ăn mang đến nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nhờ giàu protein, axit béo omega-3 và chứa ít chất béo bão hoà, hải sản có khả năng giúp cơ thể phòng chống nhiều căn bệnh. Tuy nhiên, việc ăn hải sản sống hoặc chưa nấu chín kỹ có thể gây ra các tác dụng phụ hoặc làm lây truyền các căn bệnh có hại cho sức khỏe.
Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn
Các loại hải sản có vỏ ví dụ như hàu được đánh bắt tại vùng nước ấm ven biển có thể chứa vi khuẩn Vibrio vulnificus và Vibrio parahaemolyticus. Vibrio vulnificus gây ra tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng ở những người có sức khoẻ tốt và gây nhiễm trùng - có thể đe doạ đến tính mạng - ở những người có hệ thống miễn dịch bị kém, thời gian ủ bệnh từ 1-7 ngày.
Vibrio parahaemolyticus gây ra tiêu chảy và thời gian ủ bệnh là từ 2-48 giờ.
Thiếu hụt Thiamine
Theo MedlinePlus, việc ăn nhiều cá hoặc hải sản sống góp phần gây tình trạng thiếu hụt thiamine. Thiamine thuộc họ phức hợp vitamin B, là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu không thể tạo ra trong cơ thể.
Thiamine giúp cơ thể chuyển hoá carbohydrate và chuyển đổi thức ăn thành năng lượng. Cá và các loại hải sản sống ở vùng nước ngọt có chứa các chất gọi là thiaminase - một loại men phân huỷ thiamine.
Nếu cơ thể thiếu hụt thiamine, bạn sẽ gặp các triệu chứng như mệt mỏi, cáu gắt, chán nản và khó chịu ở bụng.
Nguy cơ viêm gan A
Theo Đại học Columbia, viêm gan A là do một loại virus được tìm thấy trong các loại hải sản sinh sống ở những khu vực bị ô nhiễm do chứa nước thải của con người. Loại virus này có thể gây viêm gan với các triệu chứng bao gồm sốt, mệt mỏi, khó chịu ở bụng và vàng da; thời gian ủ bệnh dao động từ 15-50 ngày.
Bài viết được đăng trên tạp chí Clinical Microbiology Reviews vào tháng 4-2010 ghi nhận rằng nhiễm virus viêm gan A là nhiễm virus nghiêm trọng nhất liên quan đến việc ăn hải sản tươi, ví dụ như hàu.
Nguy cơ nhiễm ký sinh trùng
Ký sinh trùng xuất hiện một cách tự nhiên trong tất cả các sinh vật sống bao gồm cá. Chúng sẽ không gây ra bất cứ vấn đề sức khoẻ nào đáng lo ngại nếu như đã được nấu chín một cách cẩn thận.
Tuy nhiên, việc ăn cá sống có khả năng gây ra hai loại nhiễm ký sinh trùng ở người đó là ăn phải ấu trùng giun đũa - được tìm thấy ở các loại cá nước mặn như cá tuyết, cá chim, cá bơn, cá trích, cá vược... gây bệnh anisakiocation và nhiễm sán dây – kết quả từ việc ăn phải ấu trùng diphyllobothrium được tìm thấy trong các loại cá nước ngọt như cá thuộc chi cá rô, cá hồi...
Việc đông lạnh cá có thể giết chết các ký sinh trùng nhưng không thể giết chết tất cả các sinh vật có hại.
NGƯỜI CÓ NGUY CƠ BỊ NGỘ ĐỘC CAO NẾU ĂN HẢI SẢN SỐNG HOẶC CHƯA CHÍN
Những người có hệ thống miễn dịch kém, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn tuổi là nhóm đối tượng nên cẩn thận trong việc ăn các loại hải sản sống. Bởi những người này sẽ có nguy cơ mắc bệnh từ thực phẩm cao hơn, bệnh nghiêm trọng và đe doạ đến tính mạng cao hơn.Nhóm người có nguy cơ cao thường được khuyến cáo không nên ăn các loại hải sản sống hoặc nấu chưa chín. Nếu bạn thuộc nhóm người có nguy cơ cao, hãy nấu chín tất cả các loại cá và hải sản trước khi ăn. Bạn cũng có thể nhờ sự tư vấn của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để xác định xem bạn có thuộc nhóm đối tượng nên cẩn thận khi ăn hải sản sống hay không.
K.P.
Tổng hợp theo Livehealthy và Eatright